“Nhắm mắt” tuyển cô giáo mầm non

(Dân trí) - Thiếu giáo viên, không ít trường mầm non tư thục "mắt nhắm mắt mở" khi tuyển dụng để có người đứng lớp. Các "chuẩn" giáo viên được hạ đến mức tối đa...

Thiếu giáo viên (GV), không ít trường mầm non (MN) tư thục "mắt nhắm mắt mở" khi tuyển dụng để có người đứng lớp. Các "chuẩn" GV được hạ đến mức tối đa... 
 
Cỡ nào cũng trúng tuyển?!
 
Thiếu người, các trường MN ngoài công lập ở TPHCM rầm rập tuyển người sau Tết. Các "chuẩn" tuyển dụng cũng được cơi nới hạ đến mức tối đa có thể với hy vọng tìm được người. 
 
“Nhắm mắt” tuyển cô giáo mầm non - 1

Các trường mầm non ngoài công lập ở TPHCM đang "chóng mặt" thì thiếu giáo viên (Ảnh minh họa)

 

Cô Hoàng Thị Hiền, 24 tuổi, quê ở Gia Lai cho biết, sau thời gian dạy học tại một ngôi trường không có nhiều đổi mới, đầu năm nay cô quyết định tìm chỗ mới. Cô Hiền liên hệ một một số nơi trường đang tuyển dụng của thì thấy sự "đơn giản hóa" trong tuyển dụng GVMN. 
 
Có nơi ứng viên còn không cần phải nộp hồ sơ, chỉ để lại điện thoại rồi phía nhà trường chủ động liên lạc hướng dẫn để người tìm việc khỏi mất công. Có nơi chỉ hỏi vài ba câu qua điện thoại, chưa biết ứng viên khả năng, kinh nghiệm thế nào, bằng cấp ra sao đã lập tức mời... đến nhận việc ngay. 
 
"Thiếu GV đứng lớp nên các trường rất nóng lòng tìm người vào để lấp chỗ trống. Họ dường như không quá cân nhắc đến khả năng, tiêu chí của cô giáo...", cô Hiền cho hay và bày tỏ "vơ bèo vạt tép" trong tìm GVMN cũng là thiệt thòi cho những người có kinh nghiệm. Hầu hết các trường đưa ra mức lương chung cho người mới vào chứ chưa xem trọng trả lương theo năng lực, kinh nghiệm. 
 
Xin việc chưa cần hồ sơ, không cần kinh nghiệm, thậm chí... cũng có nơi còn cơi nới tuyển người chưa tốt nghiệp, chưa có bằng cho nợ bằng với hy vọng mở rộng diện tuyển dụng. Điều này phản ánh thực tế "khát" GV ở các cơ sở MN ngoài công lập nên nhiều nơi "âm thầm" phá rào tuyển dụng. 
 
“Nhắm mắt” tuyển cô giáo mầm non - 2

Tuyển giáo viên mầm non không cần kinh nghiệm, chưa cần bằng 

 

Một số địa bàn ở TPHCM như Thủ Đức, Gò Vấp... từng xảy ra thực trạng, trong hồ sơ quản lý trường MN ngoài công lập của quận, phòng giáo dục là GV này, bảo hiểm lưu tên người này nhưng khi xuống kiểm tra lại là... người khác đứng lớp. Có trường GV nghỉ, người khác vào thế, nghỉ và tuyển nhanh đến độ không kịp nhập hồ sơ báo cáo và cũng có tình trạng có trường làm "lơ" tuyển GV không đủ tiêu chuẩn. 
 
Cũng không ít bạo hành trẻ MN tại nhiều cơ sở giáo dục khi vỡ lỡ mới hay, người đứng lớp không có bằng cấp chuyên môn, xin vào làm bảo mẫu, phục vụ bếp, điều dưỡng lại được... giao đứng lớp. 
 
Chưa nói đâu xa, chính những người quản lý, những người trong nghề cẩu thả, sơ sài và xem nhẹ vai trò bậc học MN, vai trò của cô giáo MN với tâm lý ai cũng có thể... trông giữ trẻ. 
 
Nặng trọng trách nhưng bị "bỏ rơi"
 
Ở TPHCM, trường MN ngoài công lập gánh một trọng trách rất lớn trong việc giải quyết chỗ học cho trẻ. Trường tư luôn chiếm tỷ lệ trẻ cao hơn công lập như ở Q.Bình Tân, có đến trên 73% trẻ học ở trường ngoài công lập, Q. Thủ Đức mạng lưới trường lớp MN công lập chỉ đáp ứng thu nhận khoảng 40% tổng số trẻ trong độ tuổi và 60% trẻ còn lại học ở cơ sở ngoài công lập... 
 
Trước tình trạng thiếu GV ở các cơ sở MN ngoài công lập, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM thẳng thắn nói rằng "trả lương cao vào" thì may ra giữ được GV. 
 
“Nhắm mắt” tuyển cô giáo mầm non - 3

Trường mầm non ngoài công lập đang cần những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn (Ảnh minh họa)

 

Nhưng ai cũng hiểu trả lương cao là chuyện đánh đố ở các trường ngoài công lập. Được thầy mất trò, nếu thu học phí cao để trả lương GV cao thì sẽ kén người học, thu thấp để có học sinh thì... mất thầy. 
 
Đại diện này cho hay, nhiều năm gần đây chính sách dành cho GVMN công lập quá hấp dẫn nên có cơ hội GV sẽ vào trường công.
 
Có thể kể đến Nghị quyết 01 của thành phố hỗ trợ GVMN mới ra trường được tuyển dụng trong 3 năm đầu sẽ được hỗ trợ trong mức 50 - 100% lương; cán bộ quản lý, GV, nhân viên hỗ trợ 25% tiền lương/tháng; những người tham gia vào việc nuôi dạy nhóm trẻ 6-18 tháng được hỗ trợ thêm 35% lương/tháng.
 
Chưa kể, từ tháng 9/2017, GVMN còn được hỗ trợ theo trình độ. Hỗ trợ khuyến khích đối với GVMN có trình độ thạc sĩ 18 triệu đồng/năm, trình độ ĐH gần 11 triệu đồng/năm; trình độ CĐ là 6,6 triệu/năm. Rồi nữa, từ tháng 4/2018, công nhân viên chức ở TPHCM được chia thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 có thể lên đến 30 - 40 triệu đồng/năm. 
 
Kín đặc chế độ, chính sách mà "trường nhà nước" vẫn còn còn thiếu GVMN trầm trọng thì trường ngoài công lập hoàn toàn phải "tự bơi" dựa trên học phí của học sinh từ cơ sở vật chất, thuê mặt bằng, lương GV... họ bị "mất người" là việc dễ hiểu. 
 
Năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM có hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục MN ngoài công lập. Sở tổ chức xây dựng tài liệu và tập huấn 10 lớp bồi dưỡng cho 500 chủ nhóm, GV, bảo mẫu và người trông trẻ ở 10 quận, huyện có các khu công nghiệp, khu chế xuất; phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 4.000 cán bộ, GV, nhân viên cơ sở MN ngoài công lập; tổ chức 4 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cho 218 GV bảo mẫu tại các nhóm trẻ độc lập tư thục... 
 
Hoài Nam 
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm