Thanh Hóa:

Những đứa trẻ cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ đi tìm con chữ

Bình Minh

(Dân trí) - Để tìm đến con chữ, nhiều đứa trẻ ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) ngày nào cũng cơm đùm cơm nắm, cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ mới đến điểm trường.

Đường đến trường gian nan

Điểm trường mầm non bản Ón nằm ở lưng chừng một đỉnh núi cao, nơi đây gọi là ngã 3 tiếp giáp với Lào và tỉnh Sơn La, cách cột mốc biên giới 270 khoảng 2 km theo đường chim bay. Vị trí xa nhất cách trung tâm bản là gần 7 km, bởi thế có học sinh phải đi bộ chừng ấy cây số mới tới được trường, số còn lại cũng phải đi bộ 2-5 km. Không chỉ học sinh tiểu học, những đứa trẻ 3-5 tuổi cũng chung cảnh phải cuốc bộ đến trường.

Những đứa trẻ cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ đi tìm con chữ - 1

Để tìm đến con chữ, những đứa trẻ phải đi học từ 5h sáng (Ảnh: BM).

Theo cô giáo Vi Thị Bột (điểm trường mầm non bản Ón), ngày đầu lên cắm bản cô không tin vào mắt mình rằng những đứa trẻ lên 3 đã đi bộ gần 6 km đường rừng. Hành trình tìm con chữ của những đứa trẻ ở Ón là dậy từ 5h sáng và cơm đùm cơm nắm lên đường.

Chúng tôi gặp Giàng A Mùa, Mùa cho biết, nhà cách 5 km nên Mùa phải dậy từ 5h sáng, khi bố mẹ còn chưa lên nương, Mùa đã dắt em đến trường. Với đứa trẻ này thì đi học đường xa rất mỏi chân và mệt, nhưng được đi học thì rất thích.

"Không chỉ quãng đường xa, cung đường đi cũng vô cùng khó khăn. Nếu gặp trời mưa thì nhầy nhụa bùn đất, bởi thế cứ trời mưa là những đứa trẻ ở Ón nghỉ học. Với cung đường này, nếu trời mưa thì người lớn đi còn mạo hiểm chứ nói gì đến trẻ con. Phải bấm chặt đầu ngón chân trên đoạn đường trơn tuột", cô Bột nói.

Những đứa trẻ cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ đi tìm con chữ - 2

Với những đứa trẻ này thì đi bộ rất mỏi chân và mệt nhưng được đi học rất thích (Ảnh: BM).

Đúng như lời cô Bột, chúng tôi có mặt ở lớp vào trời mưa, lớp học của cô giáo này có 16 học sinh nhưng hôm nay chỉ có 3 em đi học.

"Do cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn, đồ dùng chưa có, chưa tổ chức nấu ăn bán trú cho các cháu được. Cháu nào học buổi sáng thì đi từ 5h còn học buổi chiều thì cũng đi cùng anh chị trong gia đình rồi chơi ở quanh trường đến chiều vào học. Bọn nhỏ đùm cơm đi ăn dọc đường", cô Bột cho biết thêm.

Những đứa trẻ cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ đi tìm con chữ - 3

Học sinh rửa chân sau khi cuốc bộ quãng đường lầy lội, đùm cơm vẫn còn cầm trên tay tới trường (Ảnh: BM)

Là người có thâm niên bám bản, thầy Vi Văn Chuân, Trưởng điểm trưởng Tiểu học bản Ón chia sẻ: "Cung đường đi khá xa nên khi đến trường các con rất mệt, nhiều hôm những đứa trẻ ngồi vào lớp học vẫn còn buồn ngủ. Từ lớp 3 tuổi, anh cõng em, chị cõng em, số ít nhà có điều kiện các em được bố mẹ đưa đi, còn lại thì tự đi bộ, mệt thì nghỉ, vừa đi vừa chơi rồi cũng đến lớp".

Học để thoát nghèo

Bản Ón có 112 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, được biết đến là nơi nghèo khó nhất nhì tỉnh Thanh Hóa. Số hộ ngoài danh sách hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống của bà con chủ yếu nhờ vào bắp ngô, củ sắn trên nương, củ mài, bó măng trên rừng nên con cái nheo nhóc, thất học rồi đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói.

Những đứa trẻ cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ đi tìm con chữ - 4

Những cung đường nhầy nhụa mỗi khi mưa xuống là nguyên nhân khiến trẻ ở xa không thể đến trường.

Bí thư Chi bộ bản Ón - Giàng A Chống là người đầu tiên trong bản có bằng tốt nghiệp cấp 3, cũng là Đảng viên đầu tiên của bản. Với người dân trong bản, anh Chống là người tiên phong xóa mù, xóa nghèo cho người dân nơi đây. Anh quan niệm, khó mấy cũng phải đưa con em đến trường học chữ, chỉ có vậy mới thoát được đói nghèo, thoát được tảo hôn.

Những đứa trẻ cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ đi tìm con chữ - 5

Những năm gần đây, học sinh ở bản Ón đến tuổi đều được cha mẹ cho đến trường (Ảnh: BM).

"Ngày trước mình đi học chỉ nghĩ làm sao để biết chữ nhưng rồi càng học lên càng thấy rằng, biết chữ còn có thể giúp thoát nghèo. Bởi vì mình có biết chữ mới có thể đọc được những kiến thức nuôi con lợn, trồng cây lúa ra sao cho hiệu quả. Muốn xóa được nghèo đói trước hết phải xóa mù", anh Chống nói.

Bí thư chi bộ bản Ón cũng cho biết, trước đây bà con chưa đề cao con chữ nhưng sau khi được tuyên truyền từ chính quyền, thầy cô giáo, họ dần dần thay đổi nhận thức, những đứa trẻ đến tuổi đều được cha mẹ cho đến trường.

Những đứa trẻ cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ đi tìm con chữ - 6

Quyết tâm tìm con chữ để thoát nghèo (Ảnh: BM).

Công sức của Bí thư Giàng A Chống và thầy cô giáo cắm bản cũng đã có kết quả. Những năm gần đây, số học sinh ở bản Ón ra trung tâm huyện học cấp 2, cấp 3 ngày một nhiều. Trong bản đã những gia đình cả 4 người con đang theo học THCS đến THPT; nhiều em xuống thành phố Thanh Hóa, ra tận Thủ đô để học cao hơn, với mong muốn ngày trở về khai sáng bản mình.

Bí thư Chi bộ Giàng A Chống cũng tin rằng chẳng bao lâu nữa, những đứa trẻ chân trần cuốc bộ đến trường hôm nay sẽ trưởng thành và về giúp dân bản mình thoát nghèo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm