Những nguyên tắc "vàng" dạy trẻ bên bàn ăn

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - "Rất nhiều gia đình cho con ăn trước rồi mình mới ăn. Điều đó, giúp cho các bố mẹ rảnh rang khi ăn nhưng lũ trẻ không học được các quy tắc trên bàn ăn".

Trên đây là chia sẻ của TS Vũ Thu Hương (cựu giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội) về cách dạy con bên bàn ăn.

Theo TS Vũ Thu Hương, rất nhiều gia đình cho con ăn trước rồi mình mới ăn. Điều đó, giúp cho các bố mẹ rảnh rang khi ăn nhưng lũ trẻ không học được các quy tắc trên bàn ăn.

Khi lớn lên, hình ảnh của con rất xấu, bất lịch sự thậm chí gây phiền hà cho người khác vì thói quen của mình.

Vì vậy, khi con đã ngồi được vào ghế ăn (tầm 6 tháng), cha mẹ nên cho con ngồi ăn cùng.

Những nguyên tắc vàng dạy trẻ bên bàn ăn - 1

Khi con đã ngồi được vào ghế ăn (tầm 6 tháng), cha mẹ nên cho con ngồi ăn cùng.

Nếu con chưa ăn được đồ ăn của cha mẹ, hãy chuẩn bị 1 vài miếng ăn vặt như rau củ luộc để con được tham gia vào bữa ăn gia đình và từ đó việc giáo dục nề nếp (xa hơn là nhân cách) cho con cũng được bắt đầu.

Khi các con 1 tuổi, cha mẹ nên dạy con tập bốc, 2 tuổi thì tập dùng thìa. Bắt đầu từ đây, các nguyên tắc bàn ăn được cha mẹ truyền đạt đến cho trẻ.

"Việc dạy con đạo đức rất cần phải làm từ những việc nhỏ. Các cha mẹ đừng vì nhồi nhét kiến thức và săn đón thành tích mà bỏ quên những việc này. Hậu quả về sau sẽ rất lớn", TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Chuẩn bị mâm cơm và dọn mâm sau ăn

Theo chuyên gia giáo dục này, trẻ từ 3 - 4 tuổi có thể giúp mẹ chuẩn bị bàn ăn. Con có thể lấy đũa, thìa, bát và xếp vào chỗ cho cả nhà. Được tham gia vào khâu chuẩn bị, con sẽ ý thức và tự giác hơn.

Lớn hơn, con có thể chuẩn bị bát nước chấm, tăm, giấy ăn cho cả nhà. Từ đó, con có thể là người bê đồ ăn lên bàn. Cha mẹ cần hướng dẫn con xếp bàn ăn cho phù hợp.

Nguyên tắc: bát canh cần đặt ở gần nồi cơm vì khá cao, việc vươn tay qua bát canh để gắp rất khó khăn.

Các món ăn cần được xếp làm sao để mọi người trong mâm đều dễ dàng gắp được. Nếu nhà quá đông người, nên chia thức ăn vào các đĩa nhỏ.

Khi dọn mâm, nhớ hướng dẫn trẻ dọn âu nhỏ đựng xương, đầu tôm, hạt thóc hay sạn sót trong cơm…

Nhất thiết để phần người về muộn vào đĩa riêng trước bữa ăn, không để phần bằng những thức ăn thừa còn lại sau khi đã ăn xong.

Không để các vật dụng cá nhân lên bàn ăn, trừ chiếc quạt giấy xếp có thể đặt dọc cạnh mép bàn, nhất là điện thoại di động.

Ăn xong, con và bố mẹ cùng bê thức ăn thừa để cất, dọn bát vào chậu rửa, rửa bát, lau bàn ghế, quét dọn sạch sẽ khu vực bàn ăn.

Những nguyên tắc vàng dạy trẻ bên bàn ăn - 2

Trong mâm cơm Việt, người lớn tuổi nhất sẽ là người cầm đũa gắp miếng đầu tiên, điều này dạy trẻ sự kiên nhẫn chờ đợi, kính trên nhường dưới.

Mời cơm và các quy tắc giao tiếp trong bữa ăn

"Khi vào mâm, tất cả đều cần mời cơm. Cha mẹ nên mời trước, mời tất cả mọi người trong nhà và cả các con để các con học cách mời. Nếu con mời sai, cha mẹ cần chỉnh ngay lập tức", TS Vũ Thu Hương lưu ý.

Chuyên gia này cũng cho rằng, trong mâm cơm Việt, người lớn tuổi nhất sẽ là người cầm đũa gắp miếng đầu tiên. Điều này, dạy trẻ sự kiên nhẫn chờ đợi và kính trên nhường dưới.

Khi trẻ em muốn ăn món mà nó ở xa tầm gắp, phải nói người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm.

Nhất thiết nói cảm ơn sau bữa ăn, điều đó sẽ khiến trẻ hiểu về những vất vả của người chuẩn bị bữa ăn. Cha mẹ nên cảm ơn trước và nhắc con làm việc này.

Những nguyên tắc"vàng" trong bữa ăn

Theo TS Vũ Thu Hương, trong bữa ăn, cần có nguyên tắc để dạy con.

Cụ thể, không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng, phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn.

Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào tô chung hoặc xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn.

Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Khi đưa bát xin cơm, nhất định con phải đưa bằng 2 tay, tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói, cơm sẽ bắn tung tóe.

Dù ngồi ăn trên chiếu hay trên ghế, đều không được rung đùi, điều này rất vô lễ.

Muỗng kiểu múc canh phải đặt úp trong bát không được để ngửa.

Không gõ đũa, bát thìa hoặc tạo tiếng ồn khi ăn (ví dụ húp sòam soạp, nhai chóp chép). 

Dù trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình.

"Điều này cực kỳ quan trọng vì không đơn thuần là phép lịch sự mà còn là một phần giáo dục nhân cách.

Nếu không được dạy nghiêm túc, trẻ em từ chỗ phản ứng tự nhiên do khẩu vị sẽ tới chỗ tự cho mình quyền chê bai, phán xét, không trân trọng lao động của người khác.

Món không ngon với người này nhưng ngon với người khác, và có được nhờ công sức của rất nhiều người", TS Hương giải thích.

Đặc biệt, trong bữa cơm, cần dạy trẻ không gắp liên tục một món, dù đó là món khoái khẩu của mình.

Phải ăn hết thức ăn trong bát, không để sót hạt cơm nào. Ăn từ tốn, không ăn hối hả hoặc vừa đi vừa nhai.

Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn. Nếu bị cay thì xin phép ra ngoài hắt hơi, xỉ mũi.