Những vụ việc thương tâm ở trường học "rút cạn nước mắt" trong năm 2020
(Dân trí) - Năm 2020, trong trường học xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm làm cộng đồng khóc cạn nước mắt. Đó cũng là lời cảnh báo nhức nhối về vấn đề an toàn trường học.
Cây phượng bật gốc đè chết học trò lớp 6
Sự việc đau lòng và ám ảnh nhất xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TPHCM ngay khi học sinh vừa đi học trở lại sau nhiều tháng nghỉ trách dịch bệnh Covid-19.
Sáng sớm ngày 26/5, khi các em học sinh đang ngồi trò chuyện, ăn sáng chuẩn bị vào lớp thì cây phượng lâu năm giữa sân trường bất ngờ đổ rầm chỉ trong vòng vài giây. 13 học sinh bị thương trong vụ tai nạn, một em trong số đó đã không qua khỏi dù được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Khi bị cây đè, em vẫn còn tỉnh. Cô giáo còn đến bên cạnh em, đưa nước cho em uống, nói em chờ cấp cứu đến... Nhưng em đã không thể ở lại với mọi người.
Gia đình em thuộc hộ khó khăn. Khi tai nạn xảy ra, mẹ em vừa mới sinh em bé được 3 ngày, mới từ bệnh viện trở về; hộp nui (mỳ) bố mua cho em sáng nay còn đang ăn dở...
Rất nhiều người, những người không hề biết cậu học trò chảy nước mắt cho sự việc quá đau lòng, cho nỗi buồn hoa phượng. Nhiều lời nguyện cầu từ những giáo viên, bạn bè, phụ huynh... khắp nơi gửi đến mong cậu học trò được an nghỉ.
Nhà văn Huỳnh Mai An Đông viết những câu thơ cho nỗi đau này:
"Có một mùa phượng nở rưng rưng
Những nụ hoa như biết khóc
Có một bạn không bao giờ còn tan học
Từ buổi sáng nay đi mãi không về...
Có một người mẹ người cha
Mãi mất con vào một mùa hè đến muộn...".
Trụ cổng trường mầm non đổ đè chết 3 cháu nhỏ
Đầu tháng 9/2020, dư luận không khỏi rụng rời trước sự việc trụ cổng Trường mầm non Khánh Yên Thượng, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, Lào Cao bị đổ đè chết 3 cháu nhỏ.
Trong khi chờ tới giờ vào lớp học buổi chiều ngày 7/9, một số học sinh tiểu học và mầm non leo lên cổng trường Trường mầm non Khánh Yên Thượng chơi trò đánh đu, bất ngờ cổng trường đổ sập làm 3 học sinh tử vong; ngoài ra có 3 em bị thương.
Theo lãnh đạo nhà trường, trước khi xảy ra sự việc, khu vực cổng trường không có dấu hiệu hư hỏng hay sụt lún gì cả, nên nhà trường không đưa ra cảnh báo với học sinh.
Ngay trong ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời chia buồn tới gia đình các em học sinh bị tai nạn. Đồng thời, Bộ yêu cầu sớm có kết luận điều tra nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm này và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có).
Sau sự việc, đảm bảo an toàn, Bộ GD&ĐT đã có công văn về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh và nhiều văn bản, hướng dẫn khác liên quan đến đảm bảo an toàn trường học.
Qua sự việc tại Lào Cai, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn cơ sở vật chất trường học; tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học; kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp.
Đặc biệt, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.
Học sinh cắt tỉa cây, bị điện giật tử vong
Vào chiều 8/5/2020, em N.T.A, học sinh lớp 9, Trường THCS Quyết Thắng (Hải Dương) được phân công lao động, chặt tỉa cây phi lao bị gió xô đổ. Khi em đang chặt tỉa cây thì bị vướng dây điện, dẫn đến em bị điện giật tử vong.
Theo xác minh của cơ quan công an, Trường THCS Quyết Thắng không có kế hoạch, khảo sát chi tiết hiện trường, lựa chọn người lao động phù hợp. Thay vào đó, lại chỉ đạo một nhóm học sinh tham gia vụ chặt cây, tỉa cành dẫn đến vụ tai nạn đau lòng kể trên.
Sau sự việc, Chủ tịch UBND TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) ký Quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cách chức đối với Hiệu trưởng trường THCS Quyết Thắng.
Học trò tử vong khi đi ngoại khóa
Mới đây, một học sinh lớp 4, Trường tiểu học Âu Dương Lân, Q.8, TPHCM bị đuối nước trong chuyến đi ngoại khóa của trường .
Lãnh đạo nhà trường cho hay, vào ngày 13/1, 400 học sinh của trường tham gia chương trình ngoại khóa tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương). Trong buổi vui chơi nay, một học sinh lớp 4 bị rơi xuống vùng biển nhân tạo, khu vực được cho là dành cho học sinh tiểu học.
Em được phát hiện đưa lên bờ và cấp cứu tại một bệnh viện ở Bình Dương trước khi chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM nhưng đã không thể qua khỏi.
Sau sự việc, Sở GD&ĐT TPHCM ra công văn chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa. Trong đó nhấn mạnh, hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị giáo dục chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trong đó đặt tiêu chí đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên.
Cũng thời điểm này, 3 học sinh Trường THPT Đông Anh, Hà Nội gặp tai nạn khi tham gia hoạt động ngoại khóa của trường tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh.
Các em tham gia tham gia trò chơi tàu lượn siêu tốc và xảy ra sự cố 2 toa tàu bị văng ra khỏi đường ray. Ba em học sinh bị thương được đưa đi cấp cứu, nhưng một em đã không qua khỏi.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường rà soát công tác tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm cho học sinh.
Việc tổ chức phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để học sinh tham gia các trò chơi mạo hiểm, đồng thời tăng cường quản lý các em trong thời gian tổ chức các hoạt động.