Đắk Lắk:
Những thầy cô giáo về hưu mang con chữ đến với HS bất hạnh
(Dân trí)-Về hưu và tuổi đã cao nhưng với tâm huyết và tình thương trẻ thiết tha, 12 thầy cô giáo ở trường Tình Thương Vinh Sơn (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn ngày 2 buổi miệt mài truyền đạt kiến thức cho 140 HS là những cảnh đời đặc biệt khó khăn.
Trường Tình Thương Vinh Sơn được thành lập năm 1992, là nơi tập trung những em học sinh (HS) có hoàn cảnh éo le, phần lớn các em đều mồ côi bố hoặc mẹ, không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh Tây Nguyên. Ban đầu thành lập, trường có 30 - 40 HS, đến nay toàn trường có tất cả 140 HS, trong đó có 20 em HS là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình giảng dạy tại nhà trường từ lớp 1 đến lớp 5, theo nội dung của Bộ GD-ĐT. Những HS theo học tại Trường Tình Thương Vinh Sơn được ở nội trú, ngày học 2 buổi, và đặc biệt các em được dạy dỗ bởi các thầy cô đã về hưu nhưng giàu tình thương và đầy tâm huyết yêu nghề.
Người tham gia giảng dạy lâu nhất ở Trường Tình Thương Vinh Sơn là cô giáo Phạm Thị Mơ (50 tuổi, phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột) - người có hơn 15 giảng dạy tình thương tại trường. Cô giáo Lê Thị Thục Nữ (58 tuổi, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) - gắn bó với các lớp học tình thương hơn 8 năm; những thầy cô khác người ít nhất cũng vài ba năm tham gia dạy học ở đây.
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Thục Nữ cho biết: “Trước đây tôi từng là GV tham gia giảng dạy tiểu học ở TP Buôn Ma Thuột, sau khi về hưu tôi chuyển sang dạy tình thương cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn ở trường Vinh Sơn. Bỏ thêm một chút thời gian để giúp các em biết cái chữ cũng chẳng sao”.
Còn cô giáo Phạm Thị Mơ chia sẻ: “Dạy học ở các lớp tình thương phải có tâm huyết mới dạy được. Ở đây các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khả năng tiếp thu chậm nên đòi hỏi người GV phải tận tụy bày các em học từng ly từng tí, từ những cái đơn giản đến những cái phức tạp, bài học nào khó phải giảng giải và ôn luyện nhiều lần các em mới nắm được”.
Được biết, hơn 15 năm qua cô Mơ vừa tham gia giảng dạy ở Trường THCS Trưng Vương (TP Buôn Ma Thuột), vì thương những học trò có hoàn cảnh khó khăn, thua thiệt cô Mơ đã đến Trường Vinh Sơn xin dạy tình thương.
Khi được hỏi động lực nào để các cô gắn bó lâu năm với các lớp học tình thương, cô giáo Nữ tâm sự: “Với những GV đã về hưu như chúng tôi, việc đem một phần sức lực của mình để giúp đỡ, trang bị cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở đây cũng là việc nên làm của một người nhà giáo. Vì mong muốn các em sau này ra đời có kiến thức vững vàng nên còn sức nào thì cố gắng dạy đến đó. Sức lực của mình còn có thể đóng góp được cho xã hội thì cứ làm, các em HS ở đây cần nhiều hơn một tình thương”.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Phạm Thị Bích Nga - Phụ trách trường Tình Thương Vinh Sơn cho biết, 12 thầy cô giáo tham gia giảng dạy ở trường Tình Thương Vinh Sơn là những thầy cô giáo đã về hưu, giàu kinh nghiệm, các thầy cô đến với trường bằng tình yêu nghề, yêu trẻ và giàu tình thương HS. Tham gia giảng dạy ở đây, các thầy cô hoàn toàn không nhận bất kỳ một đồng thù lao nào, thậm chí nhiều thầy cô còn giúp đỡ vật chất, sách vỡ cho các em rất nhiều.
Cô Nga cho biết thêm, những em HS ở trường sau khi học hết lớp 5 sẽ chuyển lên THCS để học tiếp, những em không thể theo học sẽ được nhà trường chuyển qua học nghề.
Viết Hảo