Những giáo viên hết lòng với sự nghiệp trồng người

(Dân trí)-Có thầy cô tự nguyện đi xin áo dài, học bổng… cho học sinh nghèo; có thầy lặng lẽ hiến đất xây trường học; hoặc vợ chồng giảng viên hơn 8 năm “cưu mang” sĩ tử ở trọ đi thi đại học… Với các thầy cô này, tất cả cũng vì công tác khuyến học, khuyến tài.

Lo chuyện đồng phục cho học trò nghèo

Nhắc đến những giáo viên lo chuyện đồng phục cho học trò nghèo ở Tiền Giang, nhiều người biết đến cô Nguyễn Thị Lâu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kiệt, người đã âm thầm đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo trong suốt 8 năm qua.

Cô Lâu tâm sự: “Gần 30 năm gắn bó với nghề, đặc biệt là tôi được giảng dạy ở một trường vùng sâu, nơi có nhiều em học sinh nghèo như các em học sinh Trường THPT Tứ Kiệt này (thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Bởi thế, mấy năm qua vào những dịp đầu năm học, hình ảnh các phụ huynh quần áo lắm lem, chân đất đến trường, xin cho con vào học ít hôm vì nhà chưa may kịp chiếc áo dài; Rồi có em chạy đến “tường trình” em có một chiếc áo dài, hôm qua mưa nên áo chưa khô... Khi đó, tôi đã suy nghĩ và không biết làm gì để chia sẻ với các phụ huynh và các em khi đồng lương của mình còn ít ỏi”.

Hơn 8 năm qua, cô Lâu tự nguyện đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo.
Hơn 8 năm qua, cô Lâu tự nguyện đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo.

Từ những trăn trở này, khi cô Lâu còn là giáo giáo viên chủ nhiệm rồi tham gia công tác đoàn (mới đến vị trí phó hiệu trưởng phụ trách mảng kỷ cương nề nếp của học sinh như hiện nay - PV) đến kỳ hè cô Lâu lăn lội đi xin đồng phục cũ (chủ yếu là áo dài) để mang về giặt ủi cho bào túi nilon, đợi đên ngày tựu trường “chờ” phụ huynh lên khất nợ chuyện đồng phục cho con em hoặc em nào “tường trình áo chưa khô” là cô phát ngay. Nếu áo không vừa, đích thân cô đo và cắt sửa lại cho vừa vặn với các em.

Dần dần, số lượng học sinh trường tăng lên và số học sinh thiếu đồng phục cũng tăng theo. Chính lúc này và từ việc làm hiệu quả của cô Lâu nên nhiều thầy cô trường Tứ Kiệt và Hội phụ huynh học sinh cùng chung tay với cô trong chuyện đi xin quần áo giúp cho học trò nghèo “bám” con chữ.

Những để việc xin áo dài hiệu quả hơn, cô Lâu bàn với BGH nhà trường vận động các em nữ sinh nguyên góp áo dài sau mỗi năm học và chương trình này vẫn được duy trì cho đến nay và rất được các em nữ sinh trong trường và một số trường lân cận hưởng ứng. Như năm học vừa rồi có trên 100 bộ đồng phục do các em học sinh nguyên góp, chưa tính số đồng phục (chủ yếu là quần, áo sơ mi nam) do các phụ huynh đi vận động các đơn vị may đồng phục cho học sinh trao tặng.

Cô Nguyễn Thị Gọn - Chủ tịch công đoàn Trường THPT Tứ Kiệt chia sẻ: “Phần đông học sinh Trường THPT Tứ Kiệt ở nông thôn thuộc diện nghèo, cận nghèo rất nhiều . Bởi vậy, đối với những gia đình có kinh tế khá giả, việc sắm cho các em vài bộ đồng phục để đến trường thì không khó. Nhưng đối với những gia đình lao động nghèo ở nông thôn thì phải vất vả lắm. Tuy nhiên sau khi có chương trình tặng áo dài cũ lại cho nhà trường do cô Lâu phát động thì những câu chuyện phụ huynh đến trường xin khất nợ đồng phục không còn nữa”.

Còn tại An Giang, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh… biết đến thầy Đỗ Minh Sang - Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (thị xã Tân Châu, An Giang) nhiều năm qua luôn tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ vải may đồng phục và vận động các học sinh tặng lại đồng phục, sách cũ… để giúp các học sinh nghèo của trường trong mỗi đầu năm học.

Vì thế, gần kết thúc học kỳ 2 của mỗi năm học, thầy Sang triển khai kế hoạch vận động học sinh tặng lại sách cũ, đồng phục cho nhà trường. Theo thầy Sang sau khi các em mang sách, quần áo đến trường tặng, thầy cô trong nhà trường cùng một số đoàn viên cùng phân loại và “làm mới” sách, quần áo trước khi tặng lại cho các em học sinh nghèo trong nhà trường.

Hơn 8 năm qua, cô Lâu tự nguyện đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo.
Thầy Sang ngoài việc lo chuyện đồng phục cho các em học sinh nghèo, thầy còn vận các mạnh thường quân cấp học bổng cho các em học sinh nghèo.

“Khó khăn nhất là việc vận động các học sinh tặng lại đồng phục không còn mặc nữa cho các em lớp sau. Vì đa phần các em đều thấy ngại khi cho quần áo của mình đã mặc rồi. Ngoài ra các em còn lo lắng đến chất lượng đồng phục, kích cỡ… Nhưng khi được các thầy cô trong trường giải thích, tâm lí lo ngại không còn nữa nên nhiều em học sinh (cả nam, nữ) đã bắt đầu mạnh dạng mang đồng phục của mình đến tặng cho nhà trường, dù số lượng còn khiêm tốn, chỉ giao động trên dưới 40 bộ đồng phục/năm học.”  Thầy Sang chia sẻ

Theo Thầy Sang, sau khi các em học sinh mang đồng phục đến tặng cho Đoàn trường, thầy Sang cùng các thầy cô, học sinh trong BCH Đoàn trường bắt đầu công đoạn phân loại (nam, nữ, kích cỡ) và thực hiện việc giặt ủi, công đoạn cuối cùng là cho các bộ đồng phục trắng tinh vào túi nilon rồi mang đến tận nhà các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn “ướm” thử các bộ đồng phục.

Em N. T. T. - cựu học sinh Trường Nguyễn Quang Diêu chia sẻ: “Đến bây giờ em cũng không sao quên được giây phút “ướm” được 2 chiếc áo dài mà thầy cô trong BCH Đoàn trường mang đến tặng cho em. Lúc đó em mừng lắm, mừng vì có dài đi học, mừng vì đã giúp cha mẹ đã vất vả mất mấy ngày công gặt lúa mới có đủ tiền mua hai chiếc áo dài cho em. Cũng chính vì sự chăm lo của quý thầy cô trong trường, từ cuốn sách, quyển vở đến cái áo… nên đây là động lực để em cố gắng học tập hoàn thành chương trình Cao đẳng để sau này mình có cơ hội chia sẻ lại với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em”.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí trong nhiều năm qua, thầy Sang không chỉ tích cực vận động sách vở, đồng phục… cho học sinh nghèo. Thầy Sang còn vận động từ nhiều nguồn để lo quà tết cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi khi tết đến xuân về. Như Tết Giáp Ngọ vừa rồi, BCH trường tổ chức gói 158 đoàn bánh tét để “hụ hợ” vào 158 phần quà tết cho các em học sinh nghèo đón cái Tết đầm ấm.

Thầy giáo hiến đất xây trường, giảng viên cưu mang sĩ tử

Ông bà xưa có câu “tấc đất, tấc vàng”, vậy mà thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Thành Nam 1 (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) sẵn lòng hiến tặng hơn 1.200m2 đất để xây dựng trường học, ướm mầm tương lai cho hàng trăm học sinh nghèo ở địa phương.

Theo thầy Thắng cho biết, điểm lẻ ấp 9A thuộc Trường tiểu học Mỹ Thành Nam 1 được thành lập năm 1986, do địa bàn rộng nên điểm lẻ phải “gánh” số HS địa bàn các ấp: 9A, 9B và HS ở ấp Mỹ Hội và Hội Cư của huyện Cái Bè. Ban đầu điểm trường được dựng bằng tre lá, sau đó được xây tường cấp 4. Sau thời gian hơn 20 năm sử dụng, ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng, lớp học ẩm thấp, sụt lún, khi trời mưa, thầy trò phải nghỉ học.

Hơn 8 năm qua, cô Lâu tự nguyện đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo.
Thấy điểm lẽ xuống cấp, cá em học sinh đi lại khó khăn, thầy Thắng tự nguyện hiến 1.200m2 đất của gia đình để xây trường học mới

Thầy Thắng chia sẻ: “Thấy điểm lẽ ấp 9A (cách điểm chính khoàng 6km) đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa gió thầy trò phải nghỉ học để tránh mưa. Nhưng điều tôi lo nhất là những ngày giông bão, ẩn hoạ có thể xảy đến lúc nào chẳng hay, vì vậy tôi bàn với gia đình và đi đến quyết định hiến mảnh đất mà vợ chồng tôi vất vả mấy năm mới mua được để địa phương xây trường học cho các em học sinh tiền bề học hành!”.

Sau khi thống nhất trong gia đình, thầy Thắng trình bày với địa phương và ngành GD và nhận được được sự ủng hộ nhiệt tình. Tháng 9/2012 ngôi trường được khởi công, kinh phí được Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. HCM hỗ trợ cùng nguồn kinh phí của địa phương. Sau thời gian gần một năm xây dựng, điểm lẻ ấp 9A cũng hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp tựu trường năm học học 2013-2014.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, trường có qui mô 1 trệt, 1 lầu với 6 phòng học. Ngoài ra, trường còn có các hạng mục như: cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh, sân trường, hệ thống điện, nước sinh hoạt... tổng kinh phí xây dựng  hơn 4 tỉ đồng.

Với vợ chồng thầy Phạm Ngọc Long và cô Lê Thị Huyền (hiện là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ) ngoài việc tận tùy trên giảng đường, truyền đạt kiến thức cho sinh viên là chưa đủ trong sự nghiệp “trồng người”. 8 năm qua, vợ chồng cô Huyền đã “cưu mang” hàng ngàn sĩ tử ở trọ miễn phí trong những kỳ thi ĐH, CĐ.

Hơn 8 năm qua, vợ chồng cô Huyền đã cưu mang hàng ngàn sĩ tử qua những kỳ thi ĐH, CĐ
Hơn 8 năm qua, vợ chồng cô Huyền đã "cưu mang" hàng ngàn sĩ tử qua những kỳ thi ĐH, CĐ

Chia sẻ với PV Dân trí về mối duyên “cưu mang” sĩ tử trong 8 năm qua, cô Huyền nói: “Vợ chồng tôi đang phục vụ trong ngành giáo dục và đang giảng dạy cho các em sinh viên tại trường thì hai vợ chồng luôn tự nhủ rằng cần làm thêm nhiều việc liên quan đến giáo dục. Vợ chồng tôi cùng với các tình nguyện viên muốn đóng góp một chút công sức của mình trong việc lo nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử qua các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đại đức Thích Phước Độ - Ủy viên Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương, trụ trì chùa Phú Hội (Giang Thành, Kiên Giang) chia sẻ: “Tôi được Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương giao nhiệm vụ điều phối và hỗ trợ chương trình tiếp sức mùa thi trong nhiều năm qua tại cụm thi Cần Thơ nên được biết tấm lòng thiện nguyện của vợ chồng thầy Long, cô Huyền trong việc “mở rộng cửa” đón hàng trăm thí sinh vào nhà ở trong mỗi đợt thi. Tính đến nay đã có hàng ngàn sĩ tử ở nhà cô Huyền đi thi ĐH-CĐ nhưng điều đáng nói là cô Huyền, thầy Long cùng các thanh niên tình nguyện ở đây luôn hết lòng phục vụ các sĩ tử và phụ huynh một cách tốt nhất”.

Chúng tôi hỏi vợ chồng thầy Long, cô Huyền khi nào không còn “nuôi” sĩ tử nữa, thầy Long, cô Huyền chỉ cười và dẫn chúng tôi đến tham quan một căn hộ mà vợ chồng cô vừa thuê lại để chuẩn bị sửa sang cho các em ở trong kì thi quốc gia 2015 sắp tới.

Nguyễn Hành 
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm