Niềm say mê của nữ phó giáo sư trẻ nhất ngành Vật lý Việt Nam

(Dân trí) - Năm 2012, với 33 tuổi đời, Đỗ Thị Hương Giang, giảng viên Khoa Vật lí kĩ thuật và Công nghệ nano, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN là nữ phó giáo sư trẻ nhất của khối ngành Vật lí trong cả nước. Hương Giang chia sẻ: “mơ ước nghiên cứu Vật lý từ khi còn học phổ thông - một cơ duyên để rồi tiếp sau đó là những gắn bó, say mê theo đuổi sự nghiệp cho đến giờ”.


Nữ phó giáo sư Đỗ Thị Hương Giang

Nữ phó giáo sư Đỗ Thị Hương Giang

Năm 2012, với 33 tuổi đời, Đỗ Thị Hương Giang, giảng viên Khoa Vật lí kĩ thuật và Công nghệ nano, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN là nữ phó giáo sư trẻ nhất của khối ngành Vật lí trong cả nước. Để có được vinh dự ấy, bên cạnh việc giảng dạy, phần lớn quĩ thời gian của Hương Giang đều dành cho những nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm.

 Tính đến nay, chị đã công bố 25 bài báo trên các tạp chí quốc tế (nằm trong hệ thống ISI/SCI), trong đó chỉ tính 5 năm gần đây chị đã có 10 công bố quốc tế, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh và nhiều học viên cao học.

Chia sẻ về cơ duyên đến với ngành Vật lý, Đỗ Thị Hương Giang chia sẻ rằng đó là mơ ước từ khi còn học phổ thông - một cơ duyên để rồi tiếp sau đó là những gắn bó, say mê theo đuổi sự nghiệp cho đến giờ.

 Năm 2001, tốt nghiệp xuất sắc ngành Vật lí tại Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, Hương Giang đã được chuyển tiếp sinh theo mô hình đào tạo tiến sĩ phối hợp của Đền án 322 và đã bảo vệ thành công luận án tại ĐH Tổng hợp Rouen, Pháp năm 2005 được hội đồng đánh giá cao.

Sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Pháp, Hương Giang về Việt Nam làm việc. Cùng thời điểm đó, Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN vừa được thành lập. Giang có cơ hội được làm việc tại Khoa Vật lý và Công nghệ nano, một môi trường rất phù hợp với hướng nghiên cứu, kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy của bản thân và đã gắn bó với Khoa từ đó.

Nghiên cứu thành công cảm biến đo từ trường thế hệ mới

Xu hướng chung của khoa học thế giới là lấy công nghệ nano làm nền tảng của lĩnh vực vật lý kỹ thuật và công nghệ nano. Bắt nhịp chung ấy, Giang và các nhà khoa học tại Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano đã chuyên tâm nghiên cứu về vật liệu và linh kiện cấu trúc micrô và nano. Nhóm nghiên cứu cũng đã thành công trong việc nghiên cứu cơ bản triển khai ứng dụng ra được một số các sản phẩm như: cảm biến từ trường độ nhạy cao, cảm biến đo góc, đo dòng điện, cảm biến sinh học, cảm biến ứng suất…

Tiếp nối các thành công trong nghiên cứu cơ bản qua nhiều năm trên các vật liệu từ giảo đơn pha của nhóm nghiên cứu tại ĐHQGHN, Hương Giang cùng các đồng nghiệp đã tiếp tục phát triển nghiên cứu bằng cách tích hợp vật liệu từ giảo vào các vật liệu lưỡng tính sắt từ-sắt điện (multiferroics) để triển khai ứng dụng. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ đặc biệt trong công nghệ định vị và dẫn hướng thì việc đo đạc và xác định từ trường trái đất tại vị trí bất kỳ trong không gian hiện nay đang đặt ra bài toán cho các nghiên cứu chế tạo cảm biến từ trường siêu nhạy với độ phân giải cao.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm ra các vật liệu mới, hiệu ứng mới có các tính năng vượt trội thay thế các vật liệu và hiệu ứng truyền thống theo định hướng ứng dụng chế tạo cảm biến đo từ trường, nhóm nghiên cứu đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng thành công cảm biến đo từ trường thế hệ mới dựa trên hiệu ứng từ giảo-áp điện.

Kết quả này thể hiện nhiều ưu điểm nổi trội hơn hẳn so với các cảm biến chức năng tương tự dựa trên các hiệu ứng truyền thống cho phép làm việc trong các điều kiện rất khắc nghiệt khác nhau của môi trường.

Bài báo “Magnetoelectric sensor for microtesla magnetic-fields based on (Fe80Co20)78Si12B10/PZT laminates” được đăng trên tạp chí Sensors and Actuators (2009) với số trích dẫn 20 lần là một trong số hàng chục công trình nghiên cứu ứng dụng chế tạo cảm biến siêu nhạy từ trường của nhóm nghiên cứu đã được xuất bản trong những năm gần đây. Trước đó, chị cũng là đồng tác giả của nhiều công trình có 34 trích dẫn về “Magnetic sensors based on piezoelectric–magnetostrictive composites” được đăng trên tạp chí Journal of Alloys Compounds (2008).


Hương Giang đã được ĐH QGHN vinh danh vì có những công bố xuất sắc trong thời gian gần đây

Hương Giang đã được ĐH QGHN vinh danh vì có những công bố xuất sắc trong thời gian gần đây

Tiếp tục các nghiên cứu theo hướng này, Hương Giang cùng các đồng nghiệp tham gia vào tốp tiên phong của thế giới về hướng nghiên cứu vật liệu từ giảo và vật liệu multiferroics ứng dụng cho các loại cảm biến dựa trên nguyên lý đo từ trường. Các kết quả nghiên cứu này được bạn bè quốc tế biết đến không chỉ qua các công trình xuất bản trên các tạp chí khoa học có impact factor cao mà còn thông qua các báo cáo được mời thuyết trình tại nhiều số hội nghị quốc tế.   

Hướng nghiên cứu này đã góp phần xây dựng thành công một nhóm nghiên cứu “Nghiên cứu và chế tạo vật liệu và linh kiện micro-nano ứng dụng trong các hệ thống đo lường, điều khiển và y-sinh” được công nhận là một trong 14 nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN năm 2014.

Với công nghệ chế tạo đơn giản, giá thành thấp, làm chủ công nghệ lõi có thể triển khai sản xuất ngay tại Phòng thí nghiệm trong điều kiện Việt Nam mà vẫn cho ra đời được dòng sảm phẩm cảm biến có độ nhạy, độ chính xác cao tương đương với các sản phẩm ngoại nhập đắt tiền sử dụng công nghệ hiện đại. Công trình nghiên cứu chế tạo cảm biến này đã được tặng Cúp vàng Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam 2012 (International Techmart Vietnam 2012).

Thành công của công trình nghiên cứu trên đã định hướng cho Hương Giang cùng nhóm nghiên cứu nắm bắt được nhu cầu thực tiễn của xã hội với 02 đề tài, dự án thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ Vũ trụ cấp nhà nước và 04 đề tài nghiên cứu cấp Bộ khác có kinh phí đầu tư lớn hướng tới đồng thời cả hai mục tiêu là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ra các sản phẩm khoa học cụ thể hoàn thiện tích hợp với hệ thống cảm biến đo từ trường tự chế tạo.

Thành công là nhờ hậu thuẫn gia đình

Công việc nơi giảng đường đại học là thế, còn tại tư gia, như bao người phụ nữ khác, Hương Giang vẫn thực hiện các thiên chức với gia đình. Việc này không khó khăn nhưng khiến quĩ thời gian dành cho nghiên cứu của cán bộ nữ khoa học bị giới hạn đáng kể. Đôi khi sự say mê nghiên cứu của nhà khoa học Đỗ Thị Hương Giang bị gián đoạn bởi những công việc thường nhật của gia đình và bản thân. Là nữ giảng viên say mê nghiên cứu khoa học, nhiều khi chị cũng phải phân vân giữa những chọn lựa.

Ngày 6/3/2015, PGS.TS Đỗ Thị Hương Giang là một trong 2 nữ cán bộ  khoa học được ĐHQGHN vinh danh vì có những công bố xuất sắc, được cộng đồng quốc tế trích dẫn cao trong thời gian gần đây. Niềm vinh dự lớn lao này chính là phần thưởng giảng viên - nhà khoa học Đỗ Thị Hương Giang tri ân đến những người đã cùng cô tạo nên những thành công trong đời sống.

Hương Giang bày tỏ sự biết ơn sự hậu thuẫn chân thành của những người đồng nghiệp lớn tuổi trong Khoa, đặc biệt là các thành viên trong gia đình và người người chồng luôn khích lệ cô đeo đuổi sự nghiệp khoa học tới cùng.

Hương Giang chia sẻ, lòng say mê, sự kiên trì bền bỉ và sự ủng hộ của đồng nghiệp và gia đình sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công của các nhà khoa học nữ./.

Đỗ Ngọc Diệp