Quảng Ngãi:
Những món quà ý nghĩa của thầy cô dành cho học sinh nghèo
(Dân trí) - Bộ quần áo mới, vài ký gạo hay con bò giống có trị giá hàng chục triệu đồng... là những món quà ý nghĩa mà 600 giáo viên huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) mang đến cho 640 học sinh có hoàn cảnh khó khăn suốt nhiều năm qua. Việc làm này của những thầy cô giáo vùng cao đã "kéo" các em tiếp tục đến lớp và học tập tiến bộ hơn.
Em Đinh Văn Phong (lớp 4, trường tiểu học số 1 thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi) là con hộ nghèo. Cha mẹ Phong là người dân tộc thiểu số, quanh năm làm thuê cũng chỉ đủ sống qua ngày. Vì thế, việc học của Phong ít được quan tâm nên ở lớp 1 và lớp 2 cậu thuộc diện cần đặc biệt quan tâm về học lực.
Năm học 2017 - 2018, Phong lên lớp 3 do cô Kim Thị Xuân Hải làm chủ nhiệm. Đó cũng là năm ngành Giáo dục huyện Sơn Hà triển khai hoạt động nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Qua khảo sát hoàn cảnh của từng học sinh, cô Hải nhận đỡ đầu Đinh Văn Phong và một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác trong lớp.
Phong có học lực còn hạn chế, tính tình nhút nhát, đôi khi bỏ học ở nhà phụ giúp công việc gia đình. Bởi vậy, cô Hải bắt đầu tiếp cận, nhắc nhở Phong trong việc học trên lớp. Giờ tan trường, cô Hải đưa Phong về nhà để tìm hiểu thêm hoàn cảnh gia đình, động viên cha mẹ Phong không được cho con nghỉ học.
"Nhờ được động viên nên Phong học tập rất tiến bộ, không còn bỏ học như trước. Cháu có sự tiến bộ như ngày hôm nay là nhờ công sức của rất nhiều người chứ không phải của một mình tôi", cô Hải khiêm tốn chia sẻ.
Theo chị Đinh Thị Rau - phụ huynh em Đinh Văn Phong, qua một năm được cô Hải quan tâm giúp đỡ lực học của Phong tiến bộ rõ rệt. Đối với Phong, cô Hải đã trở thành người mẹ thứ hai.
"Cô Hải thường xuyên mua sách vở, quần áo mới cho Phong. Vừa rồi cô đã vận động kinh phí tặng cho gia đình tôi và một phụ huynh khác mỗi người một con bò giống. Được các thầy cô quan tâm nên gia đình tôi không dám cho Phong nghỉ học nữa đâu", chị Rau cho biết.
Cũng lặng thầm với nghĩa cử cao đẹp như cô Hải, nhiều năm qua cô Võ Thị Thanh Thủy - Hiệu phó trường Tiểu học số 2 thị trấn Di Lăng đã đồng hành với cậu học trò tí hon Đinh Hoàng Khít để giúp em được đến trường cùng bạn bè.
Lúc mới lọt lòng mẹ, Khít chỉ nặng 0,8 kg. Cũng chính sự bất thường đó nên bố Khít đã bỏ con ra đi khi em mới 9 ngày tuổi. Mẹ Khít sau đó cũng đi làm ăn xa để con cho ông bà ngoại chăm sóc.
Với cơ thể không bình thường, hoàn cảnh nghèo khó nên việc đến trường của Khít không được quan tâm. Mãi đến năm Khít 9 tuổi, thầy cô trường Tiểu học số 2 thị trấn Di Lăng mới vận động được ông bà ngoại Khít cho em đến trường. Cơ thể, sức khỏe Khít không bình thường như bạn bè cùng trang lứa nên em phải học theo chương trình hòa nhập dành cho học sinh khuyết tật.
Được đi học là niềm vui nhưng gia đình Khít quá khó khăn nên em có nguy cơ bỏ học. Chính vì vậy, suốt nhiều năm qua cô Võ Thị Thanh Thủy đã đứng ra hỗ trợ quần áo, dụng cụ học tập cho Khít. Cô Thủy còn vận động nhiều cá nhân hảo tâm quyên góp hỗ trợ cho Khít và gia đình. Chính động lực đó đã giúp Khít được tiếp tục đến trường cùng bè bạn.
Đồng hành cùng Khít từ năm lớp 1 đến năm lớp 4, cô Võ Thị Thanh Thủy hạnh phúc khi thấy được sự tiến bộ của cậu học trò tí hon.
"Khít đã trở nên tự tin vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Em đã đọc được con chữ, làm được những phép tính đơn giản. Đối với những học sinh như Khít thì đây là sự tiến bộ bất ngờ", cô Thủy nói.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà, bà Nguyễn Thị Thành, toàn huyện còn khoảng 800 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Gia đình ít quan tâm đến chuyện học nên các em thường có học lực hạn chế và có nguy cơ bỏ học.
Chính vì vậy, hoạt động nhận đỡ đầu học sinh của các thầy cô giáo là giải pháp hữu hiệu giúp các em có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến lớp. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng các thầy cô giáo đã tích cực hưởng ứng hoạt động nhận đỡ đầu học sinh.
“Toàn huyện hiện có trên 600 thầy cô giáo nhận đỡ đầu cho 640 học sinh. Ngoài việc quan tâm, động viên các em trên lớp, các thầy cô còn đồng hành, giúp đỡ các em trong cuộc sống. Đó là động lực lớn để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi vững tin đến trường góp phần hạn chế tình trạng bỏ học tại huyện miền núi Sơn Hà", bà Thành nhấn mạnh.
Quốc Triều