Học sinh tự tử: Do trẻ "dễ vỡ" hay áp lực từ người lớn?
(Dân trí) - Tình trạng học sinh tự sát chính là hệ quả tất yếu của một quá trình bị "ấp ủ", tức những yếu tố thúc đẩy các em tới ý định kết thúc cuộc sống đã xuất hiện trong thời gian dài.
TS Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Dân trí về tình trạng hiện nay nhiều học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử tại Hội thảo khoa học quốc gia: "Ứng dụng Tâm lý học trường học trong bối cảnh đổi mới giáo dục" ngày 14/4.
Thực trạng báo động
Thưa ông, sau những vụ việc học sinh tự tử thương tâm vừa qua khiến dư luận bàng hoàng. Có vẻ như vấn đề trầm cảm, tự sát ở lứa tuổi học đường trong thời gian gần đây đã không chỉ dừng lại ở trường hợp nhỏ lẻ?
- Tình trạng học sinh tự sát thời gian gần đây chính là hệ quả tất yếu của một quá trình bị "ấp ủ", tức những yếu tố thúc đẩy các em tới ý định kết thúc cuộc sống đã xuất hiện trong thời gian rất dài.
Ngay từ cách đây 2 tháng, chúng tôi đã có một cảnh báo trên Dân trí, đưa ra con số thống kê gần 24% học sinh Việt Nam có ý định tự tử. Hành động tự tử phải trải qua ba giai đoạn, gồm suy nghĩ liên quan đến tự tử, toan tự tử (lập kế hoạch, chuẩn bị tự tử nhưng không thành) và tự tử thành công, gây ra án mạng. Rõ ràng, gần 24% học sinh có suy nghĩ liên quan đến tự sát là con số rất đáng báo động, đáng quan tâm.
Thống kê của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) trước đại dịch Covid-19, Việt Nam có khoảng 3% trẻ có suy nghĩ liên quan đến tự tử. Nhưng trong thời gian vừa qua, con số này đã tăng lên thành gần 24% (thông thường trên thế giới chỉ khoảng 9%).
Lý do khiến hiện tượng học này gia tăng có thể từ nhiều nguyên nhân như áp lực của việc giãn cách xã hội, do Covid-19 khiến hàng loạt hoạt động bị đảo lộn, các mối quan hệ thực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý của trẻ.
Các em xuất hiện hội chứng mà chúng tôi tạm gọi là "hội chứng tâm lý do Covid-19", biểu hiện bằng việc suy giảm nghiêm trọng những vấn đề liên quan đến nhận thức: trí nhớ suy giảm, tư duy suy giảm, khả năng chú ý kém.
Ngoài ra, xuất hiện các vấn đề về mặt hành vi như tăng xung năng xung đột, tăng tình trạng nghiện game, nghiện điện tử, bỏ học, vi phạm kỷ luật lớp học. Cảm xúc của trẻ cũng trở nên nghèo nàn, dễ bị kích động. Trẻ cũng có thể gặp vấn đề về mặt thực thể như đau đầu, đau cơ thể không rõ nguyên nhân.
Một loạt các vấn đề nói trên đều là biểu hiện của hội chứng tâm lý. Và suy nghĩ, ý định tự tử chỉ là một biểu hiện được bộc lộ ra bên ngoài. Mới đây, một nghiên cứu của chúng tôi trên gần 20.000 học sinh cho thấy tỷ lệ trầm cảm, lo âu, stress tăng đột biến trong thời gian vừa qua. Cụ thể, khoảng hơn 60% trẻ bị stress, 30% có biểu hiện trầm cảm và 40% có rối loạn lo âu. Đó cũng là những vấn đề làm kích hoạt hành vi tự tử xảy ra.
Theo ông, có hay chăng sự tác động ít nhiều của yếu tố truyền thông đại chúng, mạng xã hội trong các vụ việc học sinh tự sát liên tiếp thời gian này?
- Như đã nói, những yếu tố thúc đẩy các em tới ý định tự sát đã xuất hiện trong thời gian dài. Việc "kích hoạt" hành vi có thể do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề về truyền thông.
Với học sinh, khả năng chống đỡ trước tác động từ thông tin bên ngoài khá kém. Các em lại mong muốn thể hiện, bộc lộ bản thân. Khi đang xung đột với bố mẹ, thầy cô hoặc có cảm giác chán chường mà thấy truyền thông liên tục nói đến những vụ việc tự sát thì nhiều khi các em sẽ muốn làm thử làm theo, dù không nghĩ mình sẽ chết hay có ý định muốn chết thật. Nhưng cuối cùng, thử lại thành thật.
Tôi nghĩ quản trị mạng, an ninh mạng cần kiểm soát chặt hơn những thông tin độc hại tương tự tới trẻ vị thành niên. Thông tin, hình ảnh không phù hợp này có thể gây ra phản ứng kích hoạt hành động tương tự, bắt chước của trẻ khác.
Có nên đổ lỗi cho gia đình và nhà trường?
Sau những vụ học sinh tự sát, nhiều người cho rằng chính áp lực học tập hay những lời mắng nhiếc từ cha mẹ, thầy cô là lý do các em lựa chọn giải thoát. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tôi cho rằng nếu đổ lỗi tất cả cho gia đình, thầy cô, nhà trường khá phiến diện. Áp lực có thể ở môi trường nào cũng có, nhiều học sinh cũng trong tình huống tương tự, nhưng tại sao mỗi em lại lựa chọn một hướng giải quyết khác? Như vậy, quyết định tự sát có thể còn do vấn đề từ chính nội tại của học sinh ấy, tức khả năng chấp nhận, khả năng ứng phó, khả năng giải quyết vấn đề của em đó còn kém.
Chúng ta đã nghe thế giới nói rất nhiều đến khái niệm chỉ một thế hệ người trẻ trong xã hội hiện nay, gọi là thế hệ "bông tuyết", tức rất tinh khôi nhưng lại dễ tan ra, nhạy cảm và dễ xúc động. Việc trẻ ứng phó kém có thể liên quan đến một loạt hoạt động giáo dục và sự kỳ vọng của cha mẹ trước đó. Chúng ta cần giáo dục con biết đối mặt với khó khăn, có ý chí vượt qua khó khăn chứ không phải như một "bông tuyết" dễ dàng rơi xuống rồi tan biến.
Như vậy, khi một đứa trẻ có khả năng tải kém, cộng thêm vấn đề tâm lý sẵn có thì áp lực học tập hay những lời mắng mỏ sẽ giống như yếu tố kích thích, làm khởi phát và thúc đẩy hành vi tự sát. Cùng lời nói đó nhưng đặt vào một học sinh có ý chí và sức khỏe tâm thần tốt thì có thể đã không xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Đa số các học sinh tự sát thời gian gần đây đều học lớp 8, lớp 9, ở lứa tuổi dậy thì. Theo ông, vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi này có thể tác động ra sao dẫn tới hành vi đáng tiếc của các em?
- Vị thành niên là lứa tuổi chuyển giao, trẻ sẽ có những thay đổi đột ngột, nhanh chóng về tâm sinh lý. Hệ thần kinh, hệ tuần hoàn đều có sự mất cân đối.
Với hệ thần kinh, chúng ta thấy rất rõ là học sinh cấp 2 hưng phấn rất mạnh nhưng ức chế trong lại kém. Về hệ tuần hoàn, khi trẻ vận động, nhịp tim tăng nhanh nhưng máu lại trung chuyển không kịp dẫn đến thiếu máu cục bộ. Vì vậy, đứa trẻ nhiều lúc bị mệt đột ngột, thậm chí ngất tạm thời. Trẻ cũng dễ bị kích động và phản ứng theo kiểu manh động, tức không kiểm soát được hành vi.
Như vậy, khi không hài lòng, trẻ thường rơi vào trạng thái dễ kích động, dễ xúc động và có thể hành động manh động.
Cách giúp con tăng khả năng chịu đựng với khó khăn
Theo ông, phụ huynh và thầy cô cần làm thế nào để giúp các em "tăng tải", có ý chí tốt, biết cách đối mặt với khó khăn?
- Cha mẹ trước tiên cần tạo điều kiện cho con điều hòa các hoạt động. Nếu trẻ chỉ suốt ngày quanh quẩn với máy tính, điện thoại, game thì rất dễ gặp các vấn đề tâm lý như stress, lo âu, trầm cảm, dần dần sẽ dẫn đến ý muốn tự tử. Một đứa trẻ cần được học, cần những người bạn, cần có thầy cô, cần được sống và hoạt động trong một môi trường thực thay vì thế giới ảo trên game, điện thoại.
Bên cạnh đó, không còn cách nào khác để "tăng tải" là đứa trẻ từ lúc nhỏ đến trưởng thành phải được trải nghiệm, được vấp ngã trong những hoàn cảnh có thể, với những vấn đề có thể. Chúng ta đừng bao giờ hy vọng một con người trở nên dày dặn, trải nghiệm, mạnh mẽ mà trong cuộc đời không bao giờ trải qua khó khăn nào.
Bố mẹ, thầy cô nên làm thế nào khi phát hiện ra trẻ có các dấu hiệu bệnh tâm lý, đặc biệt là ý định tự sát, thưa ông?
- Trước tiên, cha mẹ, thầy cô cần dành thời gian gần gũi với trẻ để lắng nghe, phát hiện vấn đề của trẻ sớm nhất. Những đứa trẻ có ý muốn tự tử thường sẽ biểu hiện rất rõ như suy giảm về hứng thú, suy giảm về giá trị (luôn thấy chán và mệt mỏi, cảm giác không còn tha thiết bất cứ thứ gì hoặc trước đó tính hoạt bát, vui vẻ nhưng bây giờ không hoạt bát nữa). Trẻ cũng bắt đầu quan tâm đến cái chết, hay bàn đến cái chết.
Đặc biệt, trẻ đã từng có tiền sử liên quan đến tuyệt thực, tự tử không thành đều là những trường hợp rất cần quan tâm.
Nguyên tắc là phải ưu tiên bảo vệ tính mạng cho trẻ trong tình huống cấp tính. Nếu thấy vấn đề tâm lý của trẻ nặng nề, có thể cho tạm nghỉ học và đưa đến các chuyên gia tâm lý, các bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ.
Khi con ổn định mới dần thực hiện các giải pháp lâu dài, xem xét tình trạng cấp tính từ đâu phát sinh, sau đó bắt đầu chữa từ căn nguyên đó. Hãy suy nghĩ xem bản thân có ép con quá không, có bắt con học nhiều quá không, có để con được vận động, tập thể dục thể thao không, có giáo dục con ý chí để vượt qua khó khăn không,…
Xin trân trọng cám ơn ông!