Những nghề gắn với kinh tế số sẽ "hot"
(Dân trí) - Thế giới đang trong giai đoạn phát triển kinh tế số, nước ta cũng không ngoại lệ. Do đó, những nhóm ngành nghề cần nhiều nhân lực giai đoạn 2021-2030 là những nghề gắn với kinh tế số.
12 nhóm ngành "hot"
Cứ đến mùa tuyển sinh là các bậc phụ huynh lại sốt sắng tìm hiểu các ngành nghề đang "hot", đang có xu hướng phát triển, dễ tìm việc khi ra trường, có thu nhập cao, cơ hội thăng tiến…
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM là người có thâm niên 40 năm làm trong ngành cung ứng nhân lực, gần 20 năm miệt mài đi khắp các tỉnh tư vấn tuyển sinh nên có rất nhiều phụ huynh quen biết, hỏi han về những nghề nghiệp dễ kiếm việc làm vào dịp này.
Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Trong tuần qua, facebook và zalo của tôi liên tục nhận được hàng trăm câu hỏi của phụ huynh và học sinh đều chung một vấn đề là "chọn ngành nghề nào trong lúc này là đúng nhất và nhu cầu nhân lực tương lai có thay đổi thế nào?".
Theo quan điểm của ông Trần Anh Tuấn, không có ngành nghề nào "hot" mà chỉ mang tính tương đối, luôn có sự chuyển động thay đổi theo từng giai đoạn trên thị trường lao động.
Tuy nhiên, thời điểm nào cũng có một số ngành nghề có nhu cầu lao động cao hơn ngành nghề khác. Dựa vào các chỉ số thống kê nhu cầu nhân lực thời gian qua cùng xu hướng phát triển kinh tế sắp tới, ông Trần Anh Tuấn dự báo có 12 nhóm ngành sẽ có nhu cầu nhân lực cao trong giai đoạn 2021 - 2030.
Ông Trần Anh Tuấn nhận định: "Trong 12 nhóm ngành nổi bật, một số lĩnh vực sẽ có sự phát triển về nhu cầu nhân lực là: Lập trình viên, khoa học dữ liệu; Điện, cơ khí; Xây dựng, kiến trúc, thiết kế; Kỹ thuật Y - Sinh; Công nghệ thực phẩm; Quản trị kinh doanh, thương mại điện tử, digital marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Nông nghiệp công nghệ cao".
Đồng thời, ông Trần Anh Tuấn cũng lưu ý trong giai đoạn hiện nay, các ngành nghề gắn liền với kinh tế số sẽ là những nghề có nhu cầu nhân lực ngày càng cao. Bởi nền kinh tế nước ta đang phát triển theo xu thế này để hội nhập cùng nền kinh tế thế giới.
Ông nhấn mạnh: "Trong thời đại công nghệ 4.0, những lao động tri thức phải am hiểu làm việc với robot thì mới phát triển. Thời kỳ của các bạn là kinh tế số, kỹ thuật số. Dù bạn có thù ghét máy móc công nghệ đến mức nào thì các bạn cũng phải sống chung với nó".
Chọn nghề trong bối cảnh hiện nay
Điều các phụ huynh băn khoăn là trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, nhiều ngành nghề "hot", có nhu cầu nhân sự lớn và thu nhập cao đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, lao động thất nghiệp… thì có nên theo học hay không?
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: "Các bạn khi chọn nghề phải có tầm nhìn hơi xa một chút, nhu cầu dài hạn trong 5 năm tới, thậm chí là 10 năm tới. Dịch Covid-19 không thể kéo dài mãi, nó sẽ được khống chế và khi đó kinh tế phục hồi, nhu cầu nhân lực sẽ trở lại như xưa".
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn thì phụ huynh và các em học sinh không nên chỉ căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động để chọn nghề, mà chọn nghề là một quá trình tác động rất nhiều yếu tố.
Ông nói: "Việc chọn nghề sẽ căn cứ vào thực trạng nghề nghiệp ở hiện tại cũng như dựa vào thống kê, dữ liệu dự đoán ngành nghề nào đó có xu hướng phát triển, cơ hội tìm việc làm tốt nhất. Đồng thời phải kết hợp với việc ngành nghề đó có phù hợp với năng lực, tính cách của người đang chọn hay không".
"Việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là: năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình", ông Tuấn cho biết thêm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, nếu có đủ năng lực đáp ứng và sự say mê theo đuổi ngành học và nghề nghiệp dự định thì dù trên con đường học tập, hay thậm chí cả trong quá trình tham gia thị trường lao động, nếu có gặp những khó khăn, trở ngại, các em sẽ nỗ lực để vượt qua thay vì buông xuôi.
Về trình độ nghề nghiệp, ông Tuấn đề nghị các em học sinh nên cân nhắc năng lực và sở thích của mình để chọn bậc học phù hợp, không nhất thiết phải vào đại học mới là thành công.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: "Dù tốt nghiệp bất kỳ cấp bậc học nào (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp nghề) thì điều cơ bản quyết định thành tựu của mỗi người trong thị trường lao động là năng lực nghề nghiệp".
"Một người có năng lực nghề nghiệp là người có thể hoàn thành các công việc được giao với chất lượng cao. Năng lực được đo đếm bởi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp…", ông Tuấn nhấn mạnh.