Bạn đọc viết:
Nhìn lại các mùa tuyển sinh đại học: Báo động đỏ!
(Dân trí) - Khoa học, kỹ thuật và công nghệ là nguồn lực cơ bản nhất của sự phát triển, nhưng các khối ngành kỹ thuật của các trường đại học đang tuyển sinh èo uột là một báo động đỏ về nền giáo dục nước nhà.
Gần một thập niên trở lại đây, trong tuyển sinh đại học, ngoài một số trường ĐH khối kỹ thuật thuộc top như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa HN... có điểm chuẩn đầu vào ổn định, ở mức cao thì hầu hết các trường ĐH kỹ thuật khác trên cả nước có điểm đầu vào khá thấp.
Cụ thể: Cùng một khối thi A, A1, B... nhiều ngành như xây dựng, thủy lợi, thủy điện cấp thoát nước, môi trường, kỹ thuật hóa của nhiều trường đại học khối kỹ thuật sức khỏe tuyển sinh 15-18 điểm không có nguồn tuyển. Trong khi mức độ đề thi học sinh trung bình cũng làm được 17-18 điểm ba môn xét đại học.
Điểm chuẩn nhiều ngành kỹ thuật thấp hơn điểm chuẩn các ngành kinh tế, xã hội từ 10-12 điểm.
Có những trường đại học mang danh top, lấy điểm cao chót vót nhưng điểm xét gồm: Điểm học bạ + Toán hoặc Văn bắt buộc + môn tự chọn (thường là GDCD).
Điều gì đang xảy ra với giáo dục đại học?
Nhiều trường đại học một thời lừng lẫy về chất lượng tuyển sinh và đào tạo như Xây dựng, Kiến trúc, Thủy lợi, Nông nghiệp, Giao thông vận tải càng ngày càng khó tuyển sinh. Cho dù mức độ đề thi tuyển sinh có xu hướng ngày càng dễ hơn thì điểm chuẩn đầu vào của các trường này càng ngày càng thấp, tụt lại phía sau rất xa so với các khối ngành kinh tế, xã hội.
Điều gì đang xảy ra với giáo dục đại học Việt Nam?. Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng giáo dục đang đi đúng hướng thị trường. Cái gì cũng có quy luật của nó và điều tất yếu chính là sự gặp nhau của cung và cầu. Tuy nhiên nếu những ai quan tâm đến một nền giáo dục khai sáng sẽ nhận ra nhiều bất cập:
Thứ nhất, việc thiết chế nội dung chương trình học bậc phổ thông chưa hợp lý.
Thứ hai, nền giáo dục quá coi trọng về thi cử và bằng cấp.
Thứ ba, việc đổi mới căn cơ và toàn diện nền giáo dục không được thực hiện bài bản khoa học.
Bên cạnh đó, lâu nay các trường đại học hoặc không được tự chủ, hoặc cho tự chủ một cách nửa vời, dẫn đến các trường đại học mạnh ai người ấy làm.
Quay trở lại với hai lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội: Năm 2017, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT thay đổi hình thức thi theo bài thi tổ hợp môn. Năm đầu tuyển sinh kiểu này, Bộ GD&ĐT phát đi tín hiệu đáng mừng là lượng thí sinh (TS) chọn Ban Khoa học xã hội (KHXH) chiếm tỉ lệ áp đảo. Những môn như Lịch sử, Giáo dục Công dân (GDCD) và Địa lý lâu nay chưa được phụ huynh học sinh quan tâm lúc này đã lên ngôi.
Thống kê tương đối, năm 2002-2014 tỉ lệ chọn môn thi môn Lịch sử chỉ dao động từ 7-8,5%, thì năm 2015-2016, tỉ lệ này có nhích lên chút, từ 15-15,5%, đến năm 2017 tỉ lệ này đã là 43,75%.
Theo thời gian tỉ lệ chọn thi Ban KHXH tăng dần. Điều đáng mừng ngày xưa bắt đầu là nỗi lo cho những ai quan tâm đến tương lai phát triển đất nước.
Nếu như tỉ lệ chọn thi Ban KHXH năm 2017 là 43,75% thì năm 2018 đã là 48%; năm 2019 là 53,38% và năm 2020, 2021 là trên 55%.
Do đặc thù thi cử, rất nhiều em, dù trước đây không xác định lựa chọn các môn xã hội làm môn chính để thi THPT Quốc gia (nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT) nhưng nay vẫn quyết định lựa chọn tổ hợp này để thi.
Khá dễ hiểu là những môn KHXH chỉ cần có tư duy học và nắm vững những kiến thức cơ bản là dễ làm bài hơn các môn thi trong bài thi tổ hợp KHTN vốn có rất nhiều công thức phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ năng tính toán và tư duy liên khối trong chương trình phổ thông
Theo lý giải của ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội luôn ở mức cao là do học sinh ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp trước nên các em có xu hướng chọn bài thi Khoa học xã hội nhiều hơn.
Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, các trường ĐH trên cả nước đã bổ sung thêm nhiều tổ hợp môn xét tuyển nên thí sinh khá thoải mái trong việc chọn ngành, chọn trường.
Ngoài 4 tổ hợp môn truyền thống A, B, C, D nay cả nước đã có trên 150 khối xét tuyển với nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Ngoài việc môn Văn chấm tự luận, người chấm dễ phóng bút cho điểm thì đề thi các môn KHXH dễ kiếm điểm đã đẩy điểm chuẩn các trường lên cao do các trường thường lấy chung một mức điểm cho tất cả các khối. Đó là điều bất hợp lý và gây thiệt thòi cho các em theo đuổi ban KHTN.
Lâu dần ban KHTN bị thí sinh và phụ huynh bỏ ngỏ tạo ra những tín hiệu tiêu cực cho những em muốn cống hiến đam mê sáng tạo trên lĩnh vực KHKT sau này.
Khoa học Tự nhiên đang lép vế dần
Quay trở lại với vấn đề thi phân ban KHTN và KHXH. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của khoa học xã hội (KHXH) đối với sự hình thành và phát triển thể chế của mỗi quốc gia. Bởi Khoa học xã hội gồm những môn học nhân văn, giáo dục phẩm chất con người, truyền động lực và ý chí cho con người, góp sức xây dựng nền tảng phát triển đất nước. Thế nhưng khi KHXH đang lấn át KHTN và toàn bộ những người giỏi tập trung hết vào KHXH và KHTN lép vế thì nền kinh tế đất nước sẽ về đâu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng phát triển nền kinh tế tri thức, hơn bao giờ hết, khoa học, kỹ thuật và công nghệ biểu hiện như là nguồn lực cơ bản nhất, là "chìa khóa"' của sự phát triển xã hội nhưng các khối ngành kỹ thuật của hàng loạt các trường Đại học trên cả nước đang tuyển sinh èo uột là một báo động đỏ về nền giáo dục nước nhà.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ- Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn du học tiếng Anh tại Philippines cho biết: "Những năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào của khối kinh tế, khối KHXH nhân văn cao hơn cả khối sức khỏe và khối kỹ thuật (đang xét mức điểm chung của cùng khối xét tuyển) chính là thất bại của giáo dục".
Nhà giáo ưu tú, Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu hiệu trưởng trường THPT chuẩn Quốc gia Vũng Tàu cũng chung nhận định: "Không biết chúng ta sẽ đi về đâu khi điểm đầu vào của khối sức khỏe, khối kỹ thuật càng ngày càng cách xa so với khối xã hội nhân văn. Với một đề thi mức độ học sinh trung bình cũng đạt được 17-18 điểm thì những trường khối kỹ thuật có điểm tuyển sinh đầu vào 15-20 điểm liệu có đào tạo được những nhân tài về khoa học công nghệ giúp ích nước nhà trong cuộc tái thiết và xây dựng đất nước".
Đổi mới toàn diện giáo dục đang là một khẩu hiệu. Nhưng đổi mới mà không dựa vào những luận cứ khoa học sẽ làm giáo dục càng ngày càng lệch hướng. Đào tạo một con người toàn năng, biết và giỏi hết mọi thứ là một sai lầm hết sức nghiêm trọng.
Việc định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ phải bắt đầu từ khi học sinh kết thúc bậc trung học cơ sở. Giảm tải và bớt hàn lâm hóa nội dung chương trình sách giáo khoa là việc cần làm ngay.
Cần tạo điều kiện để các trường đại học khối kỹ thuật tự chủ tuyển sinh, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng dạy và học.
Cần có chính sách cấp học bổng thường xuyên, dài kỳ cho những ngành kỹ thuật đặc thù. Coi trọng và nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra của các ngành khối kỹ thuật thông qua cơ chế đặc thù về tuyển sinh, học bổng và đào tạo là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong chiến lược đào tạo của các trường.
Để thực hiện được điều này, định hướng giáo dục và thi cử ở các cấp học phổ thông là hết sức quan trọng, đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục phải đủ tầm, đủ tâm, dám nghĩ dám làm, dám nhận trách nhiệm.
Phạm Ngọc Luận
Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!