Bạn đọc viết:

Níu tay trẻ trước thảm cảnh đuối nước

Nguyễn Thanh

(Dân trí) - Thông tin nhà trường phối kết hợp với ban dự án tổ chức buổi tập huấn phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh khối lớp 7 vào tuần tới khiến chúng tôi khấp khởi mừng thầm.

Níu tay trẻ trước thảm cảnh đuối nước - 1

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong vì đuối nước, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

Thế là bọn trẻ ở cái tuổi ham vui ham chơi ấy sẽ được lắng nghe những kiến thức bổ ích để phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tránh xa hiểm nguy liên quan đến tai nạn đuối nước trong bối cảnh hè về, thời tiết ngày càng oi bức và lời rủ rê, mời gọi của bạn bè đồng trang lứa nhảy ùm xuống nước vang lên nhiều hơn.

Chỉ tiếc là khuôn khổ của buổi tập huấn phòng chống tai nạn thương tích ấy chỉ có thể gói gọn trong một khối lớp với số lượng học sinh nhất định. Trong khi đó kiến thức hữu ích và kỹ năng thiết thực sẽ được triển khai trong buổi tập huấn ấy cần thiết vô cùng cho tất cả học sinh!

Tôi vẫn nhớ như in một ngày hạ rực nắng của 5 năm trước, chúng tôi đã vuột mất cậu học trò lớp 7 giỏi nhất khối. Dòng nước hiền hòa quyến rũ đến lạ kỳ đã níu chân mấy đứa trẻ đang vật vã nóng. Bọn trẻ chẳng nghĩ suy gì nhiều, nhảy ùm xuống nước và đùa giỡn. Con đã vào bờ, chợt thấy em trai và bạn chới với liền ào ra cứu, thế là đi mãi…

Đám tang của con có quá nhiều nước mắt và tiếng khóc than… Mẹ con thất thần ngồi nhìn di ảnh. Em trai con buồn hiu vấn vành khăn trắng. Bạn cùng lớp khóc tức tưởi gọi tên con. Thầy cô thẫn thờ, quay quắt trong dòng hồi ức về trò… Ký ức về những ngày đưa tang con vẫn đang làm lòng người nghẹn lại mỗi khi khơi lại kỷ niệm buồn!

Rồi cũng trong năm ấy, một nhóm nam sinh nữ sinh lớp 9 rủ nhau đi biển để tạm biệt những ngày cùng học cùng chơi dưới mái trường cấp hai. Bọn trẻ đã cùng lội xuống dòng nước mát và rơi vào dòng nước xoáy níu nhau chới với. May mắn là có nhóm thanh niên đang tập huấn cứu hộ gần đó nghe tiếng la hét thất thanh vội ào ra cứu được trọn vẹn năm đứa trẻ.

Bọn trẻ đã giấu giếm mọi chuyện và lúc chúng tôi nghe kể sau một tuần mới thót tim và hoảng hốt nhắn tin hỏi han. Vậy nhưng mỗi năm học tiếp theo, nỗi lo về việc mấy đứa trẻ cuối cấp giấu bố mẹ, thầy cô để rủ nhau lên thác xuống biển lại quay về nguyên vẹn. Các con ham vui lắm, nghe bạn bè rủ là cứ thế góp tiền thuê xe lăn bánh. Có lần chúng tôi được "mật báo" đã chặn được kế hoạch đi chơi xa của đám trẻ nhưng cũng có đôi lần các con lén lút đi chơi theo nhóm mà bố mẹ, thầy cô chẳng thể nào quản hết được. Lo thay!

Nguy cơ về tai nạn liên quan đến sông nước vẫn luôn rình rập sát bước chân ham vui của trẻ. Hè vừa sang chưa bao lâu mà chúng ta chứng kiến liên tiếp mấy vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của bao đứa trẻ.

Chiều 11-4, có hai chị em ở Đắk Lắk cắt cỏ phụ cha mẹ không may rơi xuống ao nước tưới của gia đình và ra đi mãi mãi. Trước đó 1 ngày, 3 đứa trẻ tội nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk đuối nước thương tâm trong ao nước lúc đi bắt ốc. Cách đó 2 tuần, 3 đứa con nhỏ trong một gia đình ở huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đuối nước khi chơi ở hồ nước cách nhà không xa.

Góp vào bức tranh buồn ấy có thêm 2 nam sinh lớp 9 ở Quảng Nam tử vong khi tắm ở hố nước Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) hôm 19-3 nữa… Và nhiều đứa trẻ khác, trong phút giây lơi lỏng sự quản lý của gia đình đã quên mất lời cha mẹ dặn, thầy cô răn để rồi người ở lại đớn đau nhận tin dữ.

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên bên cạnh những tai nạn thương tích khác.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong vì đuối nước, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Những con số thống kê đầy ám ảnh ấy có đủ sức đánh động mỗi phụ huynh níu tay con trẻ trước thảm cảnh đuối nước?

Xin quan tâm nhắc nhở nhiều hơn những đứa trẻ quanh mình về hiểm nguy rình rập sau dòng nước xanh mát tưởng như hiền hòa! Và mong lắm thay những buổi tập huấn phòng chống tai nạn thương tích trong học sinh sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa để cảnh báo trẻ bằng hình ảnh trực quan, uốn nắn trẻ những kỹ năng sinh tồn thiết yếu và quan trọng!