Nguyễn Du sẽ giận

(Dân trí) - Lâu nay, SGK ở các bậc học đưa đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của truyện Kiều vào học thì hai câu thơ: “Cò kè bớt một thêm hai. Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” như đã nhập tâm bao thế hệ thầy và trò; thế nhưng SGK lớp 9 mới, đưa đoạn trích này vào lại thay từ “vàng” thành từ “vâng”…

...“Cò kè bớt một thêm hai. Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm” (SGK – Ngữ văn 9 Tập 1 trang 98) không những tạo ra thành một sự khập khễnh về nội dung, giảm đi giá trị thẩm mỹ không chỉ của hai câu thơ mà cả đoạn thơ.

 

Vâng chính là sự đồng ý. Nếu đã có sự đồng ý rồi thì làm gì có từ ngã giá. Ngã giá là đưa ra cái giá mà hai bên đều thoả thuận, chấp nhận được, có nghĩa là đồng ý. Nên đã dùng từ vâng mà còn dùng từ ngã giá thì thừa, tối nghĩa mà bậc đại thi hào, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du thì không thể nào dùng lặp từ cùng nghĩa trong một câu thơ như thế. Nếu giả sử vâng là từ sử dụng cho bên bán, ngã giá dùng cho bên mua thì trong câu thơ này phải có dấu chấm hoặc dấu chấm phẩy để phân biệt bên bán bên mua: “Giờ lâu ngã giá. Vâng ngoài bốn trăm”.

 

Việc dùng từ vâng ở đây là không hợp mà phải dùng từ vàng. Chỉ dùng từ vàng mới đúng bản chất của việc mua bán, bản chất con buôn của Mã Giám Sinh là “Cò kè bớt một thêm hai”. Mỗi từ ngữ, đều được Cụ Nguyễn Du đặt  trong từng văn cảnh cụ thể đã góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung của truyện Kiều, cho nên hậu thế chúng ta không thể vì lý do gì mà sửa từ của Cụ được, sửa từ của một tác phẩm văn học làm rạng danh cho dân tộc ta từ khi mới ra đời cho đến nay. Vậy nên hãy để từ vàng trong truyện Kiều theo mãi cùng năm tháng.

 

Nguyễn Văn Tú

(Trường THCS Hoà Nhơn- Hoà Vang – TP. Đà Nẵng)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm