Nhiều đại học bỏ kế hoạch thi riêng để xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020

(Dân trí) - Chiều tối ngày 22/4, sau khi Thủ tướng đồng ý phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học đã vội bỏ kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng và lấy kết quả thi tốt nghiệp này để xét tuyển.

Lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển

Tối ngày 22/4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân vội phát đi thông báo, chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển vào đại học chính quy.

Ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, tuy có nhiều biến động nhưng trường cố gắng giữ ổn định đến mức cao nhất về phương thức tuyển sinh để thí sinh yên tâm học và thi.

Trước đó, ngày 14/4, trường ĐH Kinh tế quốc dân thông báo, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do dịch Covid-19 thì nhà trường dự kiến tổ chức thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi.

Cũng trong ngày 22/4,  lãnh đạo Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam đã thông báo hủy bỏ phương án dự kiến thi riêng nhiều đợt thi trên máy tính, tổ chức thi vào tháng 7, 8/2020 và chỉ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT thành phương thức xét tuyển chính của nhà trường.

Ngoài ra, năm 2020, trường ĐH Hàng Hải dự kiến đưa thêm phương án xét tuyển thẳng đối với học sinh tốt nghiệp các trường chuyên thuộc các tỉnh, thành phố.

 Trước đó, trường ĐH Ngoại thương thông báo, trong trường hợp Chính phủ quyết định không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Trường ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi.

Tuy nhiên, chiều tối ngày 22/4, lãnh đạo nhà trường cho biết, đang chờ văn bản chính thức từ Bộ GD-ĐT để cân nhắc việc có tổ chức kỳ thi riêng hay không.

Trường ĐH Thương mại không có kế hoạch tuyển sinh riêng như các trường trên nhưng GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng cho biết, nhà trường sẽ lấy kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, cùng với đó sẽ xác định một số tiêu chí phụ để bổ sung cho xét tuyển.

Nhiều đại học bỏ kế hoạch thi riêng để xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 - 1

Nhiều trường đại học sẽ lấy kết qủa thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển

ĐH Quốc gia Hà Nội "khôi phục" thi đánh giá năng lực

Chiều ngày 22/4, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chính thức “chốt” phương án tuyển sinh năm 2020 thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực và xét tuyển hồ sơ thí sinh.

Bài thi của ĐHQGHN kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm 2 bài thi bắt buộc: Toán (90 phút) – Bài viết luận (60 phút); Bài tự chọn: Ngoại ngữ (60 phút) Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (60 phút).Thời gian dự kiến tổ chức thi vào cuối tháng 7/2020, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Được biết, trước đây, năm 2015, 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội đã trải nghiệm thực hiện tổ chức thi đánh giá năng lực nhằm sàng lọc, đánh giá năng lực chung của thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh bậc đại học. Lúc đó, ĐHQG Hà Nội đã huy động từ 6.000 đến 7.000 máy tính phục vụ thi.

Đến năm 2017, ĐHQG Hà Nội không tổ chức kỳ riêng này nữa  mà dựa trên kết quả các bài thi THPT quốc gia. Khi Bộ GD&ĐT bỏ kỳ thi THPT quốc gia thì ĐH Quốc gia "khôi phục" lại hình thức thi này.

Trao đổi với Dân trí, GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, tuyển sinh đại học là để phân loại thí sinh có đủ năng lực để theo học ở bậc đại học hay không.

Chính vì vậy, kỳ thi tuyển sinh đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng với các trường đại học. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chất lượng đầu vào là một tham số quan trọng đầu tiên.

GS Đức cho rằng, nếu chúng ta tuyển sinh đại học quá dễ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học và hệ quả như chúng ta đã thấy, nhiều thí sinh đã bỏ học ngay từ năm thứ nhất vì không thể theo học tiếp tục ở những ngành này.

Do đó, muốn tuyển sinh đại học có chất lượng, phải có một kỳ thi/hay bài thi để đánh giá chuẩn kiến thức và năng lực như vậy trên toàn quốc. Sau đó các trường trên cơ sở tự chủ của mình có thể có thêm các yêu cầu khác với thí sinh, tùy theo từng ngành.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm