Hà Tĩnh:

Nhận những lời chúc mà ứa nước mắt!

(Dân trí) - “Ngày này năm ngoái chúng tôi đang say sưa với những bài giảng. Nhưng giờ thì không còn nữa. Giờ nhận những lời chúc mừng 20/11 từ các em học sinh, bạn bè, người thân mà ứa nước mắt”, đó là lời tâm sự nặng trĩu tâm tư của một giáo viên vừa bị chấm dứt lao động.

Vào dịp trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi đã trở lại huyện Kỳ Anh để gặp những giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng. Sự ngại ngùng, e dè và có chút tủi hờn là những gì chúng tôi cảm nhận được trên khuôn mặt, ánh mắt của họ.

Nỗi buồn hiện hữu trên gương mặt của những cô giáo bị cắt hợp đồng
Nỗi buồn hiện hữu trên gương mặt của những cô giáo bị cắt hợp đồng

Khi cả nước đang hướng về ngày tôn vinh các thầy giáo cô giáo, thì những giáo viên ở huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại “lủi thủi” với những công việc “lạ” như bếp núc, đồng áng hay phụ giúp những việc lặt vặt…

Họ đã chính thức không còn đứng trên bục giảng, nhưng họ từng là người “đưa đò” cho nhiều thế hệ học sinh. Trước thềm ngày tôn vinh các nhà giáo, họ vẫn nhận được những lời chúc từ các em học sinh, từ bạn bè và người thân nhưng với những cảm xúc khác.

Chị Trần Thị Hồng, một trong những giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng lao động chua xót: “Chúng tôi thật sự rất nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các em học sinh. Mấy ngày qua, tôi nhận được rất nhiều lời chúc từ các em học sinh, từ bạn bè, người thân, có em còn hỏi tôi sao không thấy cô đến trường”.


Chị Trần Thị Hồng: Chúng tôi rất nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các em học sinh

Chị Trần Thị Hồng: Chúng tôi rất nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các em học sinh

Hay chị Nguyễn Thị Nga, người đã có 12 năm cống hiến cho ngành giáo dục. Cũng như những cô giáo vừa bị chấm dứt hợp đồng, chị Nga cảm thấy bỡ ngỡ, chưa thể thích nghi với cuộc sống hiện tại.

“Ngày này năm ngoái chúng tôi đang say sưa với những bài giảng trên lớp. Nhưng giờ thì không còn nữa. Giờ nhận những lời chúc mừng 20/11 từ các em học sinh, từ bạn bè, người thân mà ứa nước mắt”, chị Nga chia sẻ.

Và, tất cả họ đều có chung một mong muốn là sớm được trở lại với mái trường thân yêu, để được “cháy” cùng những bài giảng, truyền kiến thức cho các em học sinh.

Trước đó, vào 26/10, đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu đã về UBND huyện Kỳ Anh để trực tiếp kiểm tra làm rõ vụ việc 214 giáo viên, nhân viên bị chấm dứt lao động.

Sau khi nghe các ý kiến, báo cáo của các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã chỉ ra rằng quá trình thực hiện ký hợp đồng lao động đối với các giáo viên trong thời gian vừa qua, huyện Kỳ Anh (cũ) đã không tuân thủ đúng quy định của pháp luật; Chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền, chức trách của mình để ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên và quyền lợi của họ…

Đồng thời, yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh sớm tổ chức các kì tuyển dụng theo đúng quy định. Đối với giáo viên đã chấm dứt hợp đồng cần phải đánh giá phân loại lại để xem xét những trường hợp có thể thi tuyển, xét tuyển và đặc cách. Đối với các giáo viên thuộc gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn thì cần có sự quan tâm để giải quyết khó khăn cũng như tạo cơ chế tạo việc làm cho họ.

Tuy nhiên đến nay, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có một hành động cụ thể nào và sự việc dường như đang dần bị cho vào “quên lãng”. Còn những người giáo viên, họ vẫn đang còn mong ngóng từng ngày.

Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm