Những vụ việc gây nhiều tranh cãi của giáo dục đại học năm 2022
(Dân trí) - Vụ nữ sinh Trường Đại học Thủ đô tố thầy giáo quấy rối tình dục, trang phục tốt nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế... là những vụ việc từng gây nhiều tranh cãi trong dư luận năm 2022.
Nữ sinh tố thầy giáo quấy rối tình dục
Ngày 16/8, mạng xã hội xôn xao trước thông tin nữ sinh năm 3, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tố cáo một nam giảng viên thuộc khoa Khoa học thể thao và sức khỏe đã có hành vi quấy rối tình dục nữ sinh này trong học kỳ quân sự.
Trong đơn tố cáo gửi tới Hiệu trưởng nhà trường được lan truyền trên mạng xã hội, nữ sinh cho biết lịch học quân sự của em bắt đầu từ ngày 5/6 đến 19/6/2022. Vào ngày 9/6, thầy T.V.T. (nhân vật bị tố cáo) đã gọi em ra ngoài hành lang để nói chuyện riêng rồi bắt đầu "động tay động chân, cầm tay, ôm từ phía sau".
Đến tối 16/6, thầy giáo này tiếp tục có những hành vi quấy rối, kéo nữ sinh vào nhà thể chất (phòng của các thầy cô hay ngồi nghỉ) rồi khóa cửa lại, sau đó "ôm, hôn vào mặt, cổ, ngực", cố gắng lột quần áo của nữ sinh và liên tục nói những câu nhạy cảm.
"Em thấy phẫn nộ và suy nghĩ rất nhiều mới dám nói ra sự việc. Mong nhà trường có biện pháp xử lý nghiêm khắc về hành vi vi phạm đạo đức của thầy T., bởi hành động của thầy là vi phạm pháp luật", nữ sinh chia sẻ trong đơn tố cáo.
Vụ việc này sau khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm, đa số bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi của nam giảng viên. Ngay chiều 16/8, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã lên tiếng xác nhận nữ sinh và thầy giáo trong câu chuyện đang xôn xao là sinh viên, giảng viên của nhà trường và khẳng định sẽ xử lý nghiêm, không dung túng cho tất cả những hành vi vi phạm đạo đức.
Đến cuối tháng 10, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội có thông tin chính thức với báo chí về kết quả điều tra, xử lý vụ việc. Theo báo cáo của trường, sau thời gian kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc theo quy định, ngày 27/9, Đảng ủy Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông T.V.T.
Quyết định chỉ rõ, giảng viên này đã vi phạm Quy định số 69 ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, cụ thể: "Làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương của đảng viên vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật nội bộ cơ quan, đơn vị". Theo đó, ông T.V.T. nhận hình thức kỷ luật là khiển trách.
Ngày 12/10, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc xử lý kỷ luật viên chức. Tại quyết định này, giảng viên T.V.T., Trưởng bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Trên cơ sở thống nhất của tập thể lãnh đạo trường và thể theo nguyện vọng cá nhân, ngày 18/10, nhà trường đã ban hành Quyết định về việc để ông T.V.T. thôi giữ chức vụ Trưởng bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe. Hiện ông T. đang thực hiện các nhiệm vụ do khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe phân công, không tham gia công tác giảng dạy.
325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học
Ngày 20/8, sau khi hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển, thống kê cho thấy có trên 325.000 thí sinh quyết định không nhập nguyện vọng lên hệ thống (chiếm 34,6% trên tổng số thí sinh có mong muốn lựa chọn đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT).
Trên các diễn đàn thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng con số này là điều bất thường, đáng quan ngại.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc có 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại.
PGS Thủy phân tích rằng mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý "cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng" vì cho rằng đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.
Tuy nhiên, tới năm 2022, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung "có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không".
Đa số các em sẽ tích vào ô này vì không gây ảnh hưởng gì, sau này mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng thực sự. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.
"Khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT rồi, các em sẽ biết bản thân đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thức thấy rằng không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học, do vậy đã không đăng ký nữa. Nhiều em khác đã có kết quả và quyết định đi du học,...
Và điều này cũng giảm được công sức, giảm được việc thí sinh nộp lệ phí xét tuyển không cần thiết, tính trên toàn hệ thống là một sự tiết kiệm xã hội lớn. Bởi vậy, việc năm nay có khá nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống là chuyện bình thường", PGS Thủy giải thích.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định rằng số liệu trên là bình thường, không chênh lệch đáng kể so với mọi năm.
Theo giáo sư, trước đây không thống kê được hết số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vì thí sinh đăng ký trực tiếp vào các trường. Đến năm nay, khi Bộ GD&ĐT sử dụng hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, con số này mới được thể hiện rõ ràng hơn.
GS Đức khẳng định đây thậm chí còn là tín hiệu tốt, là dấu hiệu đáng mừng. "Theo nhu cầu xã hội hiện tại, chúng ta đang "thiếu thợ", nhất là những thợ lành nghề. Bên cạnh đó, thợ lành nghề lại có mức lương cao. Thực tế này đã khiến nhiều thí sinh lựa chọn đi vào học nghề trực tiếp thay vì học đại học theo "hình thức". Các bạn đã nhận thức được đầy đủ: không cần chạy theo bằng cấp, hư danh.
Sinh viên viết đơn cầu cứu vì bị "giam" bằng
Đầu tháng 10, vụ việc một số sinh viên khóa 14, chương trình cử nhân quốc tế, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Kinh doanh quốc tế tại Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân viết đơn cầu cứu vì bị trường "giam" bằng tốt nghiệp cũng gây xôn xao dư luận. Đây là chương trình liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH West Of England (Anh).
Trong lá đơn được gửi tới nhiều cơ quan, nhóm sinh viên cho biết nhà trường đã sai phạm trong triển khai và vận hành chương trình liên kết quốc tế, không trao bằng cử nhân cho người học mặc dù đại học đối tác là University of West of England đã công nhận tốt nghiệp và gửi bằng về trường.
Theo các sinh viên này, trong thông báo tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế khóa 14, kỳ mùa thu năm 2018 của Viện Đào tạo quốc tế không có bất cứ nội dung nào đề cập tới điều kiện để nhận bằng tốt nghiệp chương trình cử nhân quốc tế phải có chứng chỉ tiếng Anh bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam).
Các sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ học phí, hoàn thành chương trình học theo đúng thông báo tuyển sinh và được Trường ĐH West of England công nhận tốt nghiệp, cấp bằng. Tuy nhiên, Trường ĐH Kinh tế quốc dân từ chối trao bằng cử nhân do Trường ĐH West of England đã cấp với lý do sinh viên không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo quy định; dẫn đến việc sinh viên không thể đi xin việc.
Nhóm sinh viên cho rằng, việc trường yêu cầu sinh viên phải tham gia kỳ thi bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để được tốt nghiệp là yêu cầu vô lý bởi sinh viên trước đó đều đã có chứng chỉ IELTS 7.0 hoặc chứng chỉ tiếng Anh TEG cấp độ 4 (tương đương IELTS 7.0) mới đủ điều kiện theo học chuyên ngành.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ sinh viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã họp với các bên liên quan, bao gồm Trường ĐH Kinh tế quốc dân và các đơn vị quản lý chức năng của Bộ GD&ĐT để làm rõ các vấn đề.
Trả lời phóng viên Dân trí, đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ, vụ việc nói trên xuất phát từ một số điểm chưa thống nhất giữa quy định của Việt Nam với các yêu cầu của phía đối tác nước ngoài.
Theo đó, chương trình Cử nhân quốc tế của nhà trường được Văn phòng Chính phủ và Bộ GD&ĐT phê duyệt thực hiện từ năm 2005. Đề án của chương trình nêu rõ, sinh viên chưa có chứng chỉ tiếng Anh đạt yêu cầu (IELTS 6.5 hoặc IELTS 7.0 tùy theo giai đoạn) cần hoàn thành chương trình học tiếng Anh TEG và có chứng chỉ tiếng Anh TEG Level 4 do đối tác TEG/TMC Singapore cấp.
Đây là điều kiện đầu vào tiếng Anh của giai đoạn chuyên ngành theo yêu cầu của các đối tác nước ngoài cấp bằng.
Tuy nhiên, đến ngày 30/03/2021, Cục Quản lý chất lượng có công văn số 231 về việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh TEG gửi Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Theo công văn nói trên, chứng chỉ TEG Level 4 chưa được Bộ xem xét đảm bảo đủ trình độ bậc 4/6 theo khung tham chiếu ngoại ngữ Việt Nam.
Điều này đã khiến Trường ĐH Kinh tế quốc dân băn khoăn về cơ hội được công nhận văn bằng đối với các bạn sinh viên đã tốt nghiệp chương trình Cử nhân quốc tế chưa có chứng chỉ B2 hoặc tương đương, cần làm rõ vấn đề này vì quyền lợi của sinh viên.
Được biết, ngay sau buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thực hiện trả bằng cho sinh viên. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu nhà trường tiếp tục giải trình để chứng minh chương trình đào tạo tiếng Anh TEG Level 4 đảm bảo trình độ bậc 4/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.