Khánh Hòa:

Những người thầy dành cả một đời vì sự nghiệp trồng người

(Dân trí) - Đó là những người thầy quê ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… vào Khánh Hòa sinh sống và dành trọn cả một đời cho sự nghiệp giáo dục, trồng người. Những người thầy ấy đã khai sinh ra một ngôi làng được mệnh danh là “làng giáo viên”, “thung lũng sư phạm”… ở Khánh Hòa.

Đến làng Quảng Đức (xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) hỏi thăm nhà thầy Trần Minh Hải (80 tuổi) thì không ai không biết. Thầy Hải quê ở Triệu Phong (Quảng Trị), là một trong 15 giáo viên vào vùng đất này dạy học từ mùa xuân năm 1974. Nhớ lại những tháng ngày gian nan dựng lớp dạy chữ ở Quảng Đức, thầy Hải kể, khi mới vào thì vùng này là rừng tràm, ban đêm người dân phải đốt lửa vì sợ thú dữ ở trên rừng xuống.

Những giáo viên như thầy Hải được hỗ trợ làm nhà nhưng thực chất đó là những căn lều lợp tôn tạm bợ để có chỗ sinh hoạt. Lớp học được các thầy che tạm xung quanh các lán trại, với vật liệu hết sức tuềnh toàng. “Học sinh của tôi là cấp tiểu học, từ 6-11 tuổi. Khi chúng tôi mới vào ít ngày thì tổ chức dạy luôn và lớp học không nghỉ niên khóa”, thầy Hải bồi hồi kể.

Thầy Trần Minh Hải trò chuyện cùng PV Dân trí về đời dạy học của mình
Thầy Trần Minh Hải trò chuyện cùng PV Dân trí về đời dạy học của mình

Bao lớp học trò ở vùng đất này cứ thế lớn lên và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Thầy kể, con đường dẫn vào nhà dài có 300m nhưng có đến 22 người làm giáo viên. Học sinh ở đây đa phần nối nghiệp nghề giáo từ cha mẹ và giàu truyền thống hiếu học.

Năm 1997, thầy Hải nghỉ hưu tại trường cấp 1 Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm. Theo nghiệp cha, 7 người con gái của thầy đều chọn học ngành Sư phạm và làm giáo viên. Hiện nay, trừ con gái đầu đã về hưu, 6 người con còn lại đang dạy học ở huyện Cam Lâm và TP Nha Trang.

Có lẽ với thầy bây giờ, niềm tự hào, hạnh phúc cho những năm tháng tuổi già là thành công của con cái trên con đường sư phạm, tiếp nối nghiệp cha để dìu dắt các thế hệ học trò ở vùng đất này. “Các ngày bình thường thì chúng nó đi dạy, còn Chủ nhật nào chúng nó cũng kéo về đây mấy chục đứa, cả con lẫn cháu. Mình già rồi, con cháu nó quan tâm, thấy vui lắm”, thầy Hải tâm sự.

Nhớ về thầy cũ, hàng năm học trò của thầy ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong (Quảng Trị) đều mời thầy về dự lễ kỷ niệm lớp, trường. Những món quà mà học trò cũ tặng mỗi dịp hạnh ngộ, thầy đều cất giữ cẩn thận và tự hào khoe mỗi khi có khách đến nhà chơi.

Cách nhà thầy Hải không xa là nhà của thầy Nguyễn Đức Thương (83 tuổi), quê ở Huế nhưng lấy vợ Quảng Trị. Thầy Thương là một trong những giáo viên cùng thế hệ với thầy Hải, dạy học ở Cam Hiệp Nam. Dù tuổi đã cao, lưng đã còng nhưng thầy Thương vẫn rất minh mẫn, thông tuệ.

Thầy Nguyễn Đức Thương dù đã 83 tuổi nhưng rất thông tuệ, minh mẫn
Thầy Nguyễn Đức Thương dù đã 83 tuổi nhưng rất thông tuệ, minh mẫn

Ngày trước, thầy dạy Toán và cũng là tổ trưởng tổ tự nhiên ở trường cấp 2 Cam Hiệp Nam, nay là trường THCS Nguyễn Công Trứ (huyện Cam Lâm). Thầy kể, ngày trước, học sinh của thầy có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều em một buổi đi học một buổi đi làm phụ giúp cha mẹ.

Nhiều em vì mải đi làm mà không còn đủ sức để đến lớp. Giáo viên phải đến tận gia đình để vận động, thậm chí có hôm buổi tối đến nhà thì gia đình nhiều em đã đóng cửa đi ngủ, tối mù mịt.

“Gặp bố mẹ các cháu thì họ nói: thầy thông cảm, cháu nó làm rẫy mệt quá nên ngủ bù. Mà không chỉ học trò, nhiều giáo viên hồi đó, một buổi đi dạy, một buổi cũng đi làm rẫy”, thầy Thương hồi tưởng.

Trong ký ức của thầy Thương, những năm tháng khi mới vào vùng đất này gieo chữ, có những cô giáo sáng sớm đã gánh một gánh rau lang ra chợ Cam Đức bán rồi mới lên lớp. Khó khăn là vậy, nhưng các giáo viên vẫn quyết tâm ở lại làng, dạy chữ cho học sinh.

Thầy Thương có 5 người con thì cả 5 đều theo nghề của cha, làm giáo viên. Hiện nay các con thầy đều dạy học tại các trường tiểu học, THCS ở huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa.

“Nghề này không làm giàu được nhưng nghề này xây dựng cho mình một nếp sống tinh thần, đạo đức rất đẹp. Vì vậy, tôi luôn khuyến khích các con đi theo con đường sư phạm”, thầy tự hào nói.

Làng Quảng Đức, ngôi làng được mệnh danh là “làng giáo viên”, “thung lũng sư phạm”… ở Khánh Hòa
Làng Quảng Đức, ngôi làng được mệnh danh là “làng giáo viên”, “thung lũng sư phạm”… ở Khánh Hòa

Về Quảng Đức, chúng tôi còn được kể nhiều gia đình nhà giáo nhiều thế khác, như gia đình thầy Đỗ Hoằng (79 tuổi); gia đình thầy Nguyễn Văn Bái (80 tuổi), gia đình thầy Trần Văn Đặng (82 tuổi)… Đây là những nhà giáo viên cùng thế hệ với thầy Hải, thầy Thương.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Cam Hiệp Nam, cho biết, làng Quảng Đức lâu nay được biết đến là làng hiếu học, “thung lũng sư phạm” ở Khánh Hòa. Những thầy Hải, thầy Thương, thầy Hoằng… là những thế hệ giáo viên đầu tiên ở vùng này và gia đình có 2-3 thế hệ giáo viên. Các em học sinh trong làng đa phần thi vào sư phạm và đến nay làng có hơn 250 giáo viên. Ngoài ra, làng cũng có 1 Tiến sỹ, 4 thạc sỹ đang làm việc ở nhiều nơi.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm