Những con số “giật mình” về giáo viên mầm non ở TPHCM

(Dân trí) - TPHCM đang thiếu đến hơn 11.000 giáo viên mầm non, mỗi năm có trên 1.000 giáo viên ra khỏi hệ thống mầm non, giáo viên phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ vẫn chưa hết việc...

Thiếu trên 11.000 giáo viên mầm non

Mới đây, lãnh đạo TPHCM đã đưa ra những con số, thông tin thực tế nhưng cũng rất đáng lo ngại liên quan đến việc thiếu giáo viên mầm non (GVMN) trầm trọng diễn ra nhiều năm nay. Giáo dục MN đang đối diện với nhiều thử thách vì thiếu GV - bất chấp nhiều chính sách, chế độ đặc biệt cho đội ngũ bậc học này.

Để đáp ứng được đúng quy định số trẻ/nhóm, lớp tại TPHCM theo điều lệ trường MN thì số GVMN thiếu đến 11.014 người, riêng GV ở công lập hiện còn thiếu 3.319 GV.


Dù có rất nhiều chính sách đặc biệt cho đội ngũ giáo viên mầm non nhưng TPHCM vẫn đang thiếu trên 11.000 giáo viên mầm non.

Dù có rất nhiều chính sách đặc biệt cho đội ngũ giáo viên mầm non nhưng TPHCM vẫn đang thiếu trên 11.000 giáo viên mầm non.

Trong 3 năm gần đây, mỗi năm TPHCM có trên 1.000 GV rời khỏi hệ thống trường mầm non như về hưu, chuyển việc, nghỉ việc, bỏ việc.

Nhu cầu tuyển dụng trong nhiều năm gần đây luôn cao hơn nhiều so với số lượng GVMN được tuyển dụng. Như năm học 2016-2017, thành phố cần tuyển trên 2.380 nhưng chỉ tuyển được 1.760, thiếu trên 620 GVMN.

Số sinh viên tốt nghiệp ngành giáo dục MN (ở các trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học) có hộ khẩu tại TPHCM chỉ khoảng 30%. Nếu như tất cả sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu vào hệ thống GDMN và hệ thống tuyển dụng hết thành phố vẫn thiếu nguồn dự tuyển để đảm bảo đủ giáo viên theo quy định.

Quy định làm việc 6h, thực tế 10-12h/ngày

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, thời gian làm việc của GVMN rất lớn, cường độ công việc quá cao làm họ không còn thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc bản thân, con cái.

Trung bình mỗi GVMN cần 10h/ngày để thực hiện được các yêu cầu của chăm sóc, giáo dục trẻ và nhiệm vụ quản lý nhóm, lớp (do đặc thù công việc, GV phải đi sớm 1 giờ để làm vệ sinh lớp từ phòng sinh hoạt đến phòng vệ sinh trẻ ngày 3 lượt, vệ sinh đồ dùng cá nhân trẻ hằng ngày, chuẩn bị đón trẻ… Và về trễ 1h trả trẻ).

Ngoài ra, áp lực công việc tăng thêm khi GVMN còn phải tham gia thường xuyên các hoạt động khác. Trung bình GVMN cần dành thêm khoảng 2 giờ/ngày để thực hiện (làm đồ dùng, đồ chơi, chuẩn bị giáo án… phục vụ các hoạt động giáo dục).

Như vậy, GVMN cần 10 - 12 h/ngày để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đây là áp lực quá lớn đối với đội ngũ, nhất là khi GV đó có con nhỏ, cần được người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục.

Trong khi theo quy định chế độ làm việc của Bộ GD-ĐT, giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Thông tư 48 của Bộ cũng quy định GV kiêm nhiệm được giảm 2 giờ dạy/tuần nhưng thực tế theo lãnh đạo TPHCM đều khó thực hiện vì thực trạng thiếu GV.

Bên cạnh áp lực về thời gian, ngành giáo dục TPHCM chỉ ra những áp lực về điều kiện làm việc chưa đảm bảo tinh thần thoải mái cho GVMN. Như: Tỷ lệ trẻ/nhóm, lớp quá cao so với quy định; yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ rất cao đòi hỏi GVMN giám sát chặt chẽ trẻ trong khi họ đã quá tải với công việc hàng ngày.

Yêu cầu của phụ huynh ngày càng cao đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ; hay là những áp lực từ truyền thông, dư luận xã hội nhìn nhận chưa đúng về GVMN.

Lắm áp lực nhưng thu nhập, mức đãi ngộ chưa tương xứng với cường độ làm việc và áp lực công việc đối với người GVMN cho dù TPHCM đã có rất nhiều chính sách, chế độ đặc biệt cho bậc mầm non.

GVMN khối công lập ở TPHCM có mức thu nhập thấp nhất là 5,5 triệu đồng/tháng (bao gồm: lương, phụ cấp ưu đãi, phụ trội thêm giờ không quá 200h/ năm, phụ cấp ưu đãi theo Nghị quyết 01/của thành phố). Ở trường tư thục, GVMN có mức thu nhập thấp nhất là 6,5 triệu đồng.

Hoài Nam