Vụ dân quân tra tấn 4 học sinh lớp 9:
Niềm tin vào nhân cách người thầy!
(Dân trí) - Nếu nghe tường trình <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/11/206035.vip">vụ việc các dân quân đánh đập 4 học sinh</a> trường Trần Phú, có lẽ người đáng giận nhất là thầy hiệu phó Đặng Đình Học. Ai cũng hỏi: “Tại sao thầy lại lạnh lùng giao học sinh của mình cho dân quân đánh?”. Vậy mà, khi bình tâm lại, anh Mohamad Moulod- cha của 1 trong 4 nạn nhân, tha thiết: “Tôi sẽ xin cho thầy ấy!”.
Ai cũng bức xúc…
Để giải thích cho hành động của mình, thầy Đặng Đình Học chỉ còn biết hối hận: “Tôi chỉ nghĩ là dân quân sẽ dọa các em khai ra vụ việc. Ai ngờ đâu họ lại làm nặng tay như vậy! Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Chỉ như vậy cũng không đủ xoa dịu các phụ huynh có con em học tại trường Trần Phú. Chị H- mẹ của một học sinh lớp 8 trường Trần Phú, cho biết: “Nếu có một ông thầy như vậy trong trường thì tôi cũng không dám cho con tôi đi học ở đây nữa”.
Ngay trong ngày 16/11, khi các cơ quan truyền thông vừa thông tin vụ việc, cư dân mạng cũng đã nhốn nháo bàn luận và bất bình. Chung quy ai cũng trách thầy Đặng Đình Học vô tâm.
Cha nạn nhân lại tin...
“Tôi tin thầy ấy không cố ý đâu. Nếu thầy ấy biết các em sẽ bị đánh thì thầy ấy không giao các em cho dân quân đâu. Tôi tin vào nhân cách của thầy ấy!”- ông Mohamad Moulod, cha của Zamath khẳng định.
|
Anh Mohamad Moulod: |
Khi mới nghe tin con mình bị đánh, anh cũng rất tức giận hành động lạ lùng của thầy Học. Thế nhưng, đến chiều 16/11, khi tiếp xúc với PV Dân trí, ông cho biết: “Tới lúc này thì cháu Zamath đã khá hơn, không có gì đáng lo ngại nữa, tôi mới bình tâm lại và tôi thấy thông cảm cho thầy Học”.
Theo anh Moulod thì đời người ai chẳng có lúc lỗi lầm, sai lầm này có lẽ là do thầy Học không lường được hành động dã man của dân quân phường 15 nên mới giao con anh cho họ. Anh tin là thầy không hề cố ý giao con anh cho dân quân để họ đánh chúng.
Bởi anh tin: “Thầy ấy đã được đề bạt làm hiệu phó hẳn nhiên là có nhiều công trạng đóng góp như thế nào chứ. Vả lại, trường cũng phải xem xét đạo đức tư cách thầy ấy kỹ càng lắm mới cử thầy ấy làm hiệu phó được”.
Và anh tin vào một chân lý sâu xa hơn: “Thầy ấy là thầy giáo, hẳn nhiên không thể làm việc đó. Bởi nếu ai có bản tính côn đồ thì đã không thể theo nghề giáo”.
Một niềm tin chân chất của một người lao động (anh Moulod là công nhân bốc xếp của công ty DOMEXCO Đồng Tháp), một niềm tin khiến bất cứ nhà giáo nào cũng nên nhìn lại mình, nhìn lại cái nghề cao quý của mình mà cố gắng sống và giảng dạy cho xứng đáng.
Tùng Nguyên