Nhân lực sư phạm: Đào tạo thế nào để giải bài toán thừa - thiếu giáo viên?

(Dân trí) - Với mô hình đào tạo giáo viên như hiện nay sẽ khó giải quyết được bài toàn thừa thiếu giáo viên cũng như không tạo ra được tính ổn định cho nhân lực ngành sư phạm trong những năm sắp tới.

Mô hình đào tạo kiểu Liên Xô cũ đã không còn phù hợp

TS. Đặng Văn Định - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho hay, tính tổng thể cả nước có 154 cơ sở đào tạo giáo viên. Về tuyển sinh, các cơ sở đào tạo giáo viên hàng năm tuyển khoảng 23.000 sinh viên đại học sư phạm chính quy, 26.000 sinh viên cao đẳng sư phạm chính quy, trong khi đó mỗi năm có khoảng gần 20.000 giáo viên về hưu. Cung đã vượt cầu khoảng hơn 2 lần.

Thống kê đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) 5 năm liền cho nhóm trường ĐH sư phạm và nhóm trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên cho thấy: Đối với nhóm trường ĐH sư phạm, nhà nước đầu tư 1 đồng từ NSNN thì nhà trường làm ra khoảng 1,32 đến 2,86 đồng. Đối với nhóm trường đa ngành, con số tương ứng là từ 2,1 đến 4,46. Nhóm trường đa ngành còn có khả năng tự chia sẻ nguồn lực tài chính, đội ngũ nhà giáo, phòng thí nghiệm, đảm bảo việc đào tạo giáo viên được bền vững.

 Tổng hợp tài chính 5 năm 2012-2017 của 10 cơ sở GDĐH

 

Tên trường

NSNN (tỷ)

Tổng thu (tỷ)

Số lần gia tăng

1

Trường ĐHSP Hà Nội

579,6

1635,3

2,86

2

Trường ĐHSP Tp HCM

560,45

1540,6

2,75

3

Trường ĐHSP 2

410,1

859,3

2,1

4

Trường ĐHSP nghệ thuật

165,9

323,1

1,95

5

Trường ĐHSP TDTT Hà Nội

145,2

219,7

1,51

6

Trường ĐHSP Thái Nguyên

485,2

642,5

1,32

7

Trường Đại học Cần Thơ

566,7

2528,1

4,46

8

Trường Đại học Quy Nhơn

365

964,9

2,64

9

Trường Đại học Vinh

560,4

1644,8

2,57

10

Trường Đại học Đồng Tháp

319,4

669,3

2,1

                             Tính theo nguồn số liệu của Bộ GD & ĐT

TS. Đặng Văn Định - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phân tích lợi thế của mô hình đào tạo đa ngành.

Theo TS Định, việc tổ chức đào tạo giáo viên trình độ đại học ở Việt Nam đang được thực hiện ở các trường ĐH Sư phạm và các trường đại học đa ngành.

Xét về tính bền vững và hiệu quả đầu tư thì tổ chức đào tạo giáo viên trình độ đại học ở các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhiều lợi thế hơn. Đây cũng là vấn đề cần xem xét trong thiết kế xây dựng hệ thống các trường đại học sư phạm trọng điểm.

Nhân lực sư phạm: Đào tạo thế nào để giải bài toán thừa - thiếu giáo viên? - 1

Đồng quan điểm, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Trường Đại học Thăng Long cũng đặt vấn đề nên đào tạo giáo viên thế nào.

Ông nhận định, việc đào tạo giáo viên ở nước ta, bên cạnh những thành tựu, còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong hàng chục năm qua tình trạng khi thừa khi thiếu giáo viên được cho là xảy ra thường xuyên. Có những năm tình trạng đó trầm trọng đến mức một số trường đại học sư phạm không tuyển được sinh viên, giảng viên không có việc làm. Đó là chưa kể đến việc trình độ giáo viên không đáp ứng kịp sự tiến bộ của khoa học và công nghệ. Tình hình nêu trên đặt vấn đề cần cấp bách đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên.

Theo GS Thiệp, cho đến nay hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên ở nước ta được xây dựng theo mô hình Liên Xô cũ: các trường đại học và cao đẳng sư phạm đơn lĩnh vực khép kín. Một số trường sư phạm bảo thủ, giữ nguyên mô hình đào tạo đơn lĩnh vực chứ không muốn chuyển mình.

“Có thể thấy một lý do quan trọng tạo nên khó khăn trong tuyển sinh ở các trường đại học sư phạm là ở mô hình trường sư phạm đơn lĩnh vực khép kín. Sở dĩ ở Liên Xô cũ các trường đại học được xây dựng theo mô hình đơn ngành, đơn lĩnh vực khép kín vì mô hình đó phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung: chương trình đào tạo đại học liền một mạch theo chuyên môn hẹp, người tốt nghiệp được nhà nước phân phối vào các cơ sở kinh tế quốc doanh hoặc cơ quan nhà nước.

Khi chuyển qua kinh tế thị trường, mô hình nhà trường và quy trình đào tạo đó trở thành không phù hợp, nên nhiều nước có kinh tế chuyển đổi đã chuyển các trường đơn lĩnh vực thành đa lĩnh vực. Ngay ở Nga phần lớn các “inxtitut” đơn ngành cũng chuyển thành các “universitet” hoặc “academia” đa ngành, đa lĩnh vực".

“Cũng vì vậy, trong điều kiện định hướng thị trường việc đào tạo giáo viên nên triển khai trong các trường đại học đa lĩnh vực chứ không nên co cụm trong các trường đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín.

Sở dĩ đại học đa lĩnh vực là mô hình trường đại học tối ưu trong nền kinh tế thị trường vì mô hình đó giúp trang bị tốt nền tảng giáo dục khai phóng (đào tạo theo diện rộng, coi trọng giáo dục đại cương); thuận lợi trong nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội; dễ thích nghi với biến động của thị trường nhân lực”, GS. Thiệp nhấn mạnh.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Trường Đại học Thăng Long đặt vấn đề nên đào tạo giáo viên thế nào trong bối cảnh hiện nay.

Từ phân tích trên, đại biểu này kiến nghị việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống đào tạo giáo viên ở nước ta không nên duy trì việc đào tạo giáo viên trong các trường đại học sư phạm khép kín. Để cho các trường đại hoc sư phạm tự chủ phát triển thành đại học đa lĩnh vực, trong đó có thể ưu tiên lĩnh vực sư phạm.

Đào tạo song song hay đào tạo nối tiếp?

Đối với bậc trung học, trên thế giới thường có hai quy trình đạo giáo viên: đào tạo song song và đào tạo nối tiếp.

Đào tạo song song là cách thực hiện đào tạo môn học và đào tạo nghiệp vụ sư phạm đồng thời trong suốt chương trình đại học. Theo quy trình này sinh viên được định hướng sư phạm ngay từ lúc bước vào đại học, chương trình môn học ở đại học bám sát chương trình môn học ở bậc phổ thông.

Đào tạo nối tiếp là đào tạo môn học trước, thường ở hai năm đầu đại học, đào tạo nghiệp vụ sư phạm sau, thực hiện ở hai năm cuối đại học. Một kiểu đào tạo nối tiếp nữa là đào tạo môn học ở chương trình cử nhân, và đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở chương trình cao học. Ý tưởng của quy trình đào tạo nối tiếp này là trang bị cho sinh viên tiềm năng khoa học để họ vận dụng trong quá trình hành nghề chứ không phải “cầm tay chỉ việc”, đào tạo họ thành nhà giáo dục chứ không phải “thợ dạy”.

Ưu điểm của đào tạo song song là sinh viên được “cầm tay chỉ việc” trong giảng dạy, dễ có các thao tác sư phạm tốt ngay từ khi ra trường. Nhược điểm của đào tạo song song, một là kiến thức môn học của sinh viên không thật sâu sắc, hai là sinh viên khó chuyển đổi nghề nghiệp khi có biến động của thị trường nhân lực.

Nhược điểm của đào tạo nối tiếp có thể là ở giai đoạn đầu hành nghề người giáo viên chưa thật thành thạo việc giảng dạy, họ cần một thời gian để thích nghi. Tuy nhiên ưu điểm của đào tạo nối tiếp là giáo viên hiểu sâu về môn học cũng như những kiến thức về khoa học giáo dục để vận dụng có hiệu quả trong suốt cuộc đời giảng dạy.

PGS.TS Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nêu thực trạng hiện nay, do tình trạng thừa giáo viên, số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa được tuyển dụng khá lớn nên dư luận xã hội có những bức xúc nhất định.

Nhân lực sư phạm: Đào tạo thế nào để giải bài toán thừa - thiếu giáo viên? - 2

PGS.TS Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Ông cho rằng, ngành giáo dục đã có những biện pháp nhằm điều chỉnh về quy mô đào tạo giáo viên, tuy nhiên đây là những biện pháp có tính chất tình thế, ứng phó dư luận trong bối cảnh “khủng hoảng thừa giáo viên”.

Việc phát triển quy mô đào tạo giáo viên phải tính đến cả tình huống của “khủng hoảng thiếu giáo viên”. Do vậy, có hai việc phải làm. Một là, mỗi địa phương phải có dự báo nhân lực giáo dục với sự đa dạng các phương án dự báo; trên cơ sở đó thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương (chú trọng về chất lượng đào tạo, các loại hình giáo viên…). Hai là, tạo nguồn nhân lực dự trữ cho ngành giáo dục bằng việc triển khai nhiều mô hình, phương thức đào tạo giáo viên. Chẳng hạn, mô hình đào tạo tiếp nối không định hướng. Mô hình này tạo ra cơ hội cho nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng (không phải sư phạm) có thể trở thành giáo viên trong những bối cảnh cụ thể.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh trong tham luận “Sự cần thiết đổi mới mô hình đào tạo giáo viên tại Việt Nam” rằng: Qua phân tích một số mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam cũng như thực tiễn đào tạo giáo viên ở một số nước trên thế giới cho thấy mô hình đào tạo giáo viên cần thay đổi để đảm bảo hiệu quả hơn.

Việc lựa chọn mô hình đào tạo giáo viên theo kiểu nối tiếp được xem là mô hình ưu việt hơn cả trong bối cảnh nhân lực ngành sư phạm luôn biến động theo các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước. Mô hình này có thể giúp giải bài toán đào tạo thừa hay thiếu giáo viên bằng một hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên hiệu quả, mang tính ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình này cũng cần những thay đổi đối với chính sách đi cùng như: đổi mới tuyển sinh, chương trình đào tạo sư phạm, phân công, phân cấp quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên, công tác dự báo nhân lực ngành sư phạm, chính sách sát hạch để trở thành giáo viên chính thức, chính sách thăng tiến hay phát triển nghề nghiệp của giáo viên…

Bên cạnh đó, lựa chọn mô hình khép kín vẫn có thể thực hiện nhưng chỉ nên giới hạn ở một tỷ lệ nào đó mà Nhà nước cần phải xác định được sự cần thiết của nó.

Lệ Thu