Những so sánh chua chát về nghề sư phạm mầm non
(Dân trí) - Những nhà quản lý, nhà quan sát và cả chính giáo viên mầm non đã có những so sánh hết sức chua chát về công việc này. Nhưng nó phản ánh công việc ươm mầm non đầu đời cho trẻ đang bị xem nhẹ.
Trong phiên thảo luận về chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non (MN) của HĐND TPHCM cách đây chưa lâu, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đã dẫn lại lời so sánh từ một hội thảo rằng giáo viên (GV) MN là một trong những nghề nặng nhọc nhất. Một người nuôi dạy trẻ đang làm việc nặng nhọc như một thợ hồ nhưng lại rất kén người, chỉ toàn là nữ giới, nam giới nếu có học MN thì ra trường cũng rất khó xin việc.
Có khi lớp 2 cô phải chăm sóc, giáo dục 40 cháu đã là quá tải. Đã vậy, nhiều nơi GV còn phải kham luôn cả công việc vệ sinh phòng ốc, thiếu thời gian dành cho trẻ. Trong khi đồng lương chưa tương xứng.
Vào giữa tháng 5/2017, khi làm việc với đoàn khảo sát Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM, ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 chia sẻ, nhiều GVMN mới ra trường làm việc một thời gian, các em nói thà đi bán hàng ở siêu thị còn hơn.
Đồng lương còn thấp nhưng căng nhất với GVMN là giờ làm việc. 6h sáng, các cô phải có mặt đón trẻ, trên quy định nói là 16h, 16h30 trả trẻ nhưng thật ra không trường nào trả được vào giờ đó nên các cô kết thúc giờ làm rất trễ. Nhiều em vào làm vài tháng là bỏ việc không lưu luyến.
Trước đây, trong chương trình giao lưu của Công đoàn Giáo dục TPHCM về nghề sư phạm MN, cô Phạm Thị Ngọc Tuyền, GVMN ở Q.6 chia sẻ cô giáo MN “tích hợp” rất nhiều vai trò như bác sĩ, họa sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ và còn là một chuyên gia tâm lý. Vậy nhưng, GV ở bậc học này chưa thật sự được coi trọng do nhiều người chưa thấy được vai trò của giáo dục MN. Theo cô Tuyền, còn rất nhiều người nhìn GVNM chỉ như là “ô sin có bằng cấp”.
Tại hội thảo về giáo dục MN ở TPHCM, ông Đào Việt Cường (giảng viên khoa GDMN, ĐH Sài Gòn) nêu quan điểm, công việc của GVMN rất nhiều áp lực và áp lực lớn hơn bất cứ ở bậc học nào. Ở nhiều trường, nhất là ở các điểm lẻ, ông Cường chứng kiến ngày ba bữa các GV tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, mang đồ ăn từ dưới lên tầng 3 mà không có thang máy, phải leo bằng thang bộ.
Rồi đến những việc như chà nhà vệ sinh, lau chùi quạt, dọn dẹp… họ cũng phải làm mà theo ông Cường quá sức của phụ nữ.
Những so sánh, ví von trên hết sức chua chát về công việc của GVMN. Nhưng nó phản ánh thực tế nghề ươm mầm non đầu đời cho trẻ rất áp lực và đang bị xem nhẹ.
Việc công việc của GVMN chưa được coi trọng không chỉ ở cái nhìn của xã hội, của phụ huynh, của công việc áp lực, của đồng lương bèo bọt... mà chính những là quản lý giáo dục đang xem nhẹ vai trò, vị thế của cô giáo MN.
Mới đây dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi một số địa phương trong cả nước xảy ra tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc học MN sau khi chỉ được bồi dưỡng thời gian ngắn, qua loa.
Như tâm tư của một nhà giáo ở TPHCM, đâu chỉ là chuyện của đồng lương, của thời gian, cường độ làm việc quá tải mà hơn hết nhiều người quay lưng nghề cô giáo mầm non vì vị thế công việc của họ đang bị xem nhẹ. Có lẽ không một ngành nghề nào mà người lao động lại dễ dàng bỏ việc, bỏ cả công sức học hành, bỏ cả quá trình làm việc... như nghề GVMN.
Thế nên, dù TPHCM đang có nhiều chính sách, đổ rất nhiều tiền để “giữ chân” GVMN nhưng tình trạng thiếu GV ở bậc học này là một vấn đề nan giải chưa tìm được lối ra ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Để đáp ứng được đúng quy định số trẻ/nhóm, lớp TPHCM đang thiếu hơn 11.000 GVMN - một con số đáng báo động. Điều này không chỉ là thiếu người đứng lớp mà đang dồn áp lực, gánh nặng cho đội ngũ GV đang bám nghề.
Hoài Nam