Nguy hại khi phụ huynh can thiệp vào việc chọn nghề của con

(Dân trí) - Từ chối thi vào đại học để đi học nghề sửa chữa đồ điện tử, Minh bị cha mẹ gây áp lực bằng cách sẽ cắt hết các nguồn viện trợ, tự thân mà lo. Minh đành đi học đại học nhưng hết năm hai, cậu bỏ học...

Đòi chết để... “bẻ” nghề con

Từ nhỏ, Lê Thanh Minh, một thanh niên ở Đồng Nai mê mẩn với việc mày mò, tìm hiểu về đồ điện tử gia dụng. Minh có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để “chơi” với chiếc quạt điện hỏng, nối điện gắn pin rồi nghĩ ra mọi cách để sửa chữa hoặc chế tạo thành một vật dụng khác. Trong xóm, nhà nào hỏng đồ dân dụng... đều mang qua nhờ Minh sửa, không thì cậu cũng qua xin về làm đồ thí nghiệm.


Nhiều học trò bị cha mẹ ép nghề nghiệp từ sớm (Ảnh minh họa)

Nhiều học trò bị cha mẹ "ép" nghề nghiệp từ sớm (Ảnh minh họa)

Minh sớm xác định sẽ đi học nghề sửa chữa đồ điện tử. Khổ một nỗi, Minh lại học khá, bố mẹ yêu cầu em phải thi vào những nghề “đình đám” như Y, Ngân hàng hoặc cùng lắm thì làm thầy giáo vẫn hơn “thằng thợ điện”.

Minh không chịu, nói mấy cái đó con không ưng, cậu phải chịu những lời mắng mỏ, chê bai và sự thất vọng từ bố mẹ. Nói không được, bố mẹ Minh nói, đi học nghề thì tự lo lấy thân, gia đình không hỗ trợ ăn học một đồng... 18 tuổi, không chịu nổi ánh mắt buồn phiền của cha mẹ, chưa thể lo về tài chính, Minh gác ước mơ, dự định của mình, thi đỗ vào ngành Quản trị kinh doanh của một trường ĐH có tiếng ở TPHCM.

Dự các chương trình tư vấn mùa thi ở trường phổ thông, sẽ thấy nhan nhản tình cảnh học sinh bị phụ huynh “bẻ” nghề một cách thô bạo. Phụ huynh dùng áp lực, thái độ, tài chính, thậm chí có người dùng tính mạng để con phải thay đổi lựa chọn của mình.

Đó là em Lê Thùy Linh ở Phú Nhuận, từ nhỏ em đã yêu nghề giáo viên mầm non. Đến phổ thông, thông qua hướng nghiệp, các chuyến đi thực tế em vẫn không thích việc gì khác. Cản không được, bà mẹ tuyên bố Linh chọn sự phạm, bà sẽ... tự vẫn.

Một nam sinh khác có bố mẹ đều làm ngân hàng nên muốn con theo nghề “truyền thống”. Ban đầu bố mẹ cấm cản, dọa dẫm đủ điều nhưng thấy không hiệu quả, họ chuyển sang chiến tranh lạnh, không nói chuyện, chỉ giao tiếp với con bằng vẻ mặt thất vọng. Họ duy nhất muốn cậu phải thi ngành mà mọi thứ được rải sẵn trong khi cậu lại thích công việc của một bác sĩ thú y. Cậu học trò thốt lên đầy đau khổ: “Nếu chọn nghề vì bố mẹ, em có thể làm một người lao động bình thường không?”.

Bế tắc vì chọn sai nghề

Học hết năm thứ 2, Minh bỏ ngang ĐH, đăng ký học nghề sửa điện. Bố mẹ ở quê làm ầm ĩ, mắng con vô dụng, bất tài, đòi từ mặt cậu con trai duy nhất. Nhưng ít nhất Minh thấy được lối thoát cho bản thân trước khi gục ngã, mất mục tiêu sống ngay ở giảng đường ĐH mà bố mẹ kỳ vọng “sau này ra làm giám đốc”.

Con trẻ cần được định hướng nghề nghiệp đúng với đam mê, năng lực của mình
Con trẻ cần được định hướng nghề nghiệp đúng với đam mê, năng lực của mình

Tại rất nhiều hội thảo tư vấn nghề nghiệp của các trường ĐH, không ít sinh viên, cả những bạn chuẩn bị ra trường thể hiện sự bế tắc, chán nản, thậm chí là muốn tìm đến cái chết khi mất động lực học tập, định hướng nghề nghiệp vì chọn nghề không yêu thích. Nhiều lý do họ chọn sai nghề như không được định hướng nghề nghiệp, chọn theo trào lưu, theo bạn bè và rất đông người trẻ chọn nghề vì bố mẹ.

Trong lần chia sẻ với phụ huynh Trường THCS-THPT Đức Trí, TPHCM, ThS Đinh Thanh Phương kể về chàng trai bị gia đình ép học nghề Y. 6 năm sau, vào ngày gia đình tổ chức tiệc liên hoan con tốt nghiệp, cậu "biếu" bố mẹ tấm bằng Giỏi như ước mơ của họ rồi quay đi thực hiện ước mơ của mình. Bố mẹ nghẹn đắng, bẽ bàng, hối hận. 6 năm - không chỉ là thời gian, công sức mà còn là lý tưởng, tình yêu, tuổi trẻ của cậu.

Bố mẹ không tin vào con trẻ, học trò thiếu định hướng nghề nghiệp, nông cạn cũng là lý do nhiều phụ huynh can thiệp thô bạo vào việc chọn nghề của trẻ. Phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho trẻ là cần thiết nhưng cần nhất là phải hiểu con, phải phân tích cho con được sự phù hợp với nghề nghiệp.

Có nhiều thứ phụ huynh tin là tốt, là nhàn nhã lại là "địa ngục" với con trẻ. Nhất là khi bố mẹ cũng không hiểu rõ về các ngành nghề, chỉ nhìn vào ánh hào quang, sự nhàn nhã của nghề mà bỏ rơi thứ quan trọng nhất là khát vọng, đam mê, năng lực của con.

Và có rất nhiều đứa con bế tắc trước ngưỡng cửa vào đời vì... sự định hướng của bố mẹ.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm