Bạn đọc viết:
Nỗi khổ mang tên “đồng phục học đường”
(Dân trí) - Cứ mỗi dịp đầu năm học, học sinh và phụ huynh lại xôn xao chuyện đồng phục học đường. Nào đâu chỉ là chuyện cái áo, cái váy phải mang màu sắc riêng của mỗi trường, giờ đây những người bạn quanh tôi đang rối rắm đến cả chuyện bao bì sách vở, cặp sách cũng phải… đồng phục.
Hôm qua, một người bạn của tôi có con vừa vào lớp 6 ở trường trung tâm thị xã buồn hiu kể về chuyện bộ đồng phục không được chấp nhận chỉ vì cái lô gô của trường trên áo không đúng quy định. Đầu năm nhà trường yêu cầu phụ huynh may sắm áo quần cho các cháu theo đúng màu sắc, kiểu cách quy định.
Gia đình cháu đã cuống cuồng chạy theo quy định của nhà trường khi hè chưa hết để cháu kịp có đồng phục nhập học vào giữa tháng 8. Rồi trường phát mẫu lô gô yêu cầu đính vào áo, do không nắm thông báo kỹ nên một số phụ huynh đi thêu số khác thì đi in mẫu lô gô ngay trên áo.
Và khi nhà trường kiểm tra nề nếp thì những mẫu lô gô đã thêu không đúng quy định nên các cháu bị nhắc nhở. Bọn trẻ đầu cấp về nhà buồn hiu, nhăn nhó kể chuyện bị phê bình và sợ đến trường vì bộ đồng phục không đúng mẫu lô gô. Phụ huynh dù muốn xuôi theo quy định của trường học cũng không ổn vì dồng phục áo sơ mi và đồng phục áo thể dục đều đã lỡ thêu, nếu sắm mới lại tốn chi phí.
Chuyện cái áo, cái váy phải theo quy định đồng phục của nhà trường bao giờ cũng gây ra tranh cãi trong dư luận. Chúng ta thừa nhận rằng mỗi trường học cần tạo cho mình một màu sắc riêng, một dấu ấn riêng về đồng phục, để mỗi đứa trẻ đến trường có thể tự hào khoác lên mình bộ trang phục mang đậm phong cách riêng của trường lớp. Và đồng phục trong trường học cũng là một giải pháp để kéo gần khoảng cách giữa học sinh, tránh sự phân biệt giàu nghèo.
Tuy nhiên, sở dĩ phụ huynh kêu ca và xã hội phàn nàn chuyện đồng phục bởi không ít trường quá nhiều quy định khiến phụ huynh chạy bở hơi tai theo đồng phục. Nào là áo phải màu này, váy phải kiểu kia. Nào là nhà trường đứng ra bán đồng phục giá hơi cao nhưng chất lượng vải chưa đảm bảo.
Nào là trường chỉ định phụ huynh phải đến tiệm may này kia để cắt vải, may đo mới có mẫu lô gô. Nào là chuyện thỉnh thoảng đổi mẫu đồng phục hàng loạt khiến phụ huynh phải quay cuồng sắm mới tất tần tật… Một vài trường học đã biến việc mua sắm đồng phục thành lợi ích kinh doanh khiến dư luận bất bình.
Và giờ không chỉ áo quần mới đồng phục, ở trường tiểu học của cháu tôi phải bao bọc sách vở theo mẫu quy định chung. Bọc bìa trắng, dán số 1, 2, 3 tương ứng với các môn toán, chính tả, tăng tiết. Nhà trường lý giải rằng bọn trẻ lớp 1 chưa biết rõ các môn học nên phải dán số để các cháu nhận biết đúng sách vở cần dùng ở mỗi tiết học, nhưng lạ là lên lớp 3, 4, 5 vẫn phải bọc vở trắng và dán số thì còn đâu là sự sáng tạo, tôn trọng sở thích của học sinh.
Trong năm học mới này, nhiều trường học quy định không được bọc vở bằng bao bì ni lông mà thay bằng giấy. Vậy là cô giáo của các cháu quy định các cháu phải bọc giấy hoa xanh cho vở toán, giấy hoa vàng cho vở chính tả… Mới hôm qua thôi khi đi nhà sách tôi bắt gặp vẻ mặt cau có của một bà mẹ tìm không đúng mẫu giấy bọc vở mà cô giáo yêu cầu nên gắt gỏng “Mẹ chịu thôi” trong khi bé con lớp 1 đứng bên cạnh mếu máo.
Tôi thiết nghĩ nhà trường cần phải xây dựng nề nếp, kỷ luật để ổn định việc dạy học và giáo dục học sinh. Mỗi đứa trẻ đến trường phải tuân theo những quy định riêng của trường học để rèn giũa những thói quen tích cực làm nền tảng cho việc hình thành nhân cách khi trưởng thành.
Tuy nhiên, một vài quy định khắt khe về lô gô trên đồng phục, về mẫu giấy bọc vở, về những chiếc cặp đồng nhất… là điều hoàn toàn không nên. Nhất là khi ngành Giáo dục đang phát động xây dựng “trường học hạnh phúc” thì mỗi bước chân của trò đến trường cần phải thật sự thoải mái, vui vẻ và hứng khởi.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!