Câu chuyện giáo dục:

Những đứa trẻ bị “liên lụy” khi bố mẹ “bất đồng” với nhà trường

(Dân trí) - Vì bất đồng với phụ huynh về học phí, một trường quốc tế buộc thôi học hơn 40 học sinh. Trước đó, có một ông bố từng gây "chấn động" cũng liên quan đến vấn đề tiền bạc trong nhà trường.

Mới đây, vì bất đồng về học phí trong đợt nghỉ dịch Covid-19 với phụ huynh, hệ thống Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc đã ngưng tiếp nhận hơn 40 học sinh, là con của những phụ huynh đã có động thái phản đối chính sách học phí của nhà trường, từ năm học tới.

Hơn 40 học sinh này là con của những ông bố bà mẹ đã lên tiếng phản đối chính sách học phí của trường trong đợt nghỉ dịch. Phụ huynh lên trường phản đối, yêu cầu được đối thoại nhưng sau nhiều lần không tìm được tiếng nói chung, họ quyết định nhờ một bên thứ ba độc lập đứng ra giải quyết đúng sai là tòa án.

Nhưng ngay đang trong giai đoạn phụ huynh nhờ luật sư, làm đơn để gửi ra tòa nhờ phân giải thì bất ngờ họ nhận được cái "án" từ nhà trường: sẽ không tiếp nhận con họ theo học từ năm tới!

Những đứa trẻ bị “liên lụy” khi bố mẹ “bất đồng” với nhà trường - 1

Hơn 40 học sinh Trường Quốc tế Việt Úc bị ngưng tiếp nhận học vì trường bất đồng về học phí với phụ huynh.

Trong khi tranh chấp với phụ huynh chưa phân định đúng sai, trường đã "đánh" vào đối tượng thứ ba chưa có khả năng tự bảo vệ là những đứa trẻ. Những học sinh đang thuộc trách nhiệm giáo dục và cả bảo vệ của nhà trường. Trong đó, có những em theo học ở trường hơn cả chục năm trời, luôn là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. 

Chuyện nào ra chuyện nấy!

Vào năm 2017, ông bố Võ Quốc Bình, có con học tại Trường tiểu học Hòa Bình, TPHCM gây chấn động khi gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ, UBND TPHCM, các ban ngành kiến nghị bỏ "Hội phụ huynh học sinh"

Anh Bình đã từ chối khi Hội phụ huynh ở trường kêu gọi đóng góp những khoản tiền không thuộc trách nhiệm của Hội. Anh không ngại chỉ ra việc lạm thu diễn ra trong trường học núp bóng danh nghĩa Hội phụ huynh, đứng tên Hội phụ huynh đại diện cho nhà trường để thực hiện không ít khoản thu ngoài quy định. 

Khi thông tin về sự việc này, anh Võ Quốc Bình đưa ra yêu cầu bất ngờ: "Không được viết tắt tên tôi, phải viết đầy họ tên".

Những đứa trẻ bị “liên lụy” khi bố mẹ “bất đồng” với nhà trường - 2

Anh Võ Quốc Bình, người lên tiếng phản hối Hội phụ huynh làm "cánh tay nối dài" cho nhà trường cách đây nhiều năm cho biết, con anh đến trường không gặp trở ngại, khó khăn nào vì bố... dám lên tiếng. (Trong ảnh: Anh Võ Quốc Bình trong tổ phát gạo cho người khó khăn vì dịch Covid-19)

Nhiều người ngại ngần, lo lắng con anh Bình đến trường sẽ bị kỳ thị, phân biệt nhưng anh phản bác lại, nói rằng trường học là môi trường giáo dục, không phải là nơi của các thói hư thật xấu, không phải là nơi của các tệ nạn, trù dập. 

"Tôi tin không ai đó có thể “phân biệt” con tôi vì tiếng nói của mình. Tôi tin nhà trường, tin thầy cô đứng trên bục giảng đang mang trọng trách trồng người", anh nói. 

Và thực tế nhiều năm qua, dù có bố là "ông bố quốc dân", không ngại ngần lên tiếng về những bất cập trong trường học, con anh Bình vẫn học tại ngôi trường đó không gặp bất cứ trở ngại nào. Cháu được thầy cô quý mến, chưa kể còn khá "có uy" với bạn bè.

Bản thân anh Bình nếu vấn đề gì của trường chưa ổn, anh vẫn lên tiếng và ủng hộ trong những vấn đề đúng, nên làm. 

Anh Võ Quốc Bình bày tỏ, việc nào phải ra việc đấy. Chuyện phụ huynh phản đối, bất bình về chính sách hay cách giáo dục, học phí... là chuyện của phụ huynh với nhà trường. Còn nhiệm vụ của học sinh là học tốt và hoàn thành các vấn đề liên quan đến học tập, sinh hoạt ở trường.

Đồng ý rằng các hoạt động giáo dục cần có tiền, nhưng đó là trách nhiệm của nhà trường trong sự liên kết với phụ huynh chứ không thể làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Nếu phụ huynh không đóng học phí, nhà trường cần liên lạc với phụ huynh để giải quyết, tạm ngưng dạy học sinh. Còn vì phụ huynh lên tiếng, tranh chấp mà từ chối tiếp nhận học sinh là khó có thể chấp nhận. 

Dân chủ ở trường học phải là dân chủ cả từ tiếng nói của phụ huynh. Nhưng trên thực tế, có nhiều vấn đề bức xúc mà phụ huynh không dám lên tiếng, hoặc lên tiếng thì không dám... lộ diện. Một điều rất vô lý nhưng lại có thật: họ sợ con bị "đì", con bị kỳ thị, phân biệt...  

Như quyết định "buộc thôi học" học sinh của Trường Quốc tế Việt Úc vì trường bất đồng với phụ huynh. Đó không chỉ là "chưa ổn về mặt tình cảm, nhân văn" như lãnh đạo TPHCM chia sẻ mà ở đây, người lớn, lại là những người làm giáo dục đã "chơi không đẹp".

Thiết nghĩ, thứ mất ở đây, không phải là các em mất đi chỗ học mà là mất niềm tin.

Lê Đăng Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm