Nhà trường gặp khó với giáo viên “ngoại” dạy tiếng Anh
Không ít trường học ở TPHCM đang phải oằn mình trả lương 2.000 USD/tháng cho giáo viên Philippines dạy tiếng Anh. Ngược lại, có trường đăng ký nhận giáo viên nhưng chờ hoài không thấy.
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM từ cuối năm 2012, Sở sẽ tuyển dụng và đưa về khoảng 100 giáo viên người Philippines giảng dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học và THCS nhưng đến nay chỉ tuyển được 13 giáo viên, dự kiến đầu năm 2014 này sẽ đưa về thêm 26 giáo viên nữa.
Hầu hết các trường đều đánh giá cao kỹ năng sư phạm, chuyên môn và hòa nhập của các giáo viên này, tạo được hiệu quả cao trong dạy học. Tuy nhiên, các vấn đề về tài chính, thiếu giáo viên, nội dung giáo án… đã gây không ít khó khăn cho các trường trong quá trình quản lý, theo dõi việc dạy và học thời gian qua.
Phải tự trích quỹ bù lương
Ban đầu UBND TP.HCM duyệt kế hoạch tuyển giáo viên Philippines về dạy tiếng Anh nhằm thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh (HS) phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2010-2020”, UBND sẽ hỗ trợ 50% kinh phí, 50% xã hội hóa. Tuy nhiên, vì khó khăn TP buộc phải thực hiện 100% xã hội hóa từ nguồn thu của phụ huynh, mỗi giáo viên được trả lương với mức 2.000 USD/tháng/người.
Theo tính toán ban đầu, để chi trả đủ lương, trung bình mỗi HS phải đóng 120.000 đồng/tháng nhưng thực tế vẫn không đủ vì phụ thuộc vào sĩ số HS. Không ít trường phải tìm cách bù lỗ hoặc nhiều trường kết hợp nhận chung giáo viên mới đủ kinh phí.
Trong năm học trước, quận 2 nhận hai giáo viên nhưng phải phân công giảng dạy tại bốn trường học để san sẻ tiền lương nhưng vẫn khó khăn. Thầy Nguyễn Phú Phi, Hiệu trưởng nhà trường, giải thích Sở GD&ĐT tính toán mỗi HS đóng 120.000 đồng/tháng sẽ đủ 2.000 USD/giáo viên/tháng nhưng lại không tính trên số lượng HS. Trường đông thì không sao chứ trường ít HS, tính ra mỗi HS phải đóng 150.000 đồng/tháng mới đủ. Trong khi đó, nhà trường đã họp thỏa thuận với phụ huynh từ đầu năm học với mức quy định của Sở. Về sau thấy tiền thiếu hụt, nhà trường không thể thu thêm của HS nên bắt buộc trích quỹ.
Trường THCS Hoa Lư, quận 9 cũng phải lấy từ tiền quỹ tiếng Anh tăng cường để trả lương cho giáo viên chứ không dám thu thêm tiền của HS. Đây cũng là một trong những lý do khiến một số trường tại quận Phú Nhuận, quận 1, Gò Vấp… e dè khi đăng ký nhận giáo viên Philippines từ Sở. Có trường đã đăng ký nhưng phải hủy để tiếp tục hợp đồng với giáo viên bản ngữ từ các trung tâm ngoại ngữ để phụ huynh yên tâm cho con theo học tiếng Anh.
Thiếu giáo án
Bàn về kỹ năng sư phạm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Kim Châu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THCS Hoa Lư, cho hay giáo viên Philippines đang giảng dạy tại trường là giáo viên từng dạy bậc tiểu học. Vì thế khi đứng lớp THCS, một số kỹ năng sư phạm không phù hợp khiến cô trò đôi khi lúng túng trong dạy và học. Chưa kể thổ ngữ của cô khá nặng, một số âm phát âm không chuẩn khiến HS khó nghe được rõ từ.
Ngoài ra, phần lớn các trường còn phải tự tìm tài liệu, lên chương trình dạy cho giáo viên. Điều này gây không ít khó khăn trong công tác quản lý cho các trường. Lãnh đạo một trường THCS kiến nghị: Sở GD&ĐT nên có chương trình chung từ lớp 6 đến lớp 9 dành cho giáo viên Philippines để nhà trường dễ dàng quản lý về chuyên môn lẫn thời gian.
Chờ giáo viên
Nhiều trường tiểu học và THCS ở một số quận, huyện đã từng đăng ký tuyển dụng giáo viên Philippines từ năm học trước nhưng đến năm nay vẫn tiếp tục chờ. Điều này gây ảnh hưởng đến việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường và phụ huynh HS.
Cô Kim Trang cho biết quyết định tuyển dụng giáo viên Philippines từ Sở, trường phải nài nỉ phía trung tâm ngoại ngữ hủy ngang hợp đồng với giáo viên bản ngữ trước đó. Năm học này chưa có thông báo chính xác về giáo viên Philippines nên từ đầu tháng 8, trường đã quay lại hợp đồng giáo viên bản ngữ với trung tâm cũ.
Một phó hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Gò Vấp cũng thẳng thắn, phụ huynh có nhu cầu cho con học tiếng Anh trong trường rất cao và có thật, nếu nhà trường không đáp ứng được thì họ sẵn sàng bỏ tiền cho con đi các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài. Ngay từ học kỳ 2 năm học trước, dù biết học phí cao nhưng trường vẫn đăng ký nhận giáo viên Philippines nhưng đến đầu năm học này vẫn chưa có thông báo mới khiến phụ huynh nóng ruột. Sau khi tính toán lại, trường quyết định hợp đồng với một công ty, có giáo viên bản ngữ và bảng tương tác thông minh để đưa vào nhà trường giảng dạy luôn, không gây phiền cho phụ huynh nữa.
Trong năm học 2012-2013, Sở GD&ĐT đã chính thức phân công 13 giáo viên tiếng Anh bản ngữ người Philippines về 27 trường tiểu học và 10 trường THCS trên địa bàn TP. Sau một năm thí điểm, nhìn chung số giáo viên này đã hòa nhập nhanh chóng với môi trường giảng dạy và học tập tại các trường; nhiệt tình, sôi nổi, hòa nhã trong giao tiếp với HS và đồng nghiệp; có ý thức học hỏi và trau dồi kỹ năng đứng lớp từ các giáo viên khác trong nhà trường; tham gia tích cực các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ ngoại ngữ và các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Điều này góp phần tạo thêm môi trường ngôn ngữ cho các giáo viên tiếng Anh người Việt và HS, giúp học sinh phát triển kỹ năng nghe, nói hơn.
Trước mắt, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các phòng GD&ĐT quận, huyện tổ chức các hội thảo về chuyên môn nhằm giúp các giáo viên người Philippines có cơ hội trao đổi kinh nghiệm giảng dạy cũng như quản lý lớp với các giáo viên tiếng Anh người Việt; triển khai và nhân rộng công tác tổ chức các hoạt động ngoại khóa đa dạng với sự cộng tác của các giáo viên người Philippines, khắc phục những khó khăn còn tồn tại trong quá trình giảng dạy…
Trong năm học 2013-2014, Sở dự kiến sẽ tiếp tục phân công 26 giáo viên người Philippines về 37 trường tiểu học và 10 trường THCS để đáp ứng kịp thời nhu cầu cần giáo viên của các trường.
Một cán bộ của Sở GD&ĐT TP.HCM |
Theo Pháp luật TPHCM