Nhân lực ngành thống kê vừa thiếu và yếu
(Dân trí) - Mấy năm qua, ngành thống kê chỉ tuyển được tỷ lệ đúng chuyên ngành khoảng 20%. Ước tính từ nay đến năm 2015, hàng năm Tổng cục Thống kê cần tuyển thêm hơn 500 người. Tuy nhiên, nguồn nhân lực thống kê hiện thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Chỉ có 3 người đạt trình độ Tiến sĩ đúng chuyên ngành
Theo điều tra khảo sát của PGS.TS Trần Thị Kim Thu - Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Nguyễn Trí Duy - Tổng cục Thống kê về nguồn nhân lực ngành thống kê từ 31/5/2001 đến ngày 31/5/2011, có 5.030 người đang làm việc trong toàn hệ thống, trong đó cơ quan Tổng cục Thống kê ở TƯ có 274 người (chiếm 5,45% so với tổng số), cơ quan thống kê ở địa phương có 4658 người (chiếm 92,6%). Trong vòng 10 năm, đội ngũ nhân lực của ngành Thống kê đã tăng 734 người từ 4296 lên 5030 người. Trong đó, tổng cục thống kê TƯ chỉ tăng 43 người. Cục thống kê và Chi cục tăng thêm 593 người.
Không chỉ ít về số lượng mà trình độ ngành thống kê cũng vô cùng yếu. Theo khảo sát, trình độ đại học trong ngành thống kê đến nay có 3.357, trong đó 1.086 người đúng chuyên ngành đào tạo, trình độ Thạc sỹ có 67 người, trong đó có 23 người đúng chuyên ngành. Đặc biệt, trình độ tiến sĩ cả ngành hiện nay có 9 người, trong đó chỉ có 3 người đúng chuyên ngành Thống kê. Tính chung tỷ trọng nguồn nhân lực Thống kê có trình độ sau đại học chỉ có 1,5% trong khi đó cả nước là 2,3%.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2010, chỉ số chung về năng lực thống kê Việt Nam chỉ đạt mức trung bình. Để cải thiện vị trí xếp hạng, ngày 18/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1803/QĐ - TTg “Phê duyệt chiến lược phát triển Thống kê VN giai đoạn 2011 - 2020” và tầm nhìn đến năm 2030. Một trong 9 chương trình hành động đã được phê duyệt là “Phát triển nhân lực làm công tác thống kê để xây dựng đội ngũ những người làm công tác thống kê chủ về số lượng, bảo đảm chất lựng và cơ cấu trình độ hợp lý”.
Thiếu sức hút
Sinh viên (SV) ngành thống kê sau khi tốt nghiệp có năng lực lập kế hoạch nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu và tổ chức thực hiện cuộc nghiên cứu, thu thập, mã hóa, xử lý, phân tích và viết báo cáo kết quả từ các số liệu nội bộ và từ số liệu thu thập từ bên ngoài doanh nghiệp. SV tốt nghiệp có thể tham gia thiết kế, thực hiện và duy trì hệ thống thông tin kinh doanh và tiếp thị của doanh nghiệp.
Tốt nghiệp ngành Thống kê, SV có thể làm việc tại các tổ chức và công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường, bộ phận nghiên cứu và phân tích dữ liệu nội bộ; có thể thực hiện việc khai thác mỏ dữ liệu khổng lồ tại các công ty có lượng dữ liệu rất lớn như các ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm, công ty viễn thông, hãng hàng không, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế…
Tuy nhiên, hiện nay ngành Thống kê vẫn thiếu sức hút đối với SV, nguyên nhân theo giảng viên Hà Văn Sơn, khoa Toán - Thống kê, ĐH Kinh tế TPHCM, học ngành Thống kê khó hơn các ngành khác, ra trường khó tìm việc làm, nếu được việc làm trong các cơ quan Thống kê nhà nước thì lương quá thấp, không đủ sống.
“Công việc của ngành Thống kê thì đơn điệu, chỉ dừng lại ở việc điều tra, tổng hợp dữ liệu, không coi trọng phương pháp phân tích. Sản phẩm của ngành Thống kê không bán được. Số liệu sau khi điều tra, tổng hợp được in thành các Niên giám thống kê và sử dụng miễn phí. Liệu đó có phải là nguyên nhân?” - giảng viên Hà Văn Sơn băn khoăn.
Giảng viên Hoàng Trọng, bộ môn Thống kê - Phân tích dữ liệu - ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng: “Những nhà tuyển dụng chưa hiểu về chuyên ngành Thống kê, chưa hình dung là người tốt nghiệp chuyên ngành Thống kê có thể thực hiện các công việc đó. Việc mô tả đào tạo, việc làm, cơ hội nghề nghiệp và truyền thông ra bên ngoài của chuyên ngành có vấn đề”.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân, một trong những định hướng quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ là phải dựa nhiều hơn vào các tín hiệu thị trường. “Tín hiệu” của thị trường chính là các số liệu thống kê. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, một trong những giải pháp là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Thống kê. Trong việc đổi mới mục tiêu và chương trình đào tạo, cần đặc biệt chú trọng nâng cao các kỹ năng cơ bản của một SV tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thống kê là các kỹ năng như thiết kế bảng hỏi, thiết kế mẫu, thành thạo các công cụ mô tả thống kê, các kỹ năng phân tích cơ bản, phân tích nâng cao, sử dụng thành thạo các phần mềm xử lý số liệu và kỹ năng viết báo cáo.
PGS.TS Hoàng Hữu Hòa, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế cho rằng: “Các trường và khoa có đào tạo cử nhân Thống kê cần ngồi với nhau để thảo luận về xây dựng chương trình khung thống nhất đào tạo thống kê. Khoa Thống kê, trường ĐH Kinh tế quốc dân với tư cách là đơn vị có bề dày truyền thống và kinh nghiệm đào tạo thống kê ở nước ta làm đầu mối chủ trì việc xây dựng mã ngành Thống kê trên cơ sở tập hợp ý kiến đóng góp của các trường khác và các cơ quan doanh nghiệp liên quan. Các trường đào tạo thống kê đề nghị với Bộ GD-ĐT về việc mở mã ngành mới: Ngành Thống kê đã được xây dựng”.
Hồng Hạnh