Nhiều kiến nghị gửi tới tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ
Bên cạnh đề xuất thành lập một “trại viết sách” để biên soạn sách giáo khoa, ông Nguyễn Đức Vĩnh (trưởng phòng GD-ĐT huyện Anh Sơn, Nghệ An) còn kiến nghị tiếp tục thực hiện Nghị định 115/2010/NĐ – CP của Chính phủ, xem xét lại mô hình giáo dục VNEN, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý cơ quan chuyên môn cấp huyện…
Là một giáo viên phổ thông có thời gian công tác dạy học hơn 10 năm và gần 20 năm làm quản lý giáo dục từ trường đến phòng GD&ĐT, tôi đã chứng kiến biết bao thành quả mà ngành ta mang lại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng thấy được muôn vàn khó khăn, thách thức mà ngành GD vấp phải nhưng chưa được giải quyết. Vì vậy tôi xin mạo muội gửi tới Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vài vấn đề còn tồn tại và đề xuất hướng khắc phục như sau:
Thứ nhất: Công tác quản lý giáo dục chưa được đồng nhất, thông suốt từ Bộ Giáo dục & Đào tạo về đến các cơ sở giáo dục... Khi Nghị định 115/2010/NĐ – CP của Chính phủ ra đời ngành giáo dục đã có bước tiến ngoạn mục, chúng tôi tin rằng nó sẽ mang lại “luồng sinh khí mới cho giáo dục”. Thế nhưng các Thông tư liên tịch ra đời sau đó của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ (gọi tắt là TTLT 47, TTLT 11) lại không đáp ứng được văn bản pháp lý cao nhất của Chính Phủ; mặt khác nhiều địa phương mặc nhiên “níu kéo” về cơ chế cũ làm cho các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương trở nên lúng túng và không thực hiện được.
Nghị định 115/2010/NĐ – CP của Chính phủ (tuy hiện nay chưa được thực hiện nghiêm chỉnh) nhưng không vì thế mà tham mưu thay đổi theo hướng bất lợi. Bộ trưởng hãy kiên trì phối hợp với các ngành, chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện nó, bởi hiện nay đã có Nghị quyết số 29 – NQ/TW làm “giá đỡ tinh thần vững chắc”.
Thứ hai: Về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất và năng lực người học trên nền tảng kiến thức cơ bản (mà Bộ trưởng đã đề cập sau hai ngày nhậm chức), tôi hết sức tâm đắc điều này.
Thực tế vài năm lại nay Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học đang triển khai quyết liệt, có nhiều nội dung sáng tạo, dám thay đổi, bởi vậy mà các trường học dưới sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT đã triển khai nghiêm túc nhưng có phần vẫn lượng lự. Tôi tán thành cao Vụ Giáo dục Trung học đã chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, xây dựng chương trình nhà trường...
Còn đối với mô hình trường học mới ở hai cấp học này (gọi tắt là VNEN), kính đề nghị Bộ trưởng bắt tay vào nghiên cứu và xem xét lại ngay. Mô hình này mới chỉ đáp ứng được việc tổ chức dạy học, học sinh hoạt động tích cực hơn, còn để củng cố kiến thức cơ bản và rèn luyện kỹ năng cho học sinh chúng tôi còn rất băn khoăn. Hình thức đánh giá học sinh theo Thông tư 30 đối với cấp Tiểu học và theo VNEN (kể cả hai cấp) vô hình dung đã “hòa cả làng”, nguy cơ mất động lực phấn đấu của học sinh, phong trào thi đua “Hai tốt” sẽ bị lu mờ.
Thứ ba: Về nội dung chương trình và sách giáo khoa.
Tôi tán thành ý kiến Bộ trưởng đã đề cập cách đây vài hôm. Vấn đề này không nên để xã hội phải bàn tán nhiều. Theo tôi nên thành lập một đội ngũ khoa học đủ mạnh và tuyển chọn giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm rồi thành lập một “trại viết sách” để mọi người cùng tham gia thảo luận cùng viết, không viết sách theo hình thức khoán hoặc theo dự án như lâu nay vẫn làm.
Sách giáo khoa được viết phải kế thừa ưu điểm của sách giáo khoa hiện hành (kể cả bộ sách ấn hành trước năm 2001); chú trọng kiến thức và kỹ năng cơ bản, cắt giảm những phần quá hàn lâm; Học tập kinh nghiệm các nước phát triển mà không rập khuôn; Việc tích hợp các môn học cần vừa phải để giáo viên dễ thực hiện, học sinh dễ học dễ tiếp nhận.
Thứ tư: Về tiêu chuẩn hóa cán bộ quản lý giáo dục.
Tôi rất tán thành thời gian qua Bộ GD-ĐT đã tiêu chuẩn hóa Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên, cán bộ bán chuyên trách, nhân viên... Tuy nhiên lại chưa tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo tại cơ quan chuyên môn phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT.
Bởi vậy, cần có qui định tiêu chuẩn hóa lãnh đạo Phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Chuyên viên công tác tại các Vụ thuộc Bộ GD & ĐT mang tính chuyên môn (Mầm non, Tiểu học, Trung học...) cần được lựa chọn và bổ sung những người từng là giáo viên dạy xuất sắc, cán bộ quản lý giỏi từ các trường học và Sở GD-ĐT.
Thứ năm: Cần nắm bắt kịp thời ý kiến từ các cơ quan quản lý giáo dục địa phương để Bộ trưởng nắm bắt thông tin, kiểm soát tình hình của toàn ngành. Bộ trưởng định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng phải nắm bắt được thông tin từ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các địa phương thông qua hội nghị trực tuyến. Bởi vậy ngoài Sở GD-ĐT thì tại mỗi Quận/Huyện, Bộ trưởng nên đầu tư phòng họp trực tuyến để thuận lợi trong việc tiếp nhận thông tin.
Thứ sáu: Về chế độ chính sách nhà giáo và cán bộ quản lý.
Chế độ chính sách nhà giáo và cán bộ quản lý thời gian qua đã được Đảng và Nhà nước hết sức chăm lo; bởi vậy đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã yên tâm hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong giai đoạn tiếp theo Đảng và Nhà nước cần phải quan tâm, chăm lo tốt hơn vì đây chính là điều kiện cần và đủ để thực hiện thành công, công cuộc “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo”.
Lương và các chế độ phụ cấp nhà giáo, cán bộ quản lý cần nghiên cứu bảo đảm được cuộc sống trung bình, nghĩa là tăng thêm từ 1.3 đến 1.5 lần so với mức lương hiện nay. Ngoài ngân sách Nhà nước phải chăng Chính phủ có chủ trương xã hội hóa từ các doanh nghiệp đã được sử dụng nguồn lao động thông qua các nhà trường, nhà giáo?
Về chế độ thâm niên cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa được thực hiện là sự bất bình đẳng giữa nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Cán bộ quản lý giáo dục cấp phòng, cấp Sở xuất thân từ giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi từ các trường học nhưng lâu nay vẫn chưa được hưởng chế độ thâm niên nên rất thiệt thòi.
Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý là yêu cầu không thể thiếu được. Lâu nay khi gửi bồi dưỡng ở các trung tâm, vì người học không được cọ xát thực tế nên việc bồi dưỡng hiệu quả sẽ không cao.
Việc tổ chức bồi dưỡng phương án tối ưu là tổ chức bồi dưỡng được thực hiện tại chỗ “Dùng người giỏi, kinh nghiệm của địa phương để bồi dưỡng cho đội ngũ mình - Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm” là hiệu quả nhất. (ngoại trừ bồi dưỡng chuẩn hóa hoặc nang cao trình độ).
Kính thưa Bộ trưởng, tôi muốn nói nhiều hơn nữa nhưng còn e ngại... liệu ý kiến của mình có gì chủ quan hay phiến diện không? vả lại Bộ trưởng còn trăm công ngàn việc nên tôi chỉ trao đổi vài vấn đề nêu trên. Nếu ý kiến trên chưa đúng cũng chỉ vì khả năng của bản thân còn hạn chế nhưng tất cả đều xuất phát từ mong muốn sự phát triển bền vững của ngành giáo dục.
Cuối cùng tôi chân thành kính chúc Bộ trưởng dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển một tầm cao mới./.
Nguyễn Đức Vĩnh
Trưởng phòng GD & ĐT Anh Sơn (Nghệ An)