Đắk Lắk:
Nhận điện thoại học trực tuyến: "Đây là tài sản lớn nhất của gia đình em"
(Dân trí) - Cầm trên tay chiếc điện thoại "trong mơ" mà thầy cô giáo trao tặng, cô nữ sinh lớp 8 người dân tộc Ê đê H'Mit Knul reo lên vì sung sướng, khi từ nay em đã thiết bị học trực tuyến.
"Chiếc điện thoại là tài sản rất lớn với gia đình em"
Tình hình dịch bệnh ở Đắk Lắk thời gian qua diễn biến phức tạp, nhiều địa bàn liên tiếp ghi nhận những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây.
Trước thực trạng trên, vào đầu năm học 2021-2022, chính quyền tỉnh quyết định chỉ có học sinh ở vùng xanh mới được dạy học trực tiếp ở trường. Học sinh ở những địa bàn còn lại sẽ học qua truyền hình, học trực tuyến hoặc ở nhà chờ thầy cô đến giao bài tập tận nơi.
Tuy nhiên, tại qua khảo sát của Sở GD-ĐT Đắk Lắk, nhiều học sinh của các cấp học còn chưa có điều kiện học với hình thức trực tuyến, cụ thể: tỷ lệ học sinh có điều kiện học trực tuyến ở khối Giáo dục thường xuyên chỉ có 4,53%; THPT: 3,24%; THCS: 17,54% và Tiểu học: 61,7%.
Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, học sinh gần như không có cơ hội tiếp cận với máy tính, điện thoại. Nhiều trường hợp cả gia đình 3, 4 người con đi học nhưng cả bố và mẹ đều không mua nổi điện thoại thông minh.
Với mong muốn hỗ trợ các em học sinh nghèo có phương tiện theo học trực tuyến, Câu lạc bộ Tổng phụ trách đội huyện Cư M'gar đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay tiếp sức các em đến trường.
Thầy Mai Văn Chuyền (trường THCS Ngô Mây, xã Ea M'Đroh, huyện Cư M'gar) - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, chương trình ngay sau khi phát động đã nhận được những chiếc điện thoại thông minh với giá từ 2,3 -2,6 triệu đồng để trao đến những học sinh khó khăn nhất.
Nhận chiếc thoại mới từ tay thầy giáo Chuyền, em H'Mit Knul (lớp 8B, trường THCS Ngô Mây) reo lên vì vui mừng. H'Mit chia sẻ, gia đình em đều rất khó khăn, bố mẹ làm nông rất vất vả để nuôi 3 người con.
Năm học lớp 7, H'Mit nỗ lực cố gắng đạt học sinh giỏi của trường. Sang năm học mới này, em rất lo lắng khi bố mẹ không thể mua điện thoại để em theo học trực tuyến. Việc mua được chiếc điện thoại là điều gia đình H'Mit ao ước bấy lâu nay nhưng chưa thể thực hiện.
"Được thầy giáo vào tận nhà tặng điện thoại em vui không thể tả nổi. Chiếc điện thoại là tài sản rất lớn đối với gia đình em. Từ ngày có điện thoại, em đã kết nối với thầy cô, bạn bè rất thuận lợi cho việc học tập. Em xin hứa sẽ cố gắng chăm chỉ để không phụ lòng của thầy cô và mọi người đã giúp đỡ em", H'Mit xúc động.
Hai chị em gái Dương Kiều Anh (lớp 9) và Dương Kiều Lan (lớp 7, trường THCS Nguyễn Văn Bé, huyện Cư M'gar) cũng có hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Bố các em phải lam lũ làm thuê khắp nơi để nuôi hai chị em ăn học, mãi vẫn chưa dành dụm đủ tiền mua điện thoại cho các em học trực tuyến.
Thế nên, hai chị em vô cùng hạnh phúc khi được thầy cô giáo tặng một chiếc điện thoại làm thiết bị học tập.
"Bố em đi làm rất vất vả, mua cả điện thoại cho chúng em sẽ là gánh nặng cho bố. May mắn khi chúng em được thầy cô tặng điện thoại, hai chị em luân phiên để học trực tuyến. Em muốn gửi lời cảm ơn rất nhiều đến các thầy cô đã quan tâm, giúp đỡ tận tình cho chúng em", học sinh Kiều Lan bày tỏ.
Thầy cô tiếp sức cho trò nghèo đến trường
Để giúp các học sinh nghèo có điều kiện đến trường, các thầy cô trong Câu lạc bộ Tổng phụ trách Đội ở huyện còn kêu gọi hỗ trợ để trao tặng 100 bộ sách cùng trên 1.000 cuốn vở đến các em.
Bên cạnh đó, Chương trình tiếp sức đường dài huyện Cư M'gar đã hỗ trợ lâu dài cho 85 em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Các học sinh từ mầm non đến THCS có hoàn cảnh khó khăn, là học sinh nghèo, bản thân các em phải điều trị bệnh hoặc bố mẹ, người nuôi dưỡng các em gặp phải khó khăn về kinh tế, bị tai nạn lao động, lớn tuổi, thậm chí là không có đất đai canh tác, nghề nghiệp, thu nhập ổn định...
Các em được tiếp sức đến trường với mức 290.000 đồng/tháng trong năm học (mua sách vở, dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm…).
"Nhiều học sinh nhận giúp đỡ tiếp sức đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, hạn chế tối đa nguy cơ bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh sống khó khăn, do thiếu sự quan tâm, động viên. Chương trình đã, đang và sẽ nâng bước cho những em học sinh nghèo trên địa bàn huyện", thầy giáo Mai Văn Chuyền cho hay.
Ông Lê Hữu Quynh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư M'gar, cho biết, toàn huyện có 25,76% học sinh Tiểu học và 19,72% THCS không có điều kiện học trực tuyến, sẽ học theo hình thức giáo viên giao bài tập đến tận nhà học sinh.
"Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa rất khó khăn, nơi các học sinh thiếu thốn các phương tiện học trực tuyến, các giáo viên đã vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng để giúp các em có điện thoại, sách vở học tập là những hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa", ông Quynh chia sẻ.