Những tiết chào cờ… không còn áp lực thi đua hay "kết tội"
(Dân trí) - Đều đặn hàng tuần, tiết chào cờ liên tục đổi mới với nhiều chủ đề, hình thức khác nhau. Xa rồi cái thời tiết chào cờ là nỗi ám ảnh phê bình, bêu tên như trong suy nghĩ của nhiều học sinh.
Những tiết chào cờ đầu tuần… không áp lực thi đua hay "kết tội"
"Cứ mỗi độ tháng 5 về, hàng triệu trái tim người Việt và bạn bè trên khắp thế giới luôn bồi hồi, tưởng nhớ ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam.
Kể về Bác, hàng trăm hàng ngàn câu truyện cũng không đủ để phác họa một bức chân dung của Người, của một nhân cách lớn mà nhìn vào Bác một nhà báo Xô Viết đã nhận xét "Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai".
Với mong muốn của cô hôm nay, chia sẻ cùng các em như một buổi trò truyện về Bác, chúng ta cùng hồi tưởng lại chân dung một con người, một bậc vĩ nhân, giản dị đến lạ thường", cô giáo Nụ đọc.
Cô giáo Lê Thị Nụ - giáo viên bộ môn lịch sử, Trường THPT Tây Thạnh (TPHCM) - mở đầu buổi chào cờ thứ Hai tuần này với hoạt động kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).
Chất giọng ấm áp, truyền cảm, cô Nụ tiếp tục kể những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sự chăm chú theo dõi của học sinh.
Tạm biệt nỗi ám ảnh… tiết chào cờ
Đều đặn hàng tuần, buổi chào cờ tại Trường THPT Tây Thạnh liên tục đổi mới với nhiều chủ đề, hình thức khác nhau. Xa rồi cái thời chào cờ là nỗi ám ảnh phê bình, bêu tên như trong suy nghĩ của nhiều học sinh.
Thời gian này đã trở thành nơi để thầy trò giao lưu, nơi để nghe những câu chuyện lịch sử, bài học đạo đức... đi sâu vào tâm trí của học sinh.
Trong một giờ chào cờ đầu tuần khác, Đào Thị Anh Thư - học sinh lớp 11B19 - đã cùng câu lạc bộ đọc sách lên ý tưởng, tham gia tổ chức giao lưu cùng một tác giả viết sách với chủ đề "Sách cho tôi, cho bạn".
Anh Thư chia sẻ: "Không còn nhàm chán, nặng nề, nói về thi đua, thành tích hay phê bình mặt chưa tốt, tiết chào cờ được nhà trường tổ chức mới mẻ. Mỗi tuần sẽ có một chủ đề riêng. Chúng em cảm thấy rất vui và háo hức đón chờ".
Những chủ đề sinh hoạt sẽ mang dấu ấn những ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước hay ngày truyền thống của học sinh, sinh viên, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đạo đức lối sống, chấp hành phát luật… Hay là cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, thi "Cuốn sách tôi yêu"…
Giống như Anh Thư, Trần Lê Khánh Ngọc thích thú với mỗi đầu tuần như thế. Không chỉ ngồi nghe một chiều, nữ sinh còn mạnh dạn đặt câu hỏi, trò chuyện cùng khách mời, đồng thời chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân.
Còn Đinh Xuân Thái Huy - học sinh lớp 11A6, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - kể lại, hồi học tiểu học và THCS, việc chào cờ diễn ra khá nặng nề. Ban giám hiệu, đoàn, đội sẽ nhận xét về các hoạt động của tuần trước, xếp hạng lớp rồi phê bình những học sinh vi phạm quy định. Điều này khiến cho các em rất mệt mỏi và áp lực.
Thế nhưng, tại trường học của Thái Huy, từ đầu tháng 4 đến nay, những tiết chào cờ được chào đón nồng nhiệt bằng tràng pháo tay của học sinh.
"Từ việc nêu vi phạm, phê bình đổi thành chia sẻ, tâm sự rất gần gũi giữa thầy hiệu trưởng và học sinh. Em thấy rất thú vị. Điều này tạo gắn kết giữa hiệu trưởng và học sinh", Thái Huy nói.
Vài năm gần đây, nhiều trường học đã biến những buổi "giáo huấn" khô cứng trong giờ sinh hoạt dưới cờ thành hoạt động tập thể vui tươi, bổ ích.
Ông Phạm Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh - thừa nhận từng có thời điểm đầu tuần nào ông cũng lên nhận xét nề nếp. Đứng trên quan sát, bản thân ông nhận thấy học sinh không tiếp nhận được nhiều thông tin mình truyền tải. Việc phê bình cũng chỉ có 5-10 học sinh, trong khi cả ngàn người phải ngồi "chịu trận".
Chính vì thế, hưởng ứng phát động của Bộ GD&ĐT xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, từ nhiều năm nay, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần được đổi mới. Hình thức thực hiện đa dạng, từ hoạt cảnh tới văn nghệ, hỏi đáp…
Để làm được điều này, nhà trường đã thành lập ban ngoại khóa hướng nghiệp trải nghiệm, giáo dục kỹ năng để thiết kế, xây dựng chương trình dưới cờ với nhiều hoạt động phong phú.
Không gian văn hóa trong trường học
Không chỉ giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua sinh hoạt dưới cờ, học sinh còn được học về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về lịch sử dân tộc ngay trong chính ngôi trường của mình.
Tiết học lịch sử của lớp 11B11, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) về phong trào Cần Vương thú vị khi diễn ra tại phòng học không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường.
Trong suốt tiết học, giáo viên lịch sử Hoàng Ngọc Lữ liên tục mở rộng thêm kiến thức về Bác Hồ gắn với từng sự kiện lịch sử.
10 phút trước khi kết thúc, học sinh được chia thành các nhóm sử dụng điện thoại thông minh, quét mã QR trên các bức hình. Với 7 mã quét, các sự kiện lịch sử lần lượt được mở ra, củng cố thêm kiến thức bài học.
Học sinh Nguyễn Thị Diễm Hương chia sẻ: "Trước đây, các tiết học lịch sử thường chỉ diễn ra ở lớp học, đôi khi mới được đến bảo tàng. Thế nhưng trong năm học này, chúng em được học tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay tại trường mà không phải di chuyển xa xôi. Từ đó, việc học cũng trở nên nhẹ nhàng, dễ tiếp thu hơn".
Bà Trần Thị Minh Đức - Phó hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây - cho biết, từ đầu năm học đến nay, hàng trăm tiết học đã được tổ chức tại phòng học Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ngoài lịch sử, các môn như ngữ văn, địa lý, giáo dục công dân, nội dung giáo dục địa phương cũng được tổ chức tại đây, giúp việc đổi mới dạy học và giáo dục tư tưởng cho học sinh trở nên nhẹ nhàng mà đạt hiệu quả cao.
Tại Trường THCS Minh Đức (quận 1) cũng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Cô Trần Thúy An - Hiệu trưởng ví không gian này như những thước phim lịch sử với nhiều chuyên đề, bài viết, bức tranh của giáo viên, học sinh về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều tư liệu, mô hình tái hiện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác và lịch sử của dân tộc.
"Giá trị cốt lõi được nhà trường xây dựng và phổ biến rộng rãi tới giáo viên, học sinh, đó là lòng yêu nước. Nhiều người nghe qua có thể nói tiêu chí nhà trường đưa ra cao siêu, xa vời nhưng trên thực tế không phải vậy. Dạy học sinh yêu nước mỗi ngày từ những điều giản dị", cô An kể.
Nữ hiệu trưởng nhớ mãi kỷ niệm khi đón đoàn lãnh đạo các trường học của Singapore sang thăm, rất nhiều thầy cô nước ngoài tâm đắc với giá trị này và tìm hiểu về cách thức thực hiện.
Theo bà An, có rất nhiều cách để giáo dục chính trị tư tưởng, lòng yêu nước cho học sinh nhưng hiệu quả nhất là giáo dục bằng hoạt động trải nghiệm thực tế. Chẳng hạn như tổ chức thăm nghĩa trang liệt sĩ, chiến khu xưa, các địa điểm lịch sử, trưng bày tranh ảnh, hiện vật lịch sử…
Nội dung: Huyên Nguyễn