Giải mã hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn năm 2021

(Dân trí) - Nhiều trường hợp 27 điểm (9 điểm/môn) mà vẫn trượt đại học do chỉ tiêu dành cho tuyển dựa trên điểm tốt nghiệp THPT đã giảm mạnh.

Các trường đại học vừa thông báo điểm chuẩn đại học đợt 1 năm 2021 theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Có thể thấy điểm chuẩn vào các ngành của trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay tương đối ổn định, thậm chí một số chương trình đào tạo top trên còn có xu hướng giảm; trong khi đó, nhiều trường đại học điểm chuẩn tăng đột biến. Tại sao vậy?

Dân trí xin giới thiệu bài phân tích về vấn đề này của PGS. Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại sao điểm chuẩn Đại học Bách khoa Hà Nội không tăng?

Theo tinh thần tự chủ đại học, tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là

"Tự chủ đại học rất hay vì các trường đã không còn ngồi yên, và sự năng động trong cạnh tranh sẽ kéo cả hệ thống đi lên!" - PGS. Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.

một trong nhiều phương thức xét tuyển, bên cạnh phương thức xét tuyển thẳng từ học bạ phổ thông, quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, IELTS... hay tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng.

Chính vì vậy, nhiều trường top trên đã có tỷ lệ tuyển thông qua hình thức này, do vậy chỉ còn khoảng 30-50% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của cả trường cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trong bối cảnh đó, từ năm 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành xét tuyển theo cả 3 hình thức: Xét tuyển tài năng (Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Căn cứ kết quả thi chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level, IELTS; Xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn); Xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy; Dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Tuy nhiên năm nay do tác động của dịch Covid-19 nên Bách khoa Hà Nội đã không thể tổ chức bài thi kiểm tra tư duy.

Nếu bỏ bài kiểm tra tư duy, dồn vào tuyển thẳng tài năng, trong khi số hồ sơ vốn đã vượt quá cả chỉ tiêu tuyển sinh của các chương trình hot như IT1-Khoa học Máy tính, IT2-Kỹ thuật Máy tính, IT-E10 Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo... thì rõ ràng cơ hội chỉ dành cho các em học sinh trường chuyên, lớp chọn, các em gia đình có điều kiện để học và thi SAT, ACT, IELTS; trong khi các em thí sinh ở các vùng nông thôn sẽ rất bị thiệt thòi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn này.

Quyết định dồn chỉ tiêu sang cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - chiếm 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh - thay vì chỉ 30-50% như các trường top trên khác cho thấy sự nhân văn của nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh! Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các thí sinh.

Và với việc điểm chuẩn có xu hướng ổn định này, rất nhiều các thí sinh - không phân biệt hoàn cảnh - đã có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo chất lượng cao của Nhà trường.

Không phải điểm chuẩn, mà chất lượng đào tạo mới tạo nên thương hiệu của các cơ sở đào tạo.

Đâu đó đã xuất hiện hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn - một số trường vì muốn điểm tuyển sinh vươn lên phục vụ công tác truyền thông đã đặt điểm chuẩn rất cao. Dẫn tới nhiều trường hợp 27 điểm (9 điểm/môn) mà vẫn trượt đại học do chỉ tiêu dành cho tuyển dựa trên điểm tốt nghiệp THPT đã giảm mạnh. Và rõ ràng người thiệt thòi sẽ là chính các em thí sinh đã lỡ đặt niềm tin vào các trường đó.

Điểm chuẩn thể hiện sự quan tâm và đánh giá của người học về chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục, tuy nhiên, nếu điểm chuẩn "được thiết kế" cho mục đích truyền thông, trong khi không quan tâm đến nâng cao chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ người học thì về lâu dài sẽ lợi bất cập hại, và người thiệt thòi nhất chính là các thí sinh đã đặt niềm tin vào cơ sở giáo dục đó.

Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận một thực tế, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT  được tổ chức nghiêm túc, nhưng rõ ràng các trường, đặc biệt các trường top trên - như Đại học Bách khoa Hà Nội - sẽ dần dần hạn chế sử dụng điểm của kỳ thi này trong xét tuyển, vì ý nghĩa thi tốt nghiệp đã làm giảm tính phân loại năng lực thí sinh.

Chính vì vậy, có lẽ các bậc phụ huynh ngay từ bây giờ nên điều chỉnh mục tiêu học tập và ôn thi cho con em mình, trong đó quan trọng nhất là chú trọng học thực chất ở tất cả các cấp học, và trong điều kiện có thể cũng cần chú trọng tới các chứng chỉ quốc tế, như SAT, ACT, và đặc biệt IELTS, TOEFL. Sự nhận thức đầy đủ về cơ hội, và sự chuẩn bị chu đáo sẽ đem lại lợi thế cho mỗi thí sinh trước ngưỡng cửa đại học.

Giải mã hiện tượng lạm phát điểm chuẩn năm 2021 - 1

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm