Nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thống kê sơ bộ văn bản các địa phương gửi đến Bộ, nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong khi đó các trường đại học muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình.

Đến thời điểm này, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Ghi nhận của PV Dân trí, một số Sở GD&ĐT ủng hộ việc tách hai kì thi nhưng một số địa phương ủng hộ phương án giữ nguyên kì thi THPT quốc gia nhưng thay đổi một số chi tiết sao cho hợp lý.

Giao kì thi THPT cho Sở GD&ĐT

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, trong bản đề xuất gửi đến Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT địa phương này đề xuất tách riêng hai kì thi THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Trong đó, kì thi tốt nghiệp THPT nên giao cho Sở GD&ĐT chủ trì. Còn kì thi xét tuyển ĐH, CĐ giao cho các trường tự thực hiện.

Ông Vinh lý giải, việc chúng ta nhập hai kì thi làm một như trước đây nhằm giảm chi phí và đỡ cồng kềnh nhưng để chọn được thí sinh vào ĐH, hiện tại mỗi đơn vị đều phải có mỗi cách xét tuyển riêng để chọn học sinh vào trường mình. Trường chọn xét từ ngang điểm sàn, trường tổ chức thi thêm năng khiếu, trường đưa ra tiêu chí phụ... Tính ra, có 7- 8 hình thức tuyển sinh.

Như vậy, cơ bản tính chất của hai kì thi này khác nhau nên không thể gộp chung vào làm một. Ngoài ra, theo Luật Giáo dục, cuối cấp học phổ thông, bắt buộc phải có một kì thi để cấp bằng và một kì thi ĐH. Như vậy, theo ông Vinh, việc tách hai kì thi là phù hợp. Và đề thi có thể thống nhất chung toàn quốc, các Sở GD&ĐT tự in sao đề thi.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại Hà Nội (ảnh: Mỹ Hà)
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại Hà Nội (ảnh: Mỹ Hà)

Trả lời câu hỏi, việc để địa phương tự tổ chức thi, tự chấm, kết quả đương nhiên 100% đỗ? Ông Vinh cho rằng, địa phương nào chạy theo thành tích thì sẽ “chết” và không ai dại gì làm điều này bởi tỉ lệ học sinh đỗ ĐH ở các tỉnh sẽ nói lên tất cả.

“Nên học hỏi cách làm của các nước phát triển. Hiện ở nhiều nước, các trường THPT tự tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và Hiệu trưởng tự kí bằng tốt nghiệp. Ở ta hiện nay, các Giám đốc Sở GD&ĐT vẫn đang kí bằng tốt nghiệp cho học sinh. Do đó, chúng tôi đề xuất giao kì thi phổ thông cho các Sở GD&ĐT. Còn các trường ĐH, nếu kì thi đánh giá năng lực được làm tốt như Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi tin không có “lò luyện” nào của các trường được mở”, ông Vinh khẳng định.

Mặc dù chưa công bố chi tiết nhưng được biết trong đề xuất gửi đến Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề xuất tách và đưa kì thi tốt nghiệp THPT về cho Sở GD&ĐT các địa phương thực hiện thì tốt hơn.

Đề xuất gộp cụm thi xét tốt nghiệp và xét ĐH

Mặc dù theo thống kê của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương muốn tách hai kì thi. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Dân trí, một số Sở GD&ĐT vẫn có ý kiến muốn giữ nguyên kì thi THPT quốc gia như hiện nay nhưng đề xuất thay đổi một số chi tiết cho phù hợp.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết, ngành giáo dục địa phương này đề xuất đẩy lịch thi tuyển sinh ĐH, CĐ sớm, tức vào khoảng 15/6 hàng năm. Nguyên nhân, khi học sinh lớp 12 nghỉ hè xong, nếu để tháng 7 mới thi, các em sẽ chờ đợi quá lâu nhưng không ôn luyện được nhiều. Trong khi thời gian thông báo điểm và nhập học quá muộn sẽ khiến các em cập rập.

Về việc tuyển sinh ĐH- CĐ, theo bà Hằng, địa phương thống nhất giữ nguyên kì thi THPT quốc gia như năm nay. Tuy nhiên, nên thống nhất một cụm thi cho cả việc xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH- CĐ, không tách riêng như hiện nay.

Cùng quan điểm giữ nguyên kì thi THPT quốc gia như năm 2016, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, mỗi phương thức thi đều có những cái hay riêng.

"Việc để địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp, tôi nghĩ có thể làm tốt nhưng để các trường ĐH tự có đề án tự tuyển sinh theo đánh giá năng lực, tôi cho rằng việc này rất tốt nhưng không phải trường nào cũng tự thi đánh giá năng lực được, đặc biệt là các trường ở vùng sâu vùng xa.", ông Lương cho hay.

Vì vậy, theo ông Lương, cơ bản địa phương này đề xuất giữ nguyên kì thi THPT quốc gia như năm nay nhưng cụm thi ĐH nên có từ hai trường trở lên cùng tham gia để khách quan hơn. Như hiện tại, một trường tự tổ chức, tự chấm thi, xem ra không được phù hợp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Sẽ công bố phương án thi vào đầu năm học tới

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thống kê sơ bộ văn bản các địa phương gửi đến Bộ, nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)