Nhân tài Đất Việt 2017: Nông dân sáng chế máy cấy lúa giành giải Khuyến tài

(Dân trí) - Cầm trên tay bằng khen Giải thưởng lĩnh vực Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt 2017 tối ngày 16/11, anh nông dân Trần Đại Nghĩa quê Thái Bình cười xúc động: "Chiếc máy cấy chỉ như một phần trong giấc mơ tôi ấp ủ giúp người nông dân, nhất là các chị em nhàn hạ trên những cánh đồng bao đời vắt kiệt mồ hôi của chúng tôi".

“Đơn giản vì tôi là một nông dân chính hiệu”

Anh Trần Đại Nghĩa (sinh năm 1970) là Hội viên Hội Khuyến học thôn Đông Hoàng (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Với công trình "Máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ", anh Nghĩa vinh dự trở thành một trong 3 gương mặt nhận giải thưởng Khuyến tài.

Giải thưởng do Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất nhằm khuyến khích những tài năng từ tinh thần tự học, tự nghiên cứu đã nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm, công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các khu vực lân cận.


Anh Trần Đại Nghĩa (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt 2017 tối 16/11/2017. (Ảnh: Hữu Nghị)

Anh Trần Đại Nghĩa (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt 2017 tối 16/11/2017. (Ảnh: Hữu Nghị)

Sáng chế của anh Nghĩa giúp nâng cao công suất cấy lúa (tăng gấp 10 lần so với người cấy bằng tay), máy cùng lúc cấy được 5-6 hàng lúa, mật độ cấy phù hợp với giống và địa hình thổ nhưỡng của từng vùng miền nước ta. Máy dễ dàng vận hành, không sử dụng nhiên liệu nên không gây ô nhiễm môi trường, giúp bà con chủ động cấy, đảm bảo việc cấy mang tính thời vụ.

Tiếng lành đồn xa, từ người dân trong xã trong huyện, trong tỉnh tin dùng…, đến nay, sản phẩm của anh Nghĩa đã cung cấp hơn 5.000 máy cho người nông dân trong và ngoài nước sử dụng.

Khi được hỏi điều gì giúp anh sáng chế được chiếc máy cấy ưu việt như vậy, anh Nghĩa đáp: “Đơn giản vì tôi là một nông dân chính hiệu”.

Anh Trần Đại Nghĩa sinh ra trong gia đình thuần nông. Khi còn là học sinh, bố đi bộ đội, kinh tế chỉ cậy trông vào dăm sào ruộng cằn người mẹ “một nắng hai sương”. Học hết lớp 9, Nghĩa nghỉ ở nhà phụ giúp ông nội làm mộc. Lớn hơn một chút, anh tự học thêm nghề sửa chữa điện tử để sửa giúp bà con thôn xóm. Anh Nghĩa ước có chiếc máy cấy để người nông dân và chính gia đình anh bớt vất vả.

Năm 2011, anh Nghĩa đi xuất khẩu lao động theo chương trình tu nghiệp sinh tại Hàn Quốc. Cũng tại nước này, anh bắt gặp những chiếc máy cấy hiện đại nhưng giá thành rất cao (khoảng 40-50 triệu đồng - nguyên nhân chính là do sử dụng động cơ). Giá bán thóc thì quá rẻ, nếu bà con nhập mua máy ngoại thì chưa biết bao giờ mới hoàn đủ vốn.

“Mình là người nông dân bình thường như bao người thôi. Nhưng mình thấy người nông dân bao đời khổ sở, khi có máy cày máy bừa rồi thì vẫn chưa có máy cấy. Khi nhà nước cho nhập máy cấy từ nước ngoài về thì giá thành cao quá nên phụ nữ vẫn phải… bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh Nghĩa trăn trở.

Tự tìm tòi, nghiên cứu, mày mò cho kỳ được đáp án, cuối tháng 1/2014, người nông dân Thái Bình này đã cho ra sản phẩm máy cấy lúa không động cơ. Đến hiện tại, khi sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, cơ sở của anh Nghĩa tăng cường số lượng, sản xuất thêm các loại máy nhiều kích cỡ, phục vụ nhiều loại địa hình thổ nhưỡng với giá thành giao động từ 3,8-7 triệu đồng. Một chiếc máy có tuổi thọ trung bình từ 7-10 năm và rất thân thiện với môi trường.

Bà con nông dân vẫn nói đùa, chiếc máy của anh Trần Đại Nghĩa sáng chế là “máy sướng phụ nữ, khổ đàn ông”. Bởi lẽ, khi có máy này phụ nữ không còn phải đi cấy thủ công, thay vào đó cánh máy râu sẽ điều khiển máy cấy.

Cuộc sống cần gì, thiếu gì thì tìm tòi cái đó…

Năm 2005, khi hết hợp đồng ở Hàn Quốc về nước, do điều kiện kinh tế eo hẹp, anh Nghĩa mua một chiếc ô tô về làm nghề lái taxi để ổn định cuộc sống. Chở khách đến nhiều vùng miền đất nước, anh có dịp quan sát địa hình thổ nhưỡng và tập quán canh tác của bà con nông dân mọi vùng miền. Ngày đi làm, tối về anh lại cặm cụi ghi chép, vẽ phác họa nguệch ngoạch “chiếc máy cấy trong mơ”. Khi công việc đang gặp nhiều thuận lợi, đột nhiên anh bán chiếc xe đi và trở về cuốc ruộng như xưa để lại bao lời xì xèo trước sự bàng hoàng của nhiều người dân quê.

“Họ nói có lẽ tôi bị "ấm đầu", đang ngồi xe hơi sướng như vua con, có tiền thu nhập lại về cuốc ruộng cấy lúa. Lúc đầu vợ con tôi cũng không biết và phản đối vì tôi không tiết lộ ý tưởng của mình. Gia đình tôi nhận cấy hơn 3.000m2 ruộng, hầu như một mình tôi đảm nhiệm…”, anh kể.

Cuối năm 2013, anh bắt tay vào làm thử. Lấy từng bước trong đầu, người nông dân vẽ bản phác thảo hoàn toàn là phương pháp vật lý đơn giản mà anh đã được học ở phổ thông. Vì chưa một ngày được học cơ khí nên anh làm từng chút một, đến một hiệu sửa xe máy nhờ mỏ hàn và máy cắt để làm, lùng mua vật liệu, thậm chí vào bãi sắt vụn để tìm kiếm…

Thời gian qua, sản phẩm máy cấy không động cơ của anh Nghĩa được bà con nông dân ở một số nước như Thái Lan, Lào, Indonesia, Bangladesh đặt mua. Vì vậy, anh Nghĩa rất mong muốn các cấp chính quyến tạo điều kiện giúp đỡ để sản phẩm của anh được bảo hộ bản quyền nhanh hơn, nếu không rất dễ bị đánh cắp…

Không phải một nhà khoa học hay một người được học hành bài bản, một người nông dân như anh Nghĩa đã minh chứng được nỗ lực tự học tập, tự nghiên cứu thành tài.

Người nông dân Thái Bình là tấm gương sáng tự học thành tài…
Người nông dân Thái Bình là tấm gương sáng tự học thành tài…

“Phải là tính kiên trì, tự tư duy, tự học hỏi và quan trọng nhất, quan sát xem thực tế, hiện tại cuộc sống cần gì, thiếu cái gì thì mình làm điều đó. Làm cho bằng được”, nhà sáng chế nông dân chia sẻ bí quyết thành công.

Hiện tại, ngoài tất bật đi các tỉnh tổ chức hội thảo cho bà con sử dụng máy cấy, anh Nghĩa và cậu con trai đang đầu tư tâm sức sáng chế một sản phẩm mới phục vụ việc chăm bón lúa cho người nông dân. “Đó là một công nghệ chưa ai làm. Khi nào bà con vẫn còn cần, còn thiếu thì mình chưa dừng lại”, anh Nghĩa khẳng định.

Lệ Thu

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm