Niềm hạnh phúc lớn của nữ thủ khoa đầu ra trường ĐH Sư phạm Hà Nội

(Dân trí) - Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2017 loại xuất sắc, Phan Thị Thu Hiền trở thành Thủ khoa đầu ra năm 2017 của trường. Cô cử nhân xinh đẹp được đặc cách trở về Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ (ngôi trường cấp ba trước đây của em) dạy môn Ngữ Văn.

“Văn chương là điều em gắn bó cả đời”

"Với em, văn chương giờ như một niềm đam mê và khát khao muốn cống hiến cho xã hội thông qua từng giờ giảng bài", thủ khoa Phan Thị Thu Hiền bộc bạch.

Nụ cười tươi tắn, giọng nói nhẹ nhàng, cô gái 22 tuổi mang vẻ trong sáng, xinh đẹp, đậm nét dịu dàng của một nữ giáo viên.

Với điểm trung bình toàn khóa 3,83/4, Phan Thị Thu Hiền (bên phải) tốt nghiệp Thủ khoa loại Xuất sắc Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017, chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao.
Với điểm trung bình toàn khóa 3,83/4, Phan Thị Thu Hiền (bên phải) tốt nghiệp Thủ khoa loại Xuất sắc Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017, chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao.

Sinh năm 1995, Hiền vừa tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2017 loại xuất sắc. Sinh ra, lớn lên ở Phú Thọ, một niềm hạnh phúc lớn đối với cô cử nhân tài năng là được trở về chính ngôi trường quê hương để cống hiến.

Nữ thủ khoa Phan Thị Thu Hiền sở hữu vẻ đẹp trong veo, dịu dàng.
Nữ thủ khoa Phan Thị Thu Hiền sở hữu vẻ đẹp trong veo, dịu dàng.

Ngay từ khi học cấp ba, nữ sinh Phú Thọ đã sớm bộc lộ năng lực cảm thụ văn học và khẳng định đam mê, sở trường ở môn học này với các giải Học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong gia đình, mẹ và chị gái Hiền đều là những nhà giáo. Mẹ và chị, cùng với các thầy cô tại trường cấp ba đã cho em rất nhiều lời khuyên để em lựa chọn học ngành Sư phạm Văn.

“Em vô cùng biết ơn các thầy cô giáo trên lớp đã định hướng và giúp đỡ em rất nhiều. Một số thành tựu em đạt được trong các kì thi và quá trình tích lũy vốn văn chương từng ngày càng lúc càng tạo cho em điểm tựa để em suy nghĩ rằng, văn chương sẽ là điều mà em gắn bó cả đời”, Hiền tâm sự.

Giờ đây, cô giáo tương lai vẫn giữ suy nghĩ ấy và khao khát muốn cháy hết mình để cống hiến cho học trò qua từng bài giảng.

Nhìn lại chặng đường 4 năm đại học đã qua, Hiền không giấu nổi niềm xúc động và có đôi chút lưu luyến. Mái trường Sư phạm thân yêu đã giúp em được nuôi dưỡng trong “chất màu” của rất nhiều thầy cô giáo giỏi, tâm huyết. Và Hiền cũng tự hào khi được là thế hệ kế tiếp cầm phấn đứng trên bục giảng truyền đi đam mê như những thầy cô của mình.

Thu Hiền (ngoài cùng bên phải) và các bạn đại học tạo dáng đáng yêu lưu lại kỉ niệm 4 năm gắn bó.
Thu Hiền (ngoài cùng bên phải) và các bạn đại học tạo dáng đáng yêu lưu lại kỉ niệm 4 năm gắn bó.

“Điểm thuận lợi nữa của em là được chọn vào học tại lớp chất lượng cao của khoa Ngữ văn (lớp chỉ có 20 sinh viên. Tất nhiên, em cũng gặp khó khăn vì kiến thức đại học thuộc về các mảng kiến thức chuyên sâu, cần đọc và chắp nặn nhiều tri thức hơn rất nhiều so với trình độ ở bậc phổ thông.

Biển tri thức là vô biên, em vẫn thấy mình còn khá thiếu sót, còn quá nhiều điều đáng lẽ ra em phải đọc, phải biết thì em lại chưa thấu đáo hết. Hi vọng rằng, trong thời gian học lên Thạc sĩ sắp tới, em sẽ khắc phục được những điểm mình còn chưa mạnh đó”, nữ thủ khoa chia sẻ.

Vẻ xinh xắn của cô cử nhân tài năng.
Vẻ xinh xắn của cô cử nhân tài năng.

“Không nghĩ chuột chạy cùng sào mới vào… Sư phạm”

Khi được hỏi quan điểm của em thế nào về câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm?”, nữ thủ khoa đáp: “Em thấy rằng từ xưa người ta hay nghĩ đến đường cùng mới vào sư phạm, nhưng em thì không cho là vậy. Học Sư phạm sẽ có rất nhiều điều hay mà các trường đại học khác không có.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Trong xã hội, mỗi nghề nghiệp đều có những đặc trưng và thể hiện vai trò đóng góp riêng của mình. Và nghề giáo cũng vậy. Trong xã hội xưa và nay, nghề giáo vẫn luôn giữ cho mình những giá trị cao quý nhất định mà nhiều ngành nghề khác khó có được.

Đây là một nghề đặc biệt bởi nó không sản xuất ra của cải vật chất, nhưng sản phẩm nó làm ra lại là "con người" - yếu tố đóng vai trò then chốt quan trọng trong việc vận hành cho xã hội đi lên, dù ở bất cứ ngành nghề nào.

Ngoài ra, em cũng biết một số bạn, học đại học ở khối trường Kinh tế hay Ngoại thương, nhưng sau khi tốt nghiệp, các bạn ấy lại chuyển sang học ngành Sư phạm. Hay ngay trong lớp em, có bạn học Sư phạm nhưng khi ra trường lại dùng kiến thức nghiệp vụ sư phạm để đi làm ở các ngành khác và hoàn toàn thành công”.

Theo Thu Hiền, yếu tố quan trọng nhất giúp mỗi người theo đuổi được một nghề ngoài năng lực thì đam mê và tâm huyết không thể thiếu.
Theo Thu Hiền, yếu tố quan trọng nhất giúp mỗi người theo đuổi được một nghề ngoài năng lực thì đam mê và tâm huyết không thể thiếu.

“Em muốn nhắn nhủ với các bạn đã, đang và có ý định học Sư phạm rằng: Các bạn đừng buồn, đừng bi quan vì những phức tạp trong hiện tại bởi ngành nghề của mình. Các bạn có thể làm được mọi thứ nếu như các bạn chăm chỉ tích lũy kiến thức, trau dồi vốn sống và kĩ năng. Nếu bạn đủ năng lực thì bạn sẽ không sợ điều gì cả!”, Hiền cười nói.

Bằng sự nỗ lực không ngừng, Thu Hiền có cơ hội viết tiếp ước mơ đứng trên bục giảng ngay sau khi rời giảng đường.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, Thu Hiền có cơ hội viết tiếp ước mơ đứng trên bục giảng ngay sau khi rời giảng đường.

Trong quá trình 4 năm học tập, rèn luyện tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Hiền đều xuất sắc giành học bổng. Hai năm học đầu tiên là 2013 - 2014, 2014 - 2015, Hiền đã giành được giải thưởng Nguyễn Tuân cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất. Hiện tại, nữ cử nhân xinh đẹp này được đặc cách trở về ngôi trường mà em gắn bó suốt ba năm học THPT - Trường THPT chuyên Hùng Vương dạy môn Ngữ Văn.

"Em hi vọng sẽ trở thành một người thầy giỏi, một người bạn tốt cho các em học sinh tương lai", nữ thủ khoa Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục