Những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ luôn làm 7 điều này

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Các bậc cha mẹ thường tự hỏi: Con cần học sự mạnh mẽ nào? Có khá nhiều, nhưng sức mạnh tinh thần là điều sẽ giúp con vượt qua những thử thách khó khăn nhất trong cuộc sống.

Sức mạnh tinh thần đòi hỏi các bậc cha mẹ phải chú ý đến 3 điều: cách suy nghĩ, cách cảm nhận và cách hành động. Để tạo dựng sức mạnh tinh thần, cần phải luyện tập, kiên nhẫn và không ngừng rèn luyện.

Những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ luôn làm 7 điều này - 1

Sức mạnh tinh thần giúp con vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống (Ảnh: Karen Hayes/CNBC)

Theo nhà trị liệu tâm lý Amy Morin, dưới đây là 7 điều mà những đứa trẻ bản lĩnh, mạnh mẽ luôn làm. Nếu bạn muốn con mình có sức mạnh đó, hãy giúp con kiên nhẫn rèn luyện. 

1. Trao quyền cho chính bản thân

Nếu con nói: "Bạn của con đạt điểm cao hơn con trong bài kiểm tra. Điều này khiến con cảm thấy tồi tệ về bản thân". Về cơ bản, trẻ đang trao cho người khác quyền kiểm soát cảm xúc của mình.

Nhưng những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ sẽ không phụ thuộc vào người khác để cảm thấy tốt hơn. Chẳng hạn, chúng vẫn có thể giữ tâm trạng vui vẻ ngay cả khi người khác đang có một ngày tồi tệ hoặc cố gắng trút bỏ cơn thịnh nộ.

Động viên con: Sử dụng những câu nói để động viên, khích lệ để giúp con hiểu được rằng, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về cách họ nghĩ, cảm nhận và cư xử, bất kể những người xung quanh đang làm gì.

Điều này sẽ giúp lấn át đi những suy nghĩ tiêu cực trong đầu trẻ rằng bản thân không có tiềm năng thành công. Các câu nói ngắn gọn và dễ nhớ:

- Tất cả những gì con có thể làm là cố gắng hết mình.

- Con hãy tự tin để thực hiện.

- Con đã làm rất tốt rồi.

- Hãy chọn để được hạnh phúc ngày hôm nay.

2. Thích nghi với sự thay đổi

Sự thay đổi trong cuộc sống đôi khi thật khó khăn, ví dụ: chuyển đến một ngôi trường mới, không thể gặp bạn bè vì dịch bệnh. Con bạn có thể bỏ lỡ mọi thứ hoặc lo lắng rằng những gì đang diễn ra sẽ khiến cuộc sống của chúng trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, những đứa trẻ mạnh mẽ về tinh thần hiểu rằng, sự thay đổi có thể giúp chúng phát triển theo hướng tích cực, mặc dù ban đầu chúng có thể không cảm thấy như vậy.

Những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ luôn làm 7 điều này - 2
Bố mẹ với cách giáo dục khéo léo có thể phát triển sức mạnh tinh thần cho con (Ảnh: Shutterstock).

Đặt tên cho cảm xúc: Khi thay đổi điều gì đó, người ta dễ cảm thấy không thoải mái. Nhưng chỉ cần đặt tên cho cảm xúc có thể làm giảm bớt sự nhức nhối của những suy nghĩ tiêu cực này.

Thật không may, hầu hết chúng ta không dành đủ thời gian để suy nghĩ về cảm giác của mình. Trên thực tế, ngay cả khi trưởng thành, chúng ta vẫn có xu hướng tiêu tốn nhiều năng lượng cho việc chiến đấu với cảm xúc của chính mình.

Vì vậy, khi con phải đối mặt với một thay đổi lớn, hãy yêu cầu chúng nói chuyện một cách tỉ mỉ về cảm giác của chúng. Quan trọng hơn, giúp trẻ tìm - và định nghĩa - những từ phù hợp để mô tả cảm xúc ấy, ví dụ: buồn, vui, thất vọng, lo lắng, háo hức…

3. Biết khi nào nên nói "Không"

Mọi người thường gặp khó khăn trong việc nói "Không" hoặc bày tỏ cảm xúc của mình. Tùy vào tình huống, lựa chọn nói "Không" cũng khiến trẻ trở nên mạnh mẽ hơn.

Trẻ em thường đấu tranh để nói "Không" vì điều đó khiến chúng cảm thấy khó xử và có phần kỳ lạ. Song, nếu can đảm làm điều đó thường xuyên, trẻ sẽ thấy rằng nó trở nên dễ dàng hơn theo thời gian.

Bài kiểm tra "từ bỏ": Khi con bạn phải đối mặt với quyết định nói đồng ý hoặc không, hãy hỏi chúng xem chúng sẽ phải từ bỏ điều gì nếu nói đồng ý? Ví dụ, chọn đi ăn, chơi ở nhà một người bạn có thể đồng nghĩa với việc từ bỏ thời gian dành cho anh chị em.

Phụ huynh hãy hỏi trẻ: "Con có sẵn sàng từ bỏ điều đó không?". Nếu trẻ nói "không muốn", thì nói không. Nếu trẻ không bận tâm, thì nói có. Giúp con can đảm nói không bằng cách đưa ra những cách lịch sự để từ chối ai đó:

- Không, tôi không thể. Không phải lúc nào bạn cũng cần đưa ra lý do.

- Cảm ơn rất nhiều vì đã mời tôi, nhưng tôi có kế hoạch khác.

- Tôi sẽ phải kiểm tra và liên hệ lại với bạn. Sử dụng điều này nếu con cần một chút thời gian để suy nghĩ về nó.

- Tôi thực sự không cảm thấy thích làm điều đó ngày hôm nay, nhưng tôi đánh giá cao yêu cầu của bạn.

4. Nhìn nhận sai lầm của bản thân

Trẻ em thường muốn che giấu những sai lầm của mình vì chúng không muốn gặp rắc rối. Chẳng hạn, con quên làm bài tập về nhà hoặc vô tình làm vỡ một chiếc bình đắt tiền.

Việc nhìn nhận những sai lầm giúp trẻ xây dựng tính cách, vì những đứa trẻ đủ can đảm mới nhìn nhận những gì chúng đã làm sai và chuẩn bị tinh thần để thừa nhận hoàn toàn điều đó. Trẻ biết nói lời xin lỗi và tìm cách tránh mắc lại sai lầm tương tự.

Tạo môi trường để thành công: Nếu sống vô tổ chức, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ tất cả các bài tập. Hoặc nếu căn phòng của con chứa rất nhiều đồ ăn vặt, chúng sẽ không thể cưỡng lại việc ăn quá nhiều.

Khi con mắc lỗi, hãy nhắc con rằng chúng có thể thay đổi môi trường để tránh mắc cùng một lỗi hai lần. Ví dụ, con có thể ghi ra các bài tập cần làm ngay khi nhận được hoặc loại bỏ tất cả các món ăn vặt không tốt cho sức khỏe để chúng nằm xa tầm tay.

5. Ăn mừng thành công của người khác

Chẳng hạn như trẻ cảm thấy ghen tị khi bạn bè của chúng có được một món đồ chơi mới hoặc khi đội bạn giành chiến thắng trong một trò chơi khác. Cảm giác tiêu cực này làm tổn thương chính con chứ không phải đối phương. Vì vậy, phụ huynh hãy khuyến khích con chia sẻ thành công của mọi người.

Những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ luôn làm 7 điều này - 3
Chia sẻ niềm vui cùng người khác giúp con thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực (Ảnh: Shutterstock).

Những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ luôn ủng hộ các bạn cùng lứa tuổi và chúng tập trung vào việc thể hiện hết khả năng của mình mà không cần lo lắng về việc người khác đang làm như thế nào.

Hành động như người mà con muốn trở thành: Bạn có thể gợi ý con đưa ra danh sách những đặc điểm mà chúng ngưỡng mộ. Chẳng hạn, muốn tự tin như chị gái, muốn lạc quan như cô giáo. Tiếp theo, khuyến khích con hành động để đạt được những đặc điểm đó. Bạn cũng cần để con hiểu, khi chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân thì sẽ dễ dàng ăn mừng thành công của người khác hơn.

6. Đứng dậy sau thất bại

Thất bại có thể khiến chúng ta cảm thấy xấu hổ, thất vọng và bực bội. Nhưng những người thành công nhất đã đạt được mục tiêu của họ thông qua những lần thất bại.

Những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ luôn làm 7 điều này - 4
Trẻ bản lĩnh thường kiên trì với mục tiêu (Ảnh: Shutterstock).

Những đứa trẻ thành công sẽ tập trung chú ý những gì đã xảy ra và tìm phương hướng để sửa chữa nó. Việc có tư duy phát triển giúp trẻ biến thất bại thành kinh nghiệm học tập tích cực.

Câu chuyện của những người thành công từ thất bại: Các chuyên gia phát hiện ra rằng, trẻ có thể phát triển tốt hơn khi lắng nghe nhiều câu chuyện thành công bắt đầu từ sự thất bại.

Khi con bạn cảm thấy thất vọng vì đã thất bại trong một việc gì đó, hãy giáo dục chúng về những người từng mắc sai lầm tương tự, chẳng hạn Thomas Edison. Nhà khoa học đã giúp phát minh ra bóng đèn và nhiều thứ tuyệt vời khác. Nhưng ông cũng có hơn 1.000 phát minh không được sử dụng. Điều này sẽ mang lại cho con sự tự tin và chúng sẽ biết rằng một lần thất bại không có nghĩa là không thể thành công.

7. Kiên trì

Khi phải mất một thời gian để đạt được mục tiêu hoặc lúc con cảm thấy không muốn nỗ lực để đạt được thành công, bộ não của trẻ có thể xuất hiện suy nghĩ từ bỏ.

Những đứa trẻ mạnh mẽ về tinh thần, kiên trì sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu ngay cả khi chúng cảm thấy không thích. Thông thường, cuối cùng chúng thành công và phát hiện ra rằng bản thân mạnh mẽ hơn những gì con nghĩ ban đầu.

Viết thư: Hãy đề nghị con bạn viết một lá thư với những lời lẽ ân cần và động viên gửi cho chính mình.

Nó có thể là một ghi chú dài hoặc ngắn gọn và đơn giản có nội dung: "Tôi biết mọi thứ rất khó khăn, nhưng bạn có thể làm được điều này bởi vì bạn đã đạt được những mục tiêu đầy thách thức trước đó. Và bạn có thể thực hiện lại".

Mỗi khi con cảm thấy muốn từ bỏ, hãy nhắc con đọc lại bức thư đó, Nó sẽ thúc đẩy con kiên trì theo đuổi mọi thứ đến cùng.

Theo www.cnbc.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm