Nhiều tỉnh, thành dự kiến chấm thi tốt nghiệp THPT xong vào ngày 17/7
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa đi kiểm tra công tác chấm thi tại Hội đồng thi 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.
Nghệ An dự kiến hoàn thành chấm thi vào 17/7; Hà Tĩnh 22/7
Tại 2 địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác đã kiểm tra khu vực làm phách bài thi, khu vực chấm thi tự luận, khu vực chấm thi trắc nghiệm và làm việc với Ban chấm thi các địa phương.
Theo báo cáo của Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh, kỳ thi năm nay toàn tỉnh có 17.371 thí sinh dự thi, với 35 điểm thi và 751 phòng thi. Sau khi hoàn thành công tác coi thi, từ ngày 9/7, Hội đồng thi bắt đầu tổ chức làm phách bài thi tự luận. Ban làm phách gồm 28 người. Phương thức làm phách được thực hiện một vòng. Việc bố trí khu vực làm phách và chấm thi được đảm bảo 2 vòng cách biệt, trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác làm phách bài thi đảm bảo an toàn, bảo mật.
Ban chấm thi tự luận gồm 172 người, bố trí tại 8 phòng chấm và bắt đầu làm nhiệm vụ từ ngày 11/7. Ban chấm thi trắc nghiệm gồm 27 người, bắt đầu tổ chức chấm thi từ ngày 9/7. Đến thời điểm hiện tại, bài thi tự luận đã hoàn thành chấm vòng 1 đối với 136 túi/577 túi chứa bài thi. Hà Tĩnh dự kiến ngày 22/7 sẽ hoàn thành công tác chấm thi.
Còn tại tỉnh Nghệ An, với số lượng thí sinh dự thi đông (36.743 thí sinh) và số lượng bài thi lớn, nên địa phương này đã huy động 324 giáo viên tham gia Ban chấm thi tự luận, trong đó có 280 cán bộ chấm thi, 24 cán bộ chấm kiểm tra. Tổng số cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm là 41 người. Hội đồng thi Nghệ An đặt kế hoạch sẽ hoàn thành việc chấm thi vào ngày 17/7.
Trao đổi về tiến độ và quy trình chấm thi môn tự luận, cô giáo Phạm Thị Thu Hường, Phó Trưởng ban phụ trách chấm thi tự luận của Hội đồng thi tỉnh Nghệ An cho biết: Việc chấm thi được thực hiện theo đúng quy trình vòng 1, vòng 2, chấm kiểm tra và ghép điểm cho thí sinh. Qua 4 ngày chấm thi, có gần 2% bài thi được đề xuất chấm kiểm tra, trong số này không có bài thi nào phải thực hiện chấm chung.
"Điều này cho thấy, tỷ lệ bài thi có chênh lệch điểm không cao và điểm chênh lệch giữa các giám khảo chấm thi trong giới hạn cho phép", cô Hường nói, đồng thời cũng khẳng định, hướng dẫn chấm thi và biểu điểm của Bộ GDĐT tường minh, rõ ràng đã tạo thuận lợi cho việc chấm thi.
Kiểm tra và trò chuyện với giáo viên tại các Ban chấm thi của hai Hội đồng thi Hà Tĩnh và Nghệ An, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tới các từ khóa chính xác, khách quan, công bằng và mong muốn, giáo viên sẽ không chịu áp lực nào khác khi chấm thi, ngoài áp lực chấm đúng để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
Chia sẻ với Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, các giám khảo cho biết, với việc được tập huấn, quán triệt kỹ quy chế, quy trình chấm thi nên trong quá trình làm việc không gặp băn khoăn, vướng mắc hay áp lực. Bên cạnh đó, đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm thi môn tự luận của Bộ GDĐT rõ ràng, khoa học, dễ hiểu đã tạo thuận lợi cho giám khảo.
"Chấm đúng, chính xác, công bằng, khách quan"
Trao đổi tại các cuộc làm việc với các Ban chấm thi thuộc Hội đồng thi tỉnh Hà Tĩnh và Hội đồng thi tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ chấm thi của hai địa phương.
Thứ trưởng cho rằng, công tác chấm thi được hai địa phương tổ chức bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc, tiến độ chấm cơ bản đảm bảo yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an ninh, an toànđược thực hiện đúng quy chế.
Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo thống nhất là chấm đúng, chính xác, công bằng khách quan, phản ánh đúng năng lực của thí sinh, Thứ trưởng lưu ý các Hội đồng thi, Ban chấm thi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dẫn tới sai sót không đáng có.
Qua kiểm tra, theo Thứ trưởng, điểm bài thi tự luận vẫn có độ chênh lệch, do đó, cần tiếp tục quán triệt cán bộ chấm thi về quy chế, hướng dẫn chấm và phải tăng cường chấm kiểm tra. "Cần đảm bảo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập và có sự thống nhất điểm. Việc thống nhất điểm cũng phải được kiểm soát, bởi nếu lúc thống nhất điểm hai giám khảo thỏa hiệp thì đến khi phúc khảo có thể sẽ phức tạp", Thứ tưởng nói.
Riêng về việc tăng cường chấm kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý, ngoài 5% theo yêu cầu, có thể tăng thêm số lượng bài chấm kiểm tra, trong đó lựa chọn những bài điểm cao, hoặc bài điểm thấp để chấm kiểm tra.
"Chấm kiểm tra không phải là chấm thay, làm hộ việc của giám khảo vòng 1, vòng 2, mà chính là giúp thầy cô chấm các vòng trước khẳng định, bảo vệ kết quả chấm của mình, chứng minh ban chấm thi thực hiện tốt nhiệm vụ; đồng thời trả lại điểm số đúng cho bài thi nếu có chênh lệch, đảm bảo công bằng cho thí sinh", lưu ý vấn đề này, Thứ trưởng đồng thời đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có cơ chế giám sát lẫn nhau giữa từng vòng chấm.
"Tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh nhưng phải đúng quy chế. Công tác chấm thi cần đảm bảo tiến độ, kèm theo chất lượng. Nhanh nhưng không vội. Không vì hoàn thành nhanh mà chúng ta lơ là, chủ quan, bỏ qua bất kỳ khâu nào dẫn đến những sai sót không đáng có, làm ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để tránh thiệt thòi cho thí sinh, Thứ trưởng lưu ý giáo viên cẩn trọng ở khâu cộng điểm để không cộng sót điểm. Ngoài ra, các Ban chấm thi cũng cần tăng cường bảo mật thông tin về nội dung bài thi, kết quả thi của thí sinh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, Thứ trưởng đề nghị Hội đồng thi 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho công tác chấm thi.