Nhiều bố mẹ sẽ mất con vì để trẻ tự do đắm chìm trong Internet

Mỹ Hà

(Dân trí) - Trẻ em có nhiều môi trường tiếp xúc với Internet nhưng có những bố mẹ gần như mất con vì để trẻ đắm chìm quá sâu vào Internet không kiểm soát.

Chuyên gia tâm lý học đường Tô Thị Hoan đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Dạy con thời công nghệ" ngày 11/4 do Trường Vietschool Pandora tổ chức.

Nhiều bố mẹ chưa bao giờ nói với con về Internet

Theo xu hướng của thời đại 4.0, trẻ sử dụng Internet rất nhiều trong việc học tập, tìm kiếm thông tin, tương tác với bạn bè, thầy cô trên mạng xã hội, các group nhóm, lớp…

Cùng với đó, một khảo sát được thực hiện trên các phụ huynh tham dự hội thảo. Với câu hỏi: "Thời gian hoạt động Internet của bố mẹ trung bình bao nhiêu giờ đồng hồ/ngày", câu trả lời nhiều nhất mà phụ huynh chọn là 10 giờ đồng hồ/ngày.

Với câu hỏi khảo sát: "Lần cuối cùng bố mẹ nói chuyện với con liên quan đến Internet là lúc nào?".

Câu trả lời của phụ huynh đưa ra tại hội thảo khiến nhiều người giật mình. Trong số đó, nhiều người không nhớ đã từng nói với con hay chưa. Có bố mẹ hàng tháng chưa trao đổi, thậm chí chưa bao giờ nói chuyện với con liên quan đến Internet.

Nhiều bố mẹ sẽ mất con vì để trẻ tự do đắm chìm trong Internet - 1

Chuyên gia tâm lý học đường Tô Thị Hoan (Ảnh: D.T). 

Theo chuyên gia tâm lý học đường Tô Thị Hoan, hiện nay chúng ta có thói quen vào mạng Internet bất kì mọi lúc, mọi nơi.

Từ đó, trẻ em cũng có nhiều môi trường tiếp xúc với Internet nhưng có những bố mẹ gần như mất con vì để trẻ đắm chìm quá sâu vào Internet không kiểm soát.

Một thí dụ được chuyên gia này đưa ra, khi thử vào một video giành cho trẻ em có tên Peppa Pig, với hình ảnh đặc trưng chú heo màu hồng, cô rất ngạc nhiên khi càng thâm nhập sâu, cũng với biểu tượng chú heo màu hồng nhưng được dẫn vào các video có nội dung bạo lực hơn video gốc.

"Tôi rất run sợ khi ở video gốc, hình ảnh chú heo rất đáng yêu nhưng càng click để thâm nhập sâu, tôi bắt gặp cảnh chú heo tự cầm dao đâm vào mắt tóe máu, thậm chí tát gãy cổ đối phương khi xảy ra xung đột. Tôi hoảng sợ đến mức không dám xem tiếp. Chúng ta hãy tưởng tượng xem, nếu trẻ em xem những video này sẽ ra sao?", chuyên gia Tô Thị Hoan cho biết.

Câu chuyện chú heo màu hồng đó không phải cá biệt bởi thời gian gần đây, một số trường hợp trẻ em vì bắt chước các trò chơi hoặc video "bẩn" trên mạng như Cá voi xanh, hay Momo…, trên Internet đã gây ra những cái chết đau lòng.

Vụ việc bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh nguy kịch vì bắt chước trò chơi treo cổ trên Internet cho thấy, những rủi ro trên môi trường này rất khó lường.

Các clip xúi giục, hành hạ thân thể hay tự sát trên mạng không phải là mới nhưng vô cùng nguy hiểm cho trẻ em- đối tượng sử dụng công nghệ rất nhiều, dễ bị tổn thương khi chưa có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân.

Nhiều bố mẹ sẽ mất con vì để trẻ tự do đắm chìm trong Internet - 2

Trẻ luôn phải hỏi ý kiến người lớn khi sử dụng Internet (Ảnh: Minh họa). 

4 nguyên tắc để trẻ an toàn trên Internet

Tại hội thảo, phụ huynh được tìm hiểu về mẫu hình tấn công trên môi trường online, cách nhận biết các nguy cơ trẻ em có thể đối mặt và nguyên tắc "An toàn là trên hết" khi sử dụng thiết bị điện tử để vào Internet.

Từ đó, phụ huynh có thể đưa ra hành động hiệu quả để đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường Internet nhiều cạm bẫy, cám dỗ.

Một chuyên gia công nghệ đến từ Trường Vietschool cho biết, hiện rất nhiều cạm bẫy trên mạng Internet nhưng phụ huynh không lường trước hết.

Trong đó, hacker có thể dùng các nhân vật trong hoạt hình chẳng hạn như chú heo trên kia, sau đó biến tấu nội dung với mục đích xấu.

"Các nội dung nào tìm kiếm càng nhiều, hacker càng lợi dụng từ khóa này để tạo các trang nhảm nhí với mục đích xấu", chuyên gia này nói.

Cũng theo chuyên gia này, hiện có một số bộ lọc để kiểm duyệt nội dung nhưng điều khó khăn là bộ lọc lại ra đời sau khi các nội dung này xuất hiện nên rất khó kiểm soát.

Vì thế, tốt nhất phụ huynh không thả lỏng con trên môi trường mạng Internet. Bố mẹ cần thiết lập giới hạn chặt chẽ về thời gian sử dụng màn hình của con, yêu cầu trẻ phải hỏi ý kiến bố mẹ trước khi truy cập, giám sát trực tiếp trong suốt quá trình trẻ dùng công nghệ…

Cũng với quan điểm này, chuyên gia Tô Thị Hoan đưa ra 4 nguyên tắc để bố mẹ trở thành "người lớn đáng tin cậy" của con khi sử dụng Internet: Trẻ luôn phải hỏi ý kiến người lớn khi sử dụng Internet; Khi rời đi làm việc khác trên internet, bắt buộc con phải hỏi ý kiến người lớn; Dạy trẻ tắt máy hoặc rời khỏi trang ngay lập tức nếu phát hiện thấy nguy hiểm; Cuối cùng là nguyên tắc "không có gì là bí mật"- nghĩa là trẻ cần được khuyến khích để nói về những điều mình thấy được trên Internet.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm