Nỗ lực “hạ hỏa” tuyển sinh của ngành giáo dục TPHCM

(Dân trí) - Sở GD-ĐT TPHCM vừa có các văn bản mới "đón đầu" trước gần 3 tháng cho việc tuyển sinh các lớp đầu cấp với hy vọng sẽ giảm được sức nóng vốn rất dữ dội của "cuộc chiến" trong tuyển sinh ở địa phương này.

Còn nhớ vào mùa hè năm 2007, việc tuyển sinh lớp 10 của TPHCM đã thực sự như chìm trong "bể lửa" khi hơn 61.000 thí sinh (TS) dự thi vào lớp 10 thì có đến 13.000 TS trượt cả hai nguyện vọng và nháo nhác không biết đi đâu về đâu. Còn việc tuyển sinh lớp 1 thì nóng bỏng câu chuyện chạy trường với giá của mỗi suất vào trường điểm đã từng bị dư luận phanh phui là lên đến hàng chục triệu đồng...

Làm sạch "guồng máy" tuyển sinh

Trao đổi với Dân trí sáng 31/3, Giám đốc Sở GD- ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh cho biết, quy định mới trong tuyến sinh các lớp đầu cấp năm học 2008-2009 đã được xây dựng trên yêu cầu ngăn chặn hiệu quả tệ chạy trường tiêu cực bằng mọi biện pháp tích cực. Đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân thành phố, đặc biệt là con em gia đình chính sách, gia đình nghèo; thực hiện tốt phổ cập giáo dục các cấp học phổ thông và phổ cập bậc trung học. Xây dựng mạng lưới trường học cân đối, thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục đảm bảo công bằng giáo dục, thực hiện tốt các chế độ miễn giảm học phí cho HS nghèo.

Như rất nhiều những giải pháp để chấn chỉnh giáo dục, những giải pháp lần này mà Sở GD- ĐT TPHCM sẽ áp dụng trong tuyển sinh cũng rất "mạnh tay" và cương quyết. Cụ thể là:

Đối với lớp 1: Không nhận học sinh (HS) học sớm tuổi và không nhận HS trái tuyến ngoài quận, huyện. Sau khi có danh sách tuyển vào lớp 1, các trường tự tổ chức tuyển tăng cường ngoại ngữ theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Huy động 100% trẻ 6 tuổi (sinh năm 2002) đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học lớp 1 theo tuyến phường, xã do Ban tuyển sinh quận, huyện quy định. Danh sách tuyển sinh lớp 1 công bố đồng loạt vào ngày 31/7/2008.

Đối với lớp 6 phổ thông: Mọi HS đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học phải được vào học lớp 6 ở các hệ trường theo quy định (công lập, dân lập, tư thục, giáo dục thường xuyên). Không tổ chức thi tuyển, ngoại trừ các trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và trường THPT chuyên năng khiếu Thể dục thể thao Nguyễn Thị Định. Danh sách HS trúng tuyển vào lớp 6 công bố đồng loạt vào ngày 15/7/2008.

Đối với lớp 10: HS tốt nghiệp THCS tại TPHCM trong độ tuổi quy định (từ 15 đến 19 tuổi) đều được tham dự tuyển sinh theo 2 phương án xét tuyển và thi tuyển. Những HS trên các địa bàn thực hiện xét tuyển có thể xin thi tuyển vào các trường THPT trên các địa bàn có thi tuyển nhưng không còn được tham gia xét tuyển trên địa bàn của mình. HS có nguyện vọng học trường dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục thường xuyên nào thì đăng ký học tại trường ấy để trường xét tuyển.

Ngoài ra, đối với tất cả các cấp học trong thời điểm này, ông Minh cũng khẳng định: Nghiêm cấm các trường vận động, quyên góp và thu các khoản thu ngoài quy định của pháp luật dưới bất cứ hình thức nào (như sổ vàng…).

Một mùa thi có bớt nóng?

Không ít phụ huynh ở TPHCM hiện đang rất băn khoăn về việc liệu sở GD- ĐT TPHCM có thực hiện triệt để được việc tuyển sinh trái tuyến hay không.

Chị Mỹ Hạnh, nhà ở quận 12 cho biết: "Nếu thực hiện được việc không tuyển sinh trái tuyến thì chắc chắn tiêu cực chạy trường sẽ khó có đất sống! Quyền lợi đi học của các cháu cũng được đảm bảo hơn. Tuyển sinh cũng chắc chắn không còn căng thẳng như những năm trước"

Tuy nhiên, theo nhận xét của chị Vân Anh, quận Tân Bình thì nếu bố mẹ muốn con cái học ở gần nơi mình đi làm cho tiện đưa đón, nhưng quận nơi họ đang làm việc lại khác với quận theo hộ khẩu thì với quy định này họ sẽ không thể tiếp tục được hưởng sự thuận tiện đó.

Theo khẳng định từ phía Sở GD- ĐT TPHCM, phụ huynh dù muốn hay không cũng phải tuân theo quy định này vì năm nay, UBND TP. trực tiếp chỉ đạo không chấp nhận tuyển sinh trái tuyến ngoài quận, huyện (trong quận có thể du di). Quy định này nên được các phụ huynh thông cảm vì nó còn xuất phát từ tình hình đô thị giao thông đông đúc, đi lại khó khăn và các quận, huyện đã đủ trường lớp tiếp nhận HS trong quận. Vì vậy, nếu như năm trước ngành chỉ giới hạn tuyển sinh trái tuyến thì năm nay sẽ cấm triệt để.

"Chúng tôi biết việc không nhận HS trái tuyến thực hiện sẽ khó khăn nên đòi hỏi phải có sự đồng thuận lớn", ông Minh bầy tỏ.

Đối với việc tuyển sinh lớp 10, năm nay, thí sinh cũng đã có thêm 1 nguyện vọng, đồng thời, chỉ tiêu lớp 10 tăng hơn 5.000, trong đó, tỷ lệ công lập chiếm khoảng 80%. Nhưng, muốn tuyển sinh lớp 10 thực sự không còn là một "cuộc chiến", cũng theo ông Minh, về lâu dài, ngành sẽ giảm thi tuyển bằng xét tuyển để giảm tải thi cử cho HS. Năm 2008 – 2009 có thêm 2 quận, huyện xét tuyển, những năm học sau sẽ có nhiều quận thực hiện xét tuyển vào lớp 10 hơn nữa.

3 không trong dạy thêm - học thêm của TPHCM:

UBND TPHCM vừa ban hành quy định quản lý dạy và học thêm trên địa bàn TP. Theo đó, có 3 "không" là:

1. Không có giấy phép, không được dạy thêm thu tiền. Hoạt động dạy thêm, học thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép, trừ trường hợp cá nhân giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường hoặc những người dạy kèm cho HS theo yêu cầu của phụ huynh được miễn cấp giấy phép dạy thêm.

2. Không được tổ chức dạy thêm quá 3 tiết/buổi học và không quá 3 buổi/tuần. Đối với các lớp học 2 buổi trong một ngày, không tổ chức dạy thêm cho HS. Việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường.

3. Không dạy thêm cho HS tiểu học, trừ các trường hợp: nhận quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo những HS học lực yếu, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, luyện tập kỹ năng đọc, viết cho HS.

Về quy định thu bao nhiêu tiền dạy thêm, Sở GD- ĐT phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn mức thu và sử dụng tiền dạy thêm tại các cơ sở giáo dục công lập theo quy định. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là do các tổ chức khác (ngoài các tổ chức nêu trên) hoặc cá nhân thực hiện. Mức thu tiền dạy thêm theo thỏa thuận của giáo viên với cha mẹ HS.

Việc phân cấp quản lý: Sở GD-ĐT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức dạy thêm cấp trung học phổ thông và nhiều cấp (liên cấp) cùng một cơ sở giáo dục. Phòng Giáo dục các quận - huyện là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức dạy thêm cấp trung học cơ sở và cấp tiểu học.

Được biết, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ra văn bản quy định chi tiết về việc dạy thêm học thêm, hưởng ứng tích cực Quy chế dạy thêm- học thêm do Bộ GD- ĐT vừa chính thức ban hành.

Mai Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm