Thanh Hóa:

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh núi Cao Sơn

Nguyễn Thùy

(Dân trí) - Để gieo chữ cho học trò vùng cao, giáo viên phải vượt những cung đường nguy hiểm, sống trong thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề, không đường, không điện, không nước, không sóng điện thoại…

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh núi Cao Sơn - 1

Mùa đông, sương mù bao phủ, trong lớp học trên đỉnh Cao Sơn lúc nào ngày cũng như đêm.

Chưa bao giờ có giáo viên nữ

Vượt qua 15km đường đèo, bên là vực sâu bên là vách núi, chúng tôi mới lên được đỉnh Cao Sơn với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển (thuộc xã Lũng Cao) - nơi xa và khó khăn nhất của huyện Bá Thước (Thanh Hóa).

"Cao sơn" - nơi núi cao trùng điệp, những nơi tưởng chừng chỉ dành cho gió lạnh sương mù, nhưng không, ở đó có lớp học, có những người thầy miệt mài cắm bản....

Nằm ở giữa thung lũng quanh năm sương mù bao phủ, điều kiện vô cùng khó khăn và khắc nghiệt nên Trường Phổ thông Cao Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) kể từ khi thành lập đến ngày nay chưa một lần có giáo viên nữ về đây giảng dạy.

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh núi Cao Sơn - 2

Đỉnh Cao Sơn với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển

Thầy giáo Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng nhà trường đón chúng tôi với giọng hồ hởi: “Vài năm nay đã có đường, chứ những năm trước, để đến được Cao Sơn phải mất nửa ngày đi bộ qua quả núi này.

Bởi thế, không ít người ngay ở điểm xuất phát đã nghĩ đến chuyện quay về. Những năm đầu, nơi này, không đường, không điện, không nước, không sóng điện thoại… Rất nhiều thứ chỉ là con số 0.

Vậy nhưng nhiều thầy giáo đã không quản ngại mang chữ đến với học trò. Cho đến giờ, có đường nhưng mạng internet, điện vẫn chưa có, vẫn còn tồn tại vô vàn khó khăn. Hơn 10 năm qua, vẫn còn hai thầy giáo gắn bó ở lại trường”.

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh núi Cao Sơn - 3

Một trong những đoạn đường "cua tay áo" lên đỉnh Cao Sơn.

Vượt qua cung đường dựng đứng, xe máy luôn phải cài cắm số 1, 2 mới hiểu vì sao từ khi là điểm lẻ cho đến lúc thành lập đến nay đã 15 năm, Trường Phổ thông Cao Sơn chưa bao giờ có giáo viên nữ.

Dù có đường, nhưng các thầy vẫn phải chia nhau xuống núi để mang tất cả những gì có thể phục vụ nhu cầu sống như muối vừng, lạc, cá khô… Vì gần như cả tuần mới có thể xuống núi. Nếu vào mùa mưa thì có thể còn lâu hơn.

Thầy Tài cho biết, trường có 116 học sinh với 13 giáo viên. Năm ngoái, huyện tính phương án sáp nhập, sẽ giải thể ngôi trường này nhưng rất may sau đó thì giữ lại. Ai cũng lo lắng nếu giải thể ngôi trường sẽ đồng nghĩa với nhiều học sinh không còn theo được con chữ khi ngôi trường mới ở tận chân núi.

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh núi Cao Sơn - 4

Những căn phòng của các thầy hở trước, hở sau không chống chọi nổi với cái rét tê tái 1-2 độ vào mùa đông.

Về xuôi xin quần áo cho học trò

Đường sá mới chỉ là khó khăn bước đầu, ai đã từng lên với Cao Sơn thì không khỏi nghĩ đến một Sa Pa thứ hai ở xứ Thanh. Vào mùa đông mới nếm trải hết những khắc nghiệt. Dù mới chỉ đầu mùa nhưng cái lạnh đã cứa vào tận da thịt kèm với đó là sương muối.

Những căn phòng các thầy ở dựng bằng những tấm gỗ trống huơ trống hoác càng khiến cái giá rét kinh khủng hơn bao giờ hết.

Nơi này, nước đóng băng qua đêm là chuyện thường, sáng sớm, đun được một ấm nước sôi phải mất hơn tiếng đồng hồ.

“Cứ bảo lạnh dưới 10 độ thì phải cho học sinh nghỉ học, nhưng ở Cao Sơn nếu như vậy thì học sinh nghỉ học cả mùa. Mùa đông trên này, có lúc xuống 0 độ còn 3-4 độ là chuyện bình thường.

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh núi Cao Sơn - 5

Các thầy giáo ở Cao Sơn ngày nào cũng phải đốt sẵn một đống lửa để cho học sinh đến sưởi.

Trên này không có điện, mùa đông sương mù, phòng học ngày cũng như đêm. Chúng tôi phải nói nhiều hơn, còn học sinh chỉ có thể nghe chứ không thể nhìn thấy chữ trên bảng hay trong sách” - thầy Trần Ngọc Hải kể.

Suốt nhiều tháng từ khi chớm đông cho đến hết mùa xuân, các thầy giáo ở Cao Sơn ngày nào cũng phải đốt sẵn một đống lửa để cho học sinh đến sưởi. Nếu không có lửa, học sinh sẽ rét run đến không thể ngồi được.

Ở đây, học sinh đến lớp áo không đủ để mặc, có đứa không có dép đi. Mùa đông đến, các em co ro, run lập cập không nói nên lời, tay chân thì lạnh ngắt, môi tím bầm. Nhiều khi chẳng phải chỉ lên gieo chữ, các thầy trên đỉnh Cao Sơn còn là những nhà từ thiện bởi mỗi lần trở về xuôi lại xin gom quần áo ấm, dép cho học trò.

Đặc biệt, những hôm trời mưa, thầy trò ngồi thu lu một góc vì những phòng học gần như nứt vỡ, dột gần hết.

Bám bản vì sợ học sinh bỏ học

Cũng khó khăn như các thầy trên đỉnh Cao Sơn, nhưng những thầy giáo gieo chữ ở bản Nà Đang (thuộc Trường Tiểu học Lâm Phú, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) còn vất vả hơn ở việc một năm hàng chục lần phải đến tận nhà học sinh để vận động các em trở lại trường.

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh núi Cao Sơn - 6

Thầy Trần Ngọc Hải đã gắn bó với ngôi trường trên đỉnh Cao Sơn này suốt 15 năm kể từ khi trường chỉ là một điểm lẻ với vài tấm gỗ ghép thành phòng học.

Điểm trường Nà Đang có 3 thầy giáo. Tất cả hy vọng tương lai của Nà Đang được gói trọn trong 3 lớp học, trong đó 2 lớp ghép. Trong căn phòng bé không được chục m2, lớp học vỏn vẹn 6 học sinh lớp 1 đang ngọng nghịu đánh vần.

Trường Tiểu học Lâm Phú cách TP Thanh Hóa khoảng 130 km. Trường có 380 học sinh.

Học sinh nơi đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái, vì đường sá xa xôi không thể đến điểm trường chính để học được nên nhà trường phải mở 3 điểm lẻ ở các bản để học sinh đến trường được thuận lợi.

Năm nay, thầy Lương Văn Xuân vất vả hơn với học trò lớp 1 trong chương trình sách mới. “Năm nay không những học sinh mà thầy giáo cũng vất vả gấp bội phần. Đặc biệt, học sinh trên này, tư duy còn hạn chế nên ngày nào cũng phải hướng dẫn các con đến khản cả cổ” - thầy Xuân trải lòng.

Hơn 30 năm công tác, về cắm bản ở Nà Đang đã 8 năm, dù cách điểm trường 12 km, nhưng thầy Xuân ở đây với học trò đến hết tuần mới trở về nhà.

Cứ chiều chủ nhật thầy đến lớp, rồi đến chiều thứ Sáu lại lên con xe máy cọc cạch vượt đường đèo trở về nhà. Điều đáng nói, thầy không về phần do đường sá khó khăn, nhưng phần lớn là vì sợ học trò lại bỏ học.

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh núi Cao Sơn - 7

Thầy Xuân dạy học sinh lớp 1 đánh vần.

“Một năm phải cả chục lần phải đến tận nhà để vận động học trò trở lại lớp. Các dịp như sau nghỉ Tết, nghỉ hè hay mỗi khi trời mưa rét, trong gia đình có đám đình các con lại không đến lớp nữa. Chúng tôi buộc phải ở lại trường để các con không bỏ học” - thầy Xuân nói.

Nà Đang vẫn chưa có sóng điện thoại bởi thế những thầy giáo cắm bản ở đây nếu muốn gọi về phải đi gần chục cây số mới có thể hứng sóng...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm