Những cô giáo nặng tình với làng Vân

(Dân trí) - Dưới chân đèo Hải Vân, thôn Hòa Vân như một ốc đảo nằm biệt lập với thành phố Đà Nẵng. Trong câu chuyện về cuộc sống chỉ có biển và những nương rẫy cằn cỗi, chúng tôi lắng nghe và cảm nhận trong ánh mắt người dân nơi đây tình cảm trìu mến dành cho những cô giáo ngày ngày lặn lội đường xa mang chữ về làng.

Vượt đèo, băng biển đến trường

 

Mười bảy năm kể từ ngày ngôi trường tiểu học đầu tiên và duy nhất được dựng lên cũng là mười bảy năm cô Hà Thị Thu Oanh gắn bó với ngôi trường và học trò làng Vân.

 

Đường từ nhà đến trường chỉ có thể đi bằng thuyền băng ngang biển hoặc đi bộ men theo đường tàu chạy quanh triền đèo. Mùa nắng, đã hiếm hoi có một chuyến thuyền ra làng Vân để quá giang, còn mùa mưa gió chỉ một đường duy nhất là cuốc bộ. Nên việc sớm mai băng bộ mười mấy cây số đến trường, rồi chiều lại băng bộ mười mấy cây số về nhà là chuyện thường ngày của những cô giáo làng Vân.

 

“Đi riết rồi quen không còn thấy quá vất vả như những ngày đầu mới về trường. Ngày đó dễ nản lắm, nhưng lòng dặn lòng vì các em. Học trò làng Vân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn cùng trang lứa ở địa phương khác. Chỉ có trường lớp là niềm vui. Mà các em tiểu học lại còn quá nhỏ để xa cha mẹ về học nội trú tại trường trong phố” - cô Oanh tâm sự.

 

Tấm lòng đó đã níu cô lại với học trò trường làng suốt 17 năm dù thời gian đăng ký tình nguyện công tác chỉ 5 năm. “Đi bộ mỗi ngày hơn 20 cây số cả đi cả về men theo đường tàu quanh triền đèo chẳng phải chuyện dễ. Nhất là đoạn qua hầm số 14 dài gần 2 cây số không chút ánh sáng lại phải canh chừng tàu chạy vì chỉ có thể đi ngay trên đường ray, bất dĩ phải xuống lề đường bộ hai bên đường ray thì lại đối diện với rắn rết ẩn trong cỏ cây, lau sậy mọc um tùm. Không có ánh sáng biết đường mô mà lần. Rứa mà ngày mưa, ngày nắng các cô vẫn đến lớp.

 

Có hôm lưng đeo giáo án, phía trước ngực, mấy cô còn địu theo con nhỏ. Đàn ông sức dài vai rộng chưa chắc mấy người lại chịu khó được huống chi mấy cô phụ nữ chân yếu tay mềm. Vậy mà, mấy cô... kỳ cựu, cứ đi đi về về. Thiệt tui nể” - anh Đức, Trưởng thôn làng Vân kể chúng tôi nghe về cô Oanh, cô Bảy, cô Lài - những cô giáo làng Vân với sự cảm phục trong giọng nói và ánh lên trong mắt.

 

Những lớp học 3 trong 1

 

Những cô giáo nặng tình với làng Vân  - 1

Cô Nguyễn Thị Bảy ở lại với học trò làng Vân.

Dạy lớp ghép nên các cô phải soạn đến 2, 3 giáo án. Trường làng chỉ vỏn vẹn có ba phòng học với mấy mươi học trò đủ mọi cấp lớp. Cô Hoàng Thị Lài dạy ghép lớp 4 và lớp 5, cô Oanh dạy cả cả ba lớp 1, 2 và 3; còn cô Nguyễn Thị Bảy phụ trách lớp mẫu giáo cũng đã tám năm.

 

Trong phòng học của cô Hoàng Thị Lài, học trò ngồi đối lưng vào nhau. Hai đầu lớp học, hai tấm bảng đen và hai bàn giáo viên nhưng chỉ có một cô giáo luân chuyển. Học trò lớp 4 cặm cụi làm bài tập, cô lại sang giảng bài cho các em lớp 5. Chúng tôi đến vào giờ cô giáo đang dạy thực hành đo khoảng cách trong môn toán học. Học trò thích thú với cuộn thước dây và đếm bước tự đo độ dài mỗi bước chân mình đi để điền vào vở bài tập thực hành.

 

“Dạy lớp ghép vất vả hơn nhưng được lại chúng tôi theo sát các em hơn vì dạy từ lớp dưới lên nên biết rõ năng lực từng em. Đã ra đến đây, chúng tôi không ngại khó chỉ mong các em học giỏi, ngoan. Điều an ủi là trong thời gian qua, các em được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp. Đường đến trường vẫn còn nhiều khó khăn, lo toan nhưng manh áo, tập vở đã tươm tất hơn” - cô Lài chia sẻ.

 

Hoà Vân thân thương

 

Không biết do học trò nghèo khát chữ hay những cô giáo nặng tình với làng Vân mà suốt bao nhiêu năm qua, không một em học sinh nào bỏ lớp. Học xong lớp 5 các em lại đeo đuổi con chữ ra phố học nội trú. Có những học trò của cô Oanh đã đổ đại học, ra trường và có công ăn việc làm. “Mong ước chỉ có vậy. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề giáo” là lời của cô Bảy cũng là mong mỏi một lòng của những cô giáo làng Vân.

 

Cô giáo lớp mẫu giáo, cô Nguyễn Thị Bảy dựng nhà ở lại với làng, hàng tuần chỉ về thăm gia đình một ngày chủ nhật. Mỗi lần ra lớp lại mang theo cuốn truyện tranh, những mảnh giấy, vài tấm xốp để cắt thành những món đồ chơi đầy màu sắc cho học trò trẻ con.

 

Căn nhà của cô Bảy nhìn ra biển, nhỏ bé đơn sơ, chỉ một chiếc giường con, chiếc tivi cũ, mái tôn che trên đầu, nắng xuyên qua những lỗ nhỏ li ti. Vậy mà nghe giọng cô hát giữa những ánh nhìn ngây thơ: “Về làng Vân ta hát bài ca. Chiều nghiêng bóng in trên xóm làng... Em bé thơ chiều về lên rẫy. Từ sáng đến chiều học tập thi đua. Yêu biết bao Hòa Vân thương mến. Vang mãi trong ta tình yêu dạt dào” thấy như bao gian khó, hy sinh nhạt nhòa, chỉ còn tình yêu thiết tha với làng Vân, với những học trò lam lũ nơi đây.

 

Chào làng Vân và những cô giáo thầm lặng hy sinh, gạt qua những lo toan đời thường với bao khó khăn chồng chất để ngày ngày đem con chữ về làng, chúng tôi cũng như những người dân nơi đây, thực sự nể phục tấm lòng cao quý đó.  

Khánh Hiền