Nhiều địa phương gần 70% học sinh không thi đại học

(Dân trí) - Không riêng Hà Nội, nhiều Sở GD&ĐT phía Bắc cũng cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, các địa phương có tỉ lệ thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng tăng khá cao so với năm ngoái.

70% học sinh không thi đại học

Đấy là con số vừa đưa ra sau khi thống kê tình hình đăng kí dự thi THPT quốc gia của tỉnh Hòa Bình. Theo số lượng học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại 38 trường THPT và 11 trung tâm giáo dục thường xuyên của địa phương này cho thấy, năm nay toàn tỉnh sẽ có khoảng 8.100 thí sinh dự thi. Trong đó, có đến trên 5.600 thí sinh đăng ký thi để lấy kết quả công nhận xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ gần 70%), tăng hơn 10% so với năm ngoái.

Số còn lại, các em đăng ký thi vừa để lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Hà Giang: Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Giang, kỳ thi THPT quốc gia 2016 có 1.800 học sinh/ tổng số 6.700 học sinh dự thi với mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Số còn lại chỉ thi để xét tốt nghiệp.

Địa phương này tổ chức hai cụm thi: Cụm thi do trường đại học chủ trì với mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ được đặt tại TP Hà Giang, gồm 3 điểm thi: Trường CĐSP Hà Giang, THPT Chuyên, THCS Minh Khai.

Năm nay, lượng học sinh không đăng kí thi đại học, cao đẳng tăng đột biến (ảnh minh họa)
Năm nay, lượng học sinh không đăng kí thi đại học, cao đẳng tăng đột biến (ảnh minh họa)

Lào Cai: Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 6.038 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016. Trong đó, có 2.839 học sinh đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng và 3.199 học sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT.

Vĩnh Phúc: Năm nay, tỉ lệ thí sinh chỉ xét tốt nghiệp của Vĩnh Phúc tăng so với các năm trước. Nếu năm 2015, tỷ lệ này chỉ là 55% thì năm nay theo khảo sát đã là 69,1%.

Là một trong những tỉnh miền Trung có dân số đông, năm nay, trong số hơn 31.000 thí sinh sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 của Nghệ An, có 12.000 thí sinh chỉ đăng ký dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp (chiếm 40%).

Không cố thi vào ĐH bằng được

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình, là tỉnh miền núi nên học sinh ở đây có nhu cầu học đại học, cao đẳng không nhiều. Vì thế nhiều học sinh chọn thi để xét tốt nghiệp cũng là điều dễ hiểu.

Ở Hà Giang, năm nay, cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Giang chủ trì với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được bố trí tại 11 huyện/thành phố. Theo Sở GD&ĐT địa phương này, mỗi huyện/thành phố có từ 1-2 điểm thi để học sinh không phải di chuyển với khoảng cách lớn đến điểm thi.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, năm nay, Hà Nội cũng có lượng học sinh chỉ đăng kí thi tốt nghiệp cao so với năm ngoái. Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, qua thăm dò nguyện vọng của học sinh lớp 12 về việc dự thi THPT quốc gia, tại nhiều trường THPT, đặc biệt là các trường thuộc vùng sâu, vùng xa, rất nhiều HS chỉ đăng ký dự thi cụm thi địa phương với mục đích xét tốt nghiệp THPT.

Tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố, nhất là các trường ở ngoại thành, số lượng HS đăng ký xét tốt nghiệp THPT chiếm 2/3, chỉ 1/3 số học sinh còn lại đăng ký xét tuyển vào đại học.

Cụ thể, năm học này, lượng thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng cao tăng 11.000 em so với năm ngoái. Điều này do học sinh đã xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai, thay vì cố thi bằng được vào đại học.

Là cán bộ tuyển sinh lâu năm, cô Thu Hường (Trường ĐH Hòa Bình) cho rằng, nếu các em xét thấy khả năng không thể vào được trường đại học, có thể học sinh đó chỉ cần hoàn thành tốt để đỗ tốt nghiệp THPT và rẽ theo con đường khác. Như vậy, vừa đỡ tốn thời gian và chi phí, đồng thời đại học cũng không phải con đường duy nhất để đi đến thành công.

Chị Lê Hạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, năm nay con chị thi THPT quốc gia. Vợ chồng chị không ép con thi vào đại học mà tùy học lực của mình, con trai chị tự chọn một trường Trung cấp phù hợp để vào. Quan điểm của chị cũng cho rằng, không phải học ở đâu, học trường gì mà nên học như thế nào. Học làm sao để khi ra trường có kiến thức vững vàng chứ không đơn thuần chỉ là “mọt sách”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trong kỳ thi THPT sắp tới, để thuận lợi và đỡ tốn kém cho thí sinh trong việc di chuyển đến địa điểm thi, Bộ GD&ĐT khuyến khích các sở GD&ĐT tổ chức cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cùng thi tại cụm thi ĐH trên địa bàn.

Đối với Cục Nhà trường có thể tổ chức cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cùng thi tại cụm thi tốt nghiệp do sở GD&ĐT chủ trì và cụm thi ĐH trên địa bàn nơi thí sinh đóng quân hoặc tổ chức 01 cụm thi tốt nghiệp do Cục Nhà trường chủ trì.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)