Nhiều chứng tích khoa học khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

(Dân trí) - “Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của mình trên biển Đông. Đây là điểm mạnh của chúng ta, vượt xa các quốc gia khác”.

Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện NCKH Biển và Hải đảo tại buổi tọa đàm khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) diễn ra ngày 6/6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác và Phát triển bền vững”.

Trao đổi về lịch sử chủ quyền biển, đảo Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐHQGHN cho biết: “Từ năm 1993 đến năm 1999, Viện Khảo cổ học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã nhiều lần tiến hành điều tra và hai lần khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Kết quả khai quật ở 4 đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và điều tra, thám sát trên 6 đảo khác đã phát hiện được các di tích, di vật thuộc thời đại sắt sớm (tương đương với văn hóa Sa Huỳnh muộn - Champa sớm) ở ven biển miền Trung Việt Nam. Đoàn công tác còn tìm thấy trên các đảo này các mảnh gốm sứ từ thế kỷ XIII- XIV, đến thế kỷ XVII-XVIII, là những mảnh hoa văn chìm dưới men, nhũng mảnh trôn bát bôi màu sô cô la cho đến những mảnh vẽ hoa lam muộn. Theo GS Hà Văn Tấn, Chủ nhiệm chương trình thì: “Chúng ta có thể nói rằng đã tìm được những chứng tích khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển của cả cư dân tiền sử Việt Nam cũng như của người Việt Nam trong lịch sử, mặt khác là có được những tư liệu, cũng hiển nhiên, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia”.

“Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để có thể khẳng định trên các đảo thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có người từ thời tiền sử cho đến người Việt Nam trong nhiều thế kỷ liên tục cho đến ngày nay qua lại, làm ăn và cư trú” - GS Ngọc khẳng định.

Giải thích về tên gọi biển Đông của Việt Nam, GS Nguyễn Quang Ngọc cho hay: “Tên gọi Biển Đông của Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ đầu dựng nước, gắn liền với phạm vi đường bờ biển phía Đông của các quốc gia cổ đại đầu tiên và có xu hướng được tích hợp dần vào dòng chảy chủ đạo của lịch sử với công cuộc Nam tiến được mở đầu vào năm 1069, được căn bản hoàn thành vào năm 1757 và được quy về một mối, thống nhất, ổn định, đầy đủ và trọn vẹn với sự ra đời của vương triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX.

Quá trình hình thành, biến đổi và xác lập nội hàm tên gọi Biển Đông phản ánh một cách trung thực lịch sử Việt Nam với tư cách là một quốc gia bán đảo, là hình ảnh cụ thể và sinh động của con người Việt Nam, của các cộng đồng dân cư Việt Nam đứng trước biển, sống cùng biển và chết không rời biển. Tên gọi thật ra cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau, thậm chí chỉ một tên gọi có thể tùy từng điều kiện, từng hoàn cảnh cụ thể mà mang những hàm ý không giống nhau; nhưng tên gọi biển Đông là thành quả của công cuộc dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của Việt Nam, chắc hẳn sẽ không có sự thay đổi dù chỉ trong quan niệm”.
 
Nhiều chứng tích khoa học khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam
Bản đồ do J. L. Taberd vẽ năm 1838, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là "Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Phần chú thích đã được khoanh tròn.

“Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là một nhiệm vụ có tích chất sống còn...”

GS. TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khoa học để chứng minh chủ quyền tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và việc thực thi chủ quyền đó một cách liên tục muộn nhất là từ thế kỷ XVII. Bằng chứng đó còn được khẳng định chắc chắn bởi các tư liệu khách quan của người nước ngoài và bởi chính tư liệu Trung Quốc cho đến đầu thế kỷ XX. Nhiều học giả trong và ngoài nước đã có những phân tích xác đáng và đều nhận định khá thống nhất rằng kiểu cách tập hợp, trích dẫn và giải thích sử liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa không theo các nguyên tắc khoa học mà có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện và giải thích gượng ép. Có thể nói luận lý của các học giả Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo có từ thời Đông Hán là phi lý, phản khoa học”.

Việc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hung hăng tấn công các tầu chấp pháp của Việt Nam cho thấy Trung Quốc đã công khai ý đồ chiến lược độc chiếm biển Đông bất chấp luật pháp và thách thức dư luận quốc tế. GS. TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: ”Đây là hành động vô cùng nguy hiểm không chỉ vi phạm trắng trợn chủquyền Việt Nam mà còn đe dọa ổnđịnh và hòa bình trong khu vực và thế giới”.

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện NCKH Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Khoa Luật ĐHQGHN cho rằng: “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là một nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược đối với Việt Nam không những trong giai đoạn hiện nay mà còn có ý nghĩa lâu dài, có tích chất sống còn. Để thực hiện được nhiệm vụ chiến lược này, cần có những giải pháp mang tính tổng quát để giải quyết một cách toàn diện trên tất cả các mặt trận: pháp lý, chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh - quốc phòng... Trong đó, giải pháp pháp lý được coi là một giải pháp mang tính trọng yếu trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam. Bởi trong khi những giải pháp chạy đua vũ trang hay kinh tế, Việt Nam khó có thể ngang bằng với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc thì Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của mình trên biển Đông. Đây là điểm mạnh của chúng ta, vượt xa các quốc gia khác”.

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ bức xúc nói: “Trung Quốc ngang nhiên đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào hạ đặt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cùng với việc đe dọa sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các cam kết với ASEAN về vấn đề Biển Đông và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.

Thông qua buổi tọa đàm, toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của ĐHQGHN muốn bày tỏ tình cảm và quyết tâm chung sức cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng một nước Việt Nam “mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Trước mắt góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, ĐHQGHN đã trưng bày một số hiện vật, tài liệu và phát hiện mới về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam do đội ngũ cán bộ khoa học của Trường ĐH KHXH & NV, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐHQGHN thực hiện.

Hồng Hạnh