Nhọc nhằn con chữ nơi lưng trời

(Dân trí) - “Cứ đến mùa rẫy, các em lại tự ý bỏ về phụ giúp gia đình, thầy cô lặn lội trèo non lội suối khuyên bảo học trò đến trường. Các em đa phần có hoàn cảnh khó khăn, phải cuốc bộ 3 giờ đồng hồ qua những núi đèo hiểm trở mới đến được trường…”

Thầy Lê Duy Hữu - Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tâm sự như thế.

 

Gian nan đường đến Trà Vinh

Nhọc nhằn con chữ nơi lưng trời - 1

Cuốc bộ từ sáng tinh mơ, nhưng phải khi nắng lên gắt, các em mới tới được trường
 
Huyện Nam Trà My cách trung tâm tỉnh lị Quảng Nam hơn trăm kilomet. Thế nhưng, từ trung tâm huyện lên đến xã vùng cao Trà Vinh với đoạn đường chừng 20km nhưng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ. Đón chúng tôi là con đường đất đá lởm chởm ngoằn ngoèo, một bên là núi cao, còn một bên là vực sâu thăm thẳm. Chiếc xe U-oát cứ nhảy tưng tưng, lắc lư uốn lượn theo triền núi.

 

“Đây là thời điểm đường sá dễ đi nhất. Chứ găp một cơn mưa thì núi lở chắn ngang đường. Sình lầy trơn trượt, không xe nào dám đi qua đây” - anh tài xế hớn hở!  

 

Xã Trà Vinh là một trong những xã vùng cao của huyện miền núi Nam Trà My. Cư dân ở nơi đây đa phần là dân tộc thiểu số người Cadong, Xê Đăng… Cuộc sống của người dân ở độ cao cách mực nước biển chừng 300m này còn lưu giữ một “nền văn hóa săn bắt hái lượm”, tự cung tự cấp.  

 

Vượt qua những dốc núi dựng đứng, vách đá cheo leo, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với thầy và trò trường phổ thông cơ sở Trà Vinh.

 

Những đứa học trò đi chân trần, mái tóc đỏ hoe khoác trên người là tấm áo vải mong manh dính đầy bụi đang ngây ngô vui đùa giữa cái gió lạnh se lòng.

 

Em Hồ Thị Lượng, học sinh lớp 9/3 của trường có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Là đứa con thứ 3 trong một gia đình Cadong 5 người con. Hằng ngày, Lượng phải lặn lội xuống suối mò tôm bắt cá, rồi lên rẫy hái rau để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Hằng ngày, Lượng phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ vượt qua những quả đồi chênh vênh để đến lớp. Vất vả là vậy, nhưng em vẫn cố gắng học tập và đã đạt danh hiệu học sinh khá liên tục trong nhiều năm.

 

Đoàn công tác xã hội đã trao tặng 450 phần quà gồm: áo ấm, áo thun, quần jean và 100.000 đồng/mỗi phần quà cho các em học sinh ở xã nghèo Trà Vinh. Em Lượng cho biết: “Con rất vui khi được nhận quà ý nghĩa này. Con sẽ đem số tiền này về cho ba mua gạo cho mấy em ăn”.

 

Còn em Hồ Thị Nghiêm, lớp 7/1 do nhà ở xa nên em phải nội trú tại trường. Chiều thứ 6, Nghiêm lặn lội đi bộ về nhà giúp ba mẹ rồi chiều chủ nhật cơm đùm cơm nắm lên trường. “Nhà con đông anh em lắm! Mấy ngày ni, tụi con nghe nói sẽ được nhận quà, con mong nhiều lắm! Con ước mơ sẽ có nhiều đợt phát quà như thế này nữa, để chúng con bớt khó khăn khi đến trường”.

 

Trường phổ thông cơ sở Trà Vinh hiện có 520 học sinh với 3 cấp gồm mẫu giáo, cấp tiểu học và trung học cơ sở. Học sinh đều là con em dân tộc Cadong. Hôm chúng tôi đến thăm, nhiều em không đến lớp được vì bị sốt rét rừng. Nhìn quanh, đám học trò lam lũ, áo phong phanh, nhem nhuốc. Có em còn gói cơm đến trường, tranh thủ giờ giải lao lại lấy ra ăn cầm đói.

                

Thầy cô cũng thắt lưng buộc bụng qua ngày!

 

Ngôi trường nhỏ nằm trên một quả đồi. Nhìn ra trước là bạt ngàn cây xanh, gió vi vu. Bên cạnh ngôi trường được dựng bằng ván gỗ là những dãy nhà nội trú cho giáo viên, học sinh. Thầy cô ở đây đa phần là người từ dưới xuôi như Quế Sơn, Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Có thầy quê tận Quảng Bình, Nghệ An cũng trèo đèo lội suối đến với mảnh đất ở lưng trời này để gieo con chữ.

 

Tôi bước xuống bếp ăn của thầy cô nội trú. Một nồi cơm được vần trên cái bếp bắc kiềng bằng 3 cục gạch đang sôi sùng sục. Thức ăn toàn rau, thêm mớ ốc được lấy từ dưới suối. Có khi, thấy thầy cô cực nhọc, đám học sinh lại kéo nhau đi bắt ốc về tặng thầy cô.

 

Nam Trà My là một huyện miền núi hẻo lánh, đã vậy, xã Trà Vinh này lại càng hun hút hơn. Ở đây không có quán sá, hiếm khi có được con cá, miếng thịt từ xuôi lên nên thực phẩm của thầy cô toàn lương khô và thức ăn tự chế.

 

Việc vận động học sinh ở đây đến lớp cũng lắm gian nan. Đa phần các em có hoàn cảnh khó khăn, lại quen với ba mẹ hàng ngày “vui vầy” trên nương rẫy. Những thầy cô vì vậy phải đến gõ cửa từng nhà để đưa các em đến trường. Có khi, đang học giữa chừng, hay đến vụ mùa thu hoạch, nhiều em bỏ học, tự ý về nhà phụ giúp ba mẹ. Thầy cô lại một phen lặn lội đến khuyên bảo các em đến trường.

 

Nhiều giáo viên trẻ về dạy, lương chỉ mới 700.000 đồng/tháng. Cô Huỳnh Thị Kim Thoa cho biết: “Đồng lương của giáo viên mới ra trường không đủ một chuyến xe ôm về thăm quê. Do đặc thù vị trí địa lý khó khăn, nên nhiều khoản hỗ trợ như tiền trợ cấp ban đầu, tiền tăng tiết… đến rất chậm. Thậm chí, tết Kỷ Sửu 2009, mỗi giáo viên được nhận 100.000 đồng nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy”.

 

Nhiều thầy cô đã gắn cả tuổi thanh xuân của mình với trường lớp nơi đây. Như cô Hoa (giáo viên bộ môn Văn), dù nhà ở thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn) cách trường chỉ hơn 100km thế nhưng, mỗi năm chỉ được về nhà 1 lần. Cô Hoa tính toán, đường từ trường ra huyện không có xe đò nào chạy được nên phải đi xe ôm. Mỗi chuyến đi ra tới huyện với quãng đường 20km nhưng tiền xe là 800.000 đồng. Đó là khi trời nắng, còn trời mưa thì đường sá sạt lở, có khi cả xã bị cô lập trọn vẹn 1 tháng. Cô Hoa cười: “Đi xe ôm ra tới huyện mà cũng bằng tiền một vé máy bay từ Đà Nẵng vào TPHCM”.

 
Nhọc nhằn con chữ nơi lưng trời - 2

Các em học sinh người dân tộc Cadong hân hoan với những bộ đồ mới
 
Ngày 27/2, chi hội Thiện Nhân TPHCM cùng với Công ty PetroSetco Distribution - PSD tiến hành trao 1.000 phần quà cho học sinh nghèo và 100 máy tính xách tay cho học sinh lớp 12 tại tỉnh Quảng Nam với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Mỗi phần quà bao gồm 100.000 đồng và 1 áo ấm, 1 ba lô, 1 áo thun, mũ đội… được trao cho học sinh các trường miền núi của tỉnh Quảng Nam như huyện Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Quế Sơn...  Lần đầu tiên có một đoàn từ thiện đã vượt được con đèo nhiều trắc trở để đến với thầy trò trường phổ thông cơ sở Trà Vinh, có thể gọi không ngoa rằng đó là một kỷ lục.

 

Chúng tôi ra về nhưng hình ảnh nhiều em học trò người dân tộc ở huyện miền núi này đang vất vả để mưu sinh, chỉ mong có một bữa cơm no ấm, chỉ mong được cắp sách đến trường… làm cả đoàn day dứt mãi. Việc gieo chữ ở lưng trời này đang cần lắm sự tiếp sức của những tấm lòng nhân ái!

 

Công Quang