Bạn đọc viết:

Nhà vệ sinh trường học: Bao giờ phụ huynh hết lo?

(Dân trí) - Hôm mới đây đưa con đến lớp, tôi tranh thủ tạt qua khu vực nhà vệ sinh của trẻ để thăm dò. Những tưởng chỉ một mình tôi lo lắng về vấn đề sạch - bẩn ở nhà vệ sinh trường học, không ngờ sau lưng tôi là năm ông bố, bà mẹ khác cũng lò dò đến xem xét tình hình.

Nỗi lo nhà vệ sinh trong trường học bẩn không phải bây giờ mới hiện hữu. Tôi vẫn nhớ như in trong ký ức thời áo trắng của mình, ngán nhất là khâu đi vệ sinh. Dù cố gắng hạn chế tối đa việc đi vệ sinh ở trường thế nào đi chăng nữa, nhưng thỉnh thoảng cũng phải ghé vào “giải quyết nỗi buồn” đôi ba lần. Và dẫu bịt mũi, nín thở đến đâu thì cái mùi khó chịu ấy vẫn xộc thẳng vào đến khó thở.

Hơn hai chục năm đã trôi qua, nỗi ám ảnh về nhà vệ sinh bẩn vẫn đeo bám học sinh đến tận hôm nay ư? Xã hội ta đã tiến một bước dài về trình độ dân trí, cơ sở vật chất trường lớp đang dần cải thiện, thành tích trong giáo dục liên tục được găt hái. Tuy nhiên, một trong những nhu cầu bức thiết nhất của học sinh là khâu tiểu tiện vẫn đau đáu những cái rùng mình, bịt mũi, nín tiểu…

Tôi còn nhớ một phóng sự ngắn trên truyền hình cách đây không lâu phán ánh về nhà vệ sinh trường học. Cô phóng viên trẻ dẫu đã chuẩn bị tinh thần vẫn “ngột” khi thử vào nhà vệ sinh của các cháu. “Không thể ở lâu quá một phút!”, “Kinh khủng!”, “Mất vệ sinh!” là những từ ca thán thường gặp nhất mỗi khi nhắc đến địa điểm mà ai cũng muốn tránh xa ấy.

Tiếng ca thán từ dư luận xã hội có lẽ đã đến tai cơ quan chức năng. Đầu năm học này, hàng loạt địa phương yêu cầu chấn chỉnh nhà vệ sinh trường học. Tuy nhiên, để triệt để giải quyết vấn đề này thì không thể chỉ dựa vào những chỉ thị, thông cáo với mệnh lệnh trên giấy. Chúng ta phải nhìn nhận rõ những căn nguyên sau để có giải pháp phù hợp:

Thứ nhất, số lượng học sinh trên cả nước đang ngày càng gia tăng trong khi nhà vệ sinh trường học không được đầu tư xây mới dẫn đến quá tải. Thêm vào đó, hình thức học bán trú, 2 buổi/ngày càng khiến tình trạng xuống cấp của các khu vệ sinh vốn cũ kỹ trở nên tồi tệ hơn. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chỉnh trang trường lớp, cần quan tâm nhiều hơn đến việc quy hoạch, kiến nghị đầu tư cơi nới, mở rộng, nâng cấp nhà vệ sinh đáp ứng thực tiễn phình to về sĩ số lớp.

Thứ hai, hầu hết các trường hiện nay đều thu thêm tiền vệ sinh học sinh hàng tháng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Với số lượng học sinh khoảng vài trăm em, số tiền ấy không nhỏ, đủ để hợp đồng với một vài nhân viên vệ sinh. Tuy nhiên, công tác vệ sinh trong trường học ở nhiều nơi đang được “khoán trắng” cho nhân viên bảo vệ trường. Vì lý do “tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập”, một bảo vệ trường thường kiêm nhiệm việc trực cổng trường, bảo vệ cơ sở vật chất, dọn dẹp nhà vệ sinh, trông giữ xe đạp… Ôm đồm nhiều công việc khiến bảo vệ lơ là nhiệm vụ dọn dẹp khu vệ sinh học sinh. Chính vì vậy, cần chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm, giao khoán công tác vệ sinh trường học cho bảo vệ trường!

Thứ ba, mỗi đợt thanh kiểm tra vệ sinh trường học thường được thông báo, lên kế hoạch từ nhiều ngày trước. Vì vậy, nhiều trường thường tìm cách đối phó với đoàn kiểm tra y tế - vệ sinh học đường, câu lạc bộ môi trường bằng cách dọn dẹp vệ sinh tươm tất. Và khi đoàn kiểm tra rời đi, mọi chuyện quay lại mốc ban đầu: bẩn, hôi! Để công tác thanh kiểm tra vệ sinh trường học đạt hiệu quả, cần tăng cường các hoạt động kiểm tra đột xuất, gắn trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường trong việc đảm bảo khu vệ sinh học sinh sạch sẽ, an toàn.

Thứ tư, song song với việc tăng cường trách nhiệm của người quản lý trường học, cần thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò của nhà vệ sinh học sinh. Bộ mặt cảnh quan trường lớp khang trang, sạch đẹp, tiện nghi thế nào đi chăng nữa thì nhà vệ sinh học sinh bẩn vẫn là một điểm trừ cực lớn. Thay đổi nhận thức để có sự đầu tư, quan tâm đúng mức là nhu cầu bức thiết của học sinh hiện nay.

Thứ năm, ý thức của học sinh trong việc giữ gìn vệ sinh chung đóng một vai trò quan trọng. Nhiều trường học đầu tư nhà vệ sinh khang trang, nhân viên vệ sinh tích cực dọn dẹp nhưng chính các em không có ý thức lại khiến tình hình trở nên tồi tệ. Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ của công, giữ gìn vệ sinh nơi công công cộng là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên và mỗi phụ huynh!

Nguyễn Ngọc

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm