Nhiều trò vui ở Hội làng sinh viên Hacinco

(Dân trí) - Sáng 10/10, Hội làng sinh viên Hacinco chính thức khai hội với sự tham dự của đông đảo các bạn trẻ. Nhiều hoạt động văn hoá truyền thống mừng lễ hội đã diễn ra như múa lân, kéo co, bịt mắt bắt dê, bán hàng, đá bóng, ca hát…

Qua 8 năm hoạt động, Làng sinh viên Hacinco đã đón tiếp hơn 16.000 lượt sinh viên đến từ 99 trường đại học trên địa bàn Hà Nội tới ở, trong đó có trên 2.000 lượt sinh viên nước ngoài. Hiện tại, làng có 325 căn hộ, 484 phòng ở và gần 3.000 sinh viên đang ở và học tập.  

Hội làng sinh viên Hacinco là một nét đẹp riêng và độc đáo mang lại giá trị tinh thần cho sinh viên trong làng nhằm tạo môi trường lành mạnh để sinh viên tránh xa các tệ nạn xã hội.  

Nhiều trò vui ở Hội làng sinh viên Hacinco - 1

Một góc của Hội làng sinh viên Hacinco 2009

Sinh viên Trần Thị Hà, ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn cho biết: “Đây là năm thứ 2 chúng em được tham gia Hội làng. Để tham dự ngày hội này, chúng em đã chuẩn bị hàng tuần để thiết kế gian hàng của mình đậm chất truyền thống như cây chuối, lá cọ, món ốc luộc với nước chấm tuyệt ngon và trang phục tứ thân để mang lại nét đẹp xưa cho Hội làng”. 

Hội làng diễn ra rất sôi nổi, ngoài 44 gian hàng trưng bày các sản phẩm còn có môn thi chạy cầu thang với 50 vận động viên tham gia, 60 tiết mục văn nghệ... Đặc biệt, cuộc thi về căn hộ văn hoá, sinh viên văn hoá đã có 53 tập thể căn hộ sinh viên và 53 sinh viên đăng ký tham gia. Ban tổ chức đã bình chọn được 8 sinh viên đạt tiêu chuẩn sinh viên văn hoá và 11 tập thể đạt tiêu chuẩn căn hộ văn hoá.   

Tưng bừng trong không khí ngày hội, nhưng mọi người tham dự Hội làng đã không quên góp tay chung sức ủng hộ đồng bào lũ lụt miền trung, bước đầu Ban tổ chức đã nhận được số tiền ủng hộ 28 triệu đồng. Ngoài ra, sinh viên đã vận động ủng hộ 25 thùng quần áo, giày dép cho Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em.

Cũng trong dịp tổ chức Hội làng, Ban lãnh đạo làng đã kêu gọi nhiều cơ quan, đơn vị hiện đang làm việc tại làng sinh viên và các đơn vị đối tác hỗ trợ các sinh viên nghèo vượt khó của làng.  

Hồng Hạnh