Nhiều giáo sư trợ giảng tại Mỹ có mức lương không đủ sống

(Dân trí) - Nền giáo dục Mỹ đang chứng kiến một thực trạng đáng buồn khi lương của những hiệu trưởng của cả trường công lẫn trường tư đều đang tăng lên thì nhiều giáo sư trợ giảng lại phải đối mặt với tình cảnh lương không đủ trang trải cuộc sống thường ngày.

Nhiều giáo sư trợ giảng tại Mỹ có mức lương không đủ sống - 1

Theo báo cáo được công bố gần đây trên trang mạng Chronicle of Higher Education, vào thời điểm năm 2013, hiệu trưởng của một trường đại học tư có mức thu nhập bình quân hàng năm là gần 440.000 USD. Trong đó, có 32 hiệu trưởng hưởng mức lương trên 1 triệu USD một năm. Không chỉ các hiệu trưởng trường đại học tư mới được hưởng mức lương cao như vậy, ngay cả những hiệu trưởng của các trường công lập cũng không chịu kém cạnh khi mức lương bình quân cho nhóm đối tượng này rơi vào khoảng 428.000 USD/năm.

Lý giải cho mức lương khủng này, báo cáo chỉ ra rằng hội đồng quản trị trường đại học cho rằng hiệu trưởng cũng như một người điều hành doanh nghiệp và họ sẵn sàng trả lương cao theo giá thị trường để giữ chân những hiệu trưởng xuất sắc.

Tuy nhiên, điều này cũng đã chỉ ra một thực trạng trong nền giáo dục của Mỹ khi không giống như những hiệu trưởng được sở hữu mức lương đáng mơ ước thì các giáo sư trợ giảng, những giáo sư làm việc bán thời gian không chính thức và chiếm số lượng lớn tại các trường đại học, phần lớn đều rơi vào tình trạng tiền lương không đủ sống.

Nhiều giáo sư trợ giảng tại Mỹ có mức lương không đủ sống - 2

Theo báo cáo, cũng theo các số liệu thống kê vào năm 2013, số giáo sư trợ giảng chiếm tới 75% tổng số giáo sư tại các trường đại học của Mỹ với mức lương dao động từ 20.000 đến 25.000 USD, thấp hơn khoảng gần 20 lần so với mức lương trung bình của một hiệu trưởng.

Ngoài ra, tính trong năm 2015, có hơn 25% số giáo sư trợ giảng và gia đình họ có tên trong danh sách của chương trình hỗ trợ cộng đồng về dịch vụ y tế và thực phẩm. Phần lớn những giáo sư trợ giảng này đều phải kiếm thêm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

“Mỗi ngày tôi đều phải sống 2 cuộc sống khác nhau và nó thật là mệt mỏi. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho học sinh của mình nhưng lại không thể vì phải đi làm thêm để đủ tiền sinh hoạt”, Lee Hall, một giáo viên trợ giảng cho biết.

Đương nhiên, hầu hết những giáo sư trợ giảng đều mong muốn một công việc chính thức thay vì làm bán thời gian song chỉ một số ít được ký hợp đồng chính thức

“Tôi từng nghĩ, quãng thời gian cống hiến cho trường sẽ được đền đáp bằng một hợp đồng lao động chính thức. Tôi đã lầm và lẽ ra nên nhận thấy sự thật sớm hơn. Tôi không thể tiếp tục công việc với mức lương rẻ mạt mà không có thêm bất cứ lợi ích nào. Đây rõ ràng là khoản thu nhập không đủ sống”, cựu giáo sư trợ giảng Dana Biscotti Myskowski cho biết.

Nhiều giáo sư trợ giảng tại Mỹ có mức lương không đủ sống - 3

Báo cáo trên cũng chỉ ra một điều đáng chú ý là những trường đại học tư trả lương cho hiệu trưởng cao nhất là những trường có số giảng viên trợ giảng nhiều nhất. Theo đó, 3 trường đại học là Đại học Columbia, Đại học New York và Đại học New School là những trường có % số giáo sư trợ giảng cao nhất lần lượt là 60, 79 và 91%. Và tất nhiên, hiệu trưởng của những trường này đều nằm trong top những hiệu trưởng nhận lương hậu hĩnh nhất với trên 1 triệu USD/năm.

Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ (AAUP) nhận định xu hướng này sẽ còn kéo dài đồng thời cho rằng việc tăng lương cho các giáo sư trợ giảng cần phải là ưu tiên hàng đầu của các trường đại học bởi đây là lực lượng tham gia trực tiếp vào công tác giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ chính của trường đại học là giảng dạy và nghiên cứu.

Ninh Nhật (Theo Chronicle of Higher Education)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm