Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (1996 - 2016):

Những dấu ấn đặc biệt về công tác khuyến học, khuyến tài 20 năm qua

(Dân trí) - Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức đoàn kết, nhất trí, luôn vì lợi ích của những đối tượng đi học mà hoạt động. Trong thời gian qua Hội luôn nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29 – NQ/HNTW của TƯ Đảng (khóa XI), tích cực triển khai có hiệu quả các quyết định về giáo dục của Chính phủ với những thành tích đáng nể.

Những con số ấn tượng sau 20 năm hoạt động khuyến học - khuyến tài:

- 99,23% cấp xã có Hội khuyến học cơ sở.

- 142.661 Chi hội khuyến học và 115.701 Ban Khuyến học.

- 14.557.471 hội viên Hội khuyến học, đạt tỷ lệ so với dân số là 15,88%, vượt chỉ tiêu phát triển là 5,88%.

- 11.038 Trung tâm Học tập cộng đồng.

- 8.427.421 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học.

- 65.200 dòng họ hiếu học

- 60.356 Cộng đồng khuyến học.

- Hơn 4,8 tỷ đồng mà Quỹ Khuyến học của TƯ Hội xây dựng năm 2015.

Qua 20 năm hoạt động, Hội đã phát triển nhanh chóng về số lượng hội viên cũng như về tổ chức Hội. Từ 100.000 hội viên có mặt ở 21 tỉnh, thành phố, đến nay đội ngũ này đã gần 15.000.000 người, sinh hoạt tại mọi địa bàn dân cư trong toàn quốc, tăng gần 150 lần số hội viên lúc ban đầu.

Hội đã phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc qua phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học. Những mô hình hiếu học này là cơ sở để Chính phủ cho xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập như một thành tố cấu thành của mô hình xã hội học tập giai đoạn 2016 – 2020.


Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm trao bằng khen và học bổng cho học sinh dân tộc nghèo hiếu học

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm trao bằng khen và học bổng cho học sinh dân tộc nghèo hiếu học

Trong 20 năm qua, những Chỉ thị của Bộ Chính trị (Chỉ thị 50 – CT/TW ngày 10/9/1999; Chỉ thị 11 – CT/TW ngày 13/4/2007), những Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 29/1999/QĐ – TTg ngày 15/10/1999; Chỉ thị 02/2008/CT-TTg) đã khẳng định phải phát triển rộng rãi phong trào khuyến học, khuyến tài, yêu cầu Hội thực hiện vai trò nòng cốt trong cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy nhân dân học tập suốt đời.

Phong trào khuyến học đã nối tiếp xứng đáng các phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Bình dân học vụ

Phong trào khuyến học đã nối tiếp xứng đáng các phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Bình dân học vụ, Bổ túc văn hóa trong lịch sử cách mạng, là một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển giáo dục nước nhà. Nhà nước đã lấy ngày 2/10 hàng năm làm “Ngày Khuyến học Việt Nam”. Ngày Khuyến học Việt Nam đã thực sự là ngày Hội của nhân dân.

Hội đã cùng Bộ GD&ĐT xây dựng 11.038 Trung tâm học tập cộng đồng một thiees chế giáo dục rất cơ bản dành cho đối tượng chính là người lớn, một điều kiện không thể thiếu được để người dân trong cộng đồng tìm được cơ hội học tập thường xuyên cho mình.


Học sinh vui mừng đi trên Cầu Khuyến học mới khánh thành

Học sinh vui mừng đi trên Cầu Khuyến học mới khánh thành

Quỹ Khuyến học của các cấp Hội đã phát triển nhanh , nhất là từ năm 2011 đến năm 2015. Nếu như năm 2000, Hội coi tổng số tiền vận động được cho các Quỹ Hội ở địa phương đạt con số 1000 tỷ đồng như một sự kiện đặc biệt thì đến nay, theo thống kê cuối năm 2015, tổng số tiền quỹ đã tăng gấp đôi so với năm 2000 (hơn 2.118 tỷ).

Nhân tài Đất Việt là Giải thưởng Khuyến tài có vang lên – một giải thưởng mang tính xã hội cao nhất và lớn nhất về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Việc tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt hàng năm đã được sự quan tâm, ưu ái của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hệ thống báo chí, thông tin và truyền thông của TƯ Hội và Hội địa phương đã phát triển nhanh và đều khắp. TƯ Hội có báo in, báo điện tử, hòm thư điện tử, đặc biệt là Báo Dân trí điện tử (Dantri.com.vn) đã phát triển trên 10 năm, với số lượng bạn đọc hàng ngày rất cao, hiện đã lên tới 24 triệu lượt người truy cập/ngày. Trên thế giới đã có 173 nước có người theo dõi tờ báo. Sang năm 2016, Hội có thêm Kênh Truyền hình HDtv (truyền hình thực tế) và bắt đầu bằng một số hoạt động như xây dựng một số phim chuyên đề, chuẩn bị Bản tin Khuyến học Việt Nam, hỗ trợ học bổng cho một số địa phương.

Ở địa phương, tất cả các tỉnh, thành Hội đều đã có nội san hoặc bản tin khuyến học ra đều kỳ. Nhiều văn phòng của Hội địa phương đã lập Website. Thông tin giữa TƯ Hội với Hội địa phương đã nhanh chóng cập nhật hơn trước.


Lãnh đạo Hội Khuyến học TP.HCM trao giấy khen và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi

Lãnh đạo Hội Khuyến học TP.HCM trao giấy khen và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi

Trở thành Hội có tính đặc thù

Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành Hội có tính đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước. Hội đã xác lập được vị thế của mình bằng những hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội hoạt động không có mục đích tự thân, mà vì sự nghiệp chấn hưng giáo dục, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà.

Có được những thành công trên của Hội là do đội ngũ cán bộ khuyến học từ TƯ tới địa phương bao gồm những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Nhờ đội ngũ ngày trong suốt 20 năm qua phong trào khuyến học không có biểu hiện bị ngưng trệ hay đứt đoạn.

Hội là một tổ chức đoàn kết, nhất trí, luôn vì lợi ích của những đối tượng đi học mà hoạt động. Trong suốt thời gian qua, Hội luôn nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29 – NQ/HNTW của TƯ Đảng (khóa XI), tích cực triển khai có hiệu quả các quyết định về giáo dục của Chính phủ.

Hội đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn và vô tư của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, các cá nhân người Việt và người nước ngoài có sự quan tâm đến sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Sự hợp tác rộng rãi này là yếu tố rất cơ bản đối với việc phát huy tác dụng hoạt động của Hội trong xã hội.

Nhiều khó khăn chưa có giải pháp?

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học vẫn còn gặp những khó khăn vì sự nghiệp giáo dục người lớn, xây dựng xã hội học tập là một vấn đề mang tính chiến lược không chỉ đối với quốc gia, mà còn đối với quốc tế. Sự nghiệp đó đòi hỏi nhiều ở sự nhận thức của cán bộ làm việc trong hệ thống những cơ quan hoạch định chính sách và quản lý phát triển.

Một trong những khó khăn mà Hội gặp phải trong nhiều năm qua là một số lĩnh vực hoạt động để phát triển hệ thống giáo dục người lớn và xây dựng xã hội học tập còn thiếu những chính sách quản lý và phát triển tương ứng.

Trong những năm qua, ở nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác, cấp ủy Đảng vẫn chưa thể hiện được chính kiến của Đảng trong chỉ đạo các Bộ, Ban, Ngành đổi với căn bản và toàn diện giáo dục & đào tạo như trong cơ cấu hệ thống giáo dục hiện không có hệ thống giáo dục người lớn. Trong chiến lược giáo dục chỉ nặng nề về giáo dục phổ thông và giáo dục chính quy, trong phân phối nguồn lực cho giáo dục còn thiếu phần đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ qua giáo dục không chính quy, mà chỉ nói đến nguồn nhân lực.

Hệ thống tổ chức của Hội rất đa dạng, hội viên của Hội ngày càng đông, quy mô hoạt động của Hội ngày càng mở rộng, nhưng biên chế của các Văn phòng Hội các cấp rất hạn hẹp. Do vậy, công tác chỉ đạo, quản lý, đối ngoại, thông tin – tuyên truyền…. của các cáp Hội đều rất khó khăn.

GS.TS Phạm Tất Dong , Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, mấy khó khăn trên là cơ bản, lặp đi lặp lại trong suốt 20 năm qua và hiện nay những khó khăn ấy vẫn chưa có được giải pháp nào khắc phục.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm