Lãnh đạo TPHCM: Trường Quốc tế Việt Úc từ chối học sinh là không ổn
(Dân trí) - Vì bất đồng học phí với phụ huynh mà trường Quốc tế Việt Úc ngưng tiếp nhận học sinh là dở, về mặt tình cảm, nhân văn là không ổn.
Đó là trao đổi của ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TPHCM sáng 10/7 về sự việc Trường Quốc tế Việt Úc ngưng tiếp nhận một số học sinh vì phụ huynh phản ứng về học phí trong đợt nghỉ dịch Covid-19.
Ông Dương Anh Đức cho biết đã trao đổi với Sở GD&ĐT TPHCM về sự việc. Vấn đề ở đây, các trường hoạt động quy chế trong luật giáo dục liên quan đến giáo dục tư thục.
Khi phụ huynh cho con theo học, hai bên có hợp đồng dân sự với những điều kiện ràng buộc. Phụ huynh nếu thấy trường làm không đúng thì có thể kiện theo hợp đồng dân sự.
Về phía nhà trường, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, theo ông Đức vì bất đồng học phí với phụ huynh mà trường làm học sinh bị ảnh hưởng là rất dở.
Quan điểm cá nhân của ông, việc trường từ chối tiếp nhận học trò, nhất là ở giai đoạn sắp vào năm học mới, về mặt tình cảm, nhân văn là không ổn.
Ông Đức cho hay, lãnh đạo thành phố bảo vệ quyền lợi cho các em học sinh.
Tuy nhiên, cũng cần xác định, Trường Việt Úc là trường của nhà đầu tư nước ngoài, họ làm việc theo lý, theo hợp đồng. Cái lý của họ, anh cảm thấy không hài lòng với dịch vụ của chúng tôi thì tốt nhất đường ai nấy đi, anh tìm dịch vụ khác làm hài lòng anh hơn. Họ quan tâm vào hợp đồng để làm việc, anh phá vỡ hợp đồng thì tôi có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Xét về hợp đồng dân sự phải xét cả quá trình, một bên cung cấp dịch vụ, một bên sử dụng dịch vụ, có nhiều điều khoản ràng buộc với nhau như thế nào. Cũng cần xem yêu cầu của các phụ huynh trong một quá trình có hợp lý, hợp tình chưa?
Theo Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa, xã hội TPHCM, trong khủng hoảng, mỗi bên cần nhường nhau một chút thì mới tìm được lời giải. Dịch vụ, chi phí trường không thấp, trường hành xử như vậy thì hình ảnh, thương hiệu của trường sẽ bị ảnh hưởng, tác động đến hoạt động kinh doanh.
Còn về phía phụ huynh, liệu có hay không có những đòi hỏi hơi quá đáng thì cũng cần xem lại để sự chừng mực, chứ mình cứ đòi hết sức của mình thì rất khó để giải quyết vấn đề.
Theo ông Đức, một vấn đề cần chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư trên đất Việt Nam là truyền thống của người Việt rất hiếu học, xem trọng việc học. Trong môi trường giáo dục, ngoài vấn đề về lý, rất cần hành xử dựa trên tình cảm, tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau của hai bên.
Trước đó, vào ngày 30/6, phụ huynh của hơn 40 học sinh Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) nhận được thông báo ngưng tiếp nhận con em họ theo học tại trường từ năm học 2020-2021. Đây là hầu hết là những phụ huynh phản đối chính sách học phí của trường trong đợt nghỉ dịch Covid-19.
Theo nhà trường, việc không việc không tìm được tiếng nói chung giữa nhà trường và một nhóm nhỏ phụ huynh trong một thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường dạy và học tại trường. Trường đã cân nhắc việc ngưng tiếp nhận một số học sinh nhằm duy trì trật tự và tiếp tục phát triển một môi trường học tập cho hơn 9.000 học sinh của trường.
Thông báo học phí năm học 2020-2021 của Trường Quốc tế Việt Úc từ lớp 1 đến 12 giao động từ trên 170 - 445 triệu đồng/năm, chưa kể có nhiều khoản khác như phí nhập học, phí giữ chỗ, tiền sách giáo khoa, học cụ, đồng phục, lệ phí các kỳ thi quốc tế, ăn uống, đưa đón.
Lê Đăng Đạt