TPHCM:

Nhiều dự kiến về các phương án tiến tới kỳ thi quốc gia ngay năm 2015

(Dân trí) - Không “bàn lùi”, nhiều đại biểu đến từ các trường ĐH phía Nam tham dự buổi tọa đàm về phương án tuyển sinh ĐH-CĐ tại ĐH Quốc gia TPHCM ngày 27/8 đều đưa ra các giải pháp, phương án cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia tốt nhất.

PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐH Quốc gia (ĐHQG) TPHCM cho biết quyết tâm đổi mới thi cử và tiến tới một kỳ thi chung đã nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của Chính phủ. Trước mắt trong năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia chung để đánh giá trình độ phổ thông. Sau đó, dựa vào kết quả của kỳ thi này, các trường ĐH sẽ công bố mức điểm xét tuyển.

Nhiều dự kiến về các phương án tiến tới kỳ thi quốc gia ngay năm 2015
PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng quyết tâm đổi mới thi cử và tiến tới một kỳ thi quốc gia chung nhận được sự đồng thuận của Chính phủ.

Không “bàn lùi” nhưng PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM chia sẻ rằng “giáo dục cần sự ổn định”. Điều đáng buồn là trong khi ở các nước việc thi cử đều ổn định mấy chục năm còn ở ta 10 năm trước thì bắt đầu “3 chung”, trước đó chúng ta bỏ mô hình cũ và giờ lại bắt đầu một cách mới nữa. Tuy vậy, TS Võ Văn Sen nhìn nhận rằng tình thế hiện nay không thể không tiến tới một kỳ thi quốc gia chung. Hiện nay nhiều nước coi trọng và tin cậy kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH của Việt Nam. Do đó, phải tính làm sao kỳ thi chung quốc gia sắp tới phải kế thừa được những gì hiệu quả kỳ thi tuyển sinh ĐH trong suốt thời gian qua để tổ chức một kỳ thi thật nghiêm túc.

Theo ông Sen nhận định thì khó nhất vẫn là khâu ra đề, làm sao phải đáp ứng được cả hai mục đích vừa đánh giá tốt nghiệp THPT vừa xét được năng lực để vào ĐH. “Nếu khó như đề thi ĐH hiện nay để rồi không có học sinh tốt nghiệp THPT cũng “dở”, đồng thời không phân hóa được người giỏi vào ĐH thì cũng “thất bại”.Vì thế chuyện này cần thử nghiệm trong phạm vi hẹp trước khi triển khai đại trà”, PGS.TS Võ Văn Sen nói.

Ông Sen cũng tán đồng phương hướng thừa kế việc thi theo cụm giống như kỳ thi ĐH hiện nay chứ không thể đưa về địa phương. Nếu đưa về địa phương thì với một kỳ thì ảnh hưởng đến số phận của một con người thì không thể ngăn được tiêu cực.

Còn TS Trần Ngọc Hội - Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho rằng nếu muốn dùng một kỳ thi mà đánh giá kết quả THPT vừa xét đầu vào ĐH thì phổ điểm phải mở rộng hơn nữa chứ không thể theo như thang điểm cũ.  

“Tôi băn khoăn là nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất mà theo khuynh hướng đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao thì sẽ dẫn đến tình trạng các trường sẽ tổ chức một kỳ thi ĐH riêng cho mình và tương đồng là quay lại như cách thức cũ. Bộ GD-ĐT phải tổ chức một kỳ thi quốc gia nhưng phải nâng cao, được cải tiến về chất so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay để làm sao các trường có thể dựa vào kết quả đó để xét vào ĐH. Nếu có kiểm tra bổ sung thì cũng tổ chức nhẹ nhàng” - ông Hội ý kiến.

Nhiều phương án của các trường để có kỳ thi nghiêm túc. (Ảnh minh họa)
Nhiều phương án của các trường để có kỳ thi nghiêm túc. (Ảnh minh họa)

Đồng thời ông Hội cho rằng hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau, tốt nghiệp THPT muốn đậu nhiều nhưng thi ĐH thì hạn chế. Theo ông Hội, khi xét tốt nghiệp THPT cần xét thêm kết quả học tập học bạ trong suốt quá trình học.  Do đó, ông đề xuất rằng “hiện nay, học sinh học cả quá trình mười mấy năm nhưng khi thi tốt nghiệp THPT chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi này thì chưa hợp lý. Nên kết hợp hai tiêu chí trên mới có thể đạt được hai mục đích của một kỳ thi quốc gia”.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ kinh nghiệm qua đợt tuyển sinh riêng của nhà trường vừa qua cho thấy thực tế kết quả trong học bạ phần nào phản ánh được năng lực học sinh. Đối với bốn ngành tuyển sinh riêng, điểm xét tuyển theo học bạ ba môn toán, lý, hóa hoặc toán, lý, tiếng Anh có ba ngành lấy 27 điểm. Sau khi thí sinh trúng tuyển, nhà trường có liên lạc với thí sinh thì được biết hầu hết các em này đều thi đậu ĐH.

Với kinh nghiệm đó, nhà trường dự kiến năm tới đây, sẽ tuyển thẳng những học sinh trường chuyên có kết quả học tập 7 điểm trở lên, em nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng khỏi cần thi môn ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng điểm xét thi ĐH cũng chưa nói lên được điều gì. Mỗi năm, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật có từ 400 – 1000 sinh viên “bị đào thải”. Như vậy chứng tỏ năng lực về toán, lý, hóa không nói lên được điều gì vì khi vào môi trường khoa học công nghệ, kỹ thuật nhiều sinh viên không thích ứng được nên trong những năm tới, tôi nghĩ cách thức tuyển vào ĐH phải thay đổi triệt để. Năm nào tuyển cũng 3 môn, dù toán, lý, hóa có giỏi cũng chưa chắc gì trở thành người kỹ sư giỏi.  Do đó, ông Dũng đề xuất nếu được thì bên cạnh việc dựa vào kết quả kỳ thi chung thì sẽ thêm một kỳ thi kiểm tra năng lực từng em ở những ngành khoa học, công nghệ hoặc xã hội vốn có đặc thù riêng.

TS Trần Phú Vinh - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM, cũng cho biết trường vừa xây dựng đề án tuyển sinh trong năm 2015. Dự kiến nhà trường sẽ thực hiện sơ tuyển theo kết quả học bạ THPT điểm trung bình của ba môn tham gia kỳ thi chung, trong đó có môn toán, sử và ngoại ngữ tính hệ số hai. Qua sơ tuyển học sinh phải đạt 26 điểm mới được dự tuyển vào trường Sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia, thí sinh phải nộp kết quả đó vào Trường ĐH Luật TPHCM để tham gia xét tuyển. Nhà trường lấy tỷ lệ 30% kết quả sơ tuyển và 70% kết quả kỳ thi quốc gia. Trường sẽ sử dụng hai phương thức: sơ tuyển và sau đó xét tuyển.

Ông Vinh lí giải rằng phải sơ tuyển để xác định được những em đạt trung bình khá trở xuống thì không nên thi vào trường ĐH Luật mà có thể nộp trường khác.

PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: hầu hết các trường ĐH ủng hộ phương án một kỳ thi quốc gia sử dụng kết quả để đánh giá tốt nghiệp THPT và đồng thời các trường ĐH dựa vào kết quả này để xét tuyển.

Ông Nghĩa  cũng cho biết những ý kiến đóng góp của các chuyên gia được tập hợp và sẽ gửi Bộ GD-ĐT để hoàn thiện cho phương án chuẩn bị kỳ thi quốc gia. 

Lê Phương