Ngưỡng mộ hình ảnh Hảng Thị Dông ở Bản Công
(Dân trí) - Nhắc đến Hảng Thị Dông, cả xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái ai cũng ngưỡng mộ. Dông đã giúp phụ nữ trong xã xóa mù chữ, giúp đàn ông cai nghiện, xóa bỏ cây thuốc phiện, giúp bà con xóa bỏ những thủ tục lạc hậu về ma chay, cưới xin.
Nhìn Dông, cả bản ai cũng muốn đi học
Năm 11 tuổi, Hảng Thị Dông (sinh năm 1984) mới được đến trường. Suốt những năm học cấp I, Dông luôn là học sinh giỏi của lớp. Do bố làm cán bộ ở huyện Trạm Tấu nên Dông tiếp tục được học lên cấp II nhưng đến lớp 8, Dông phải lấy chồng vì quá lớn tuổi (lúc đó 19 tuổi) và phải nghỉ học. May mắn thay, gia đình nhà chồng Dông cũng là cán bộ nên sau khi sinh con được 6 tháng, Dông được đi học tiếp. Đến nay, Dông là 1 trong 4 người duy nhất của bản Công học hết lớp 12. Dông tâm sự: “Em rất thích học vì nếu không học thì không biết làm kinh tế và hiểu biết xã hội”.
Có kiến thức, Dông tích cực lao động sản xuất, mỗi năm làm 6 ha ruộng lúa nước, 1 ha lúa nương và 5 ha cây rau màu khác. Cũng nhờ vậy mà gia đình Dông thuộc diện khá giả của bản. Khi gia đình có của ăn, của để, Dông đã động viên chồng là Hồ A Xà (sinh năm 1983) đi học tiếp đại học Nông nghiệp ở Tây Bắc. Do chị là người phụ nữ có chữ nhiều nhất xã nên năm 2006, Dông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công.
Hiểu được tầm quan trọng của cái chữ, Dông đã đến từng gia đình vận động cho con đến tuổi đi học ra lớp. Tuy nhiên, điều Dông băn khoăn nhất hiện nay ở xã của Dông, con gái đến tuổi 14 - 15 là đã lấy chồng và chỉ có nam giới được học lên cao. Do vậy, trong xã của Dông còn đến 80% phụ nữ không biết chữ.
Dông tâm sự: “Khi đến vận động chị em đến lớp, tôi phải lấy chính bản thân mình ra nêu gương thì mới vận động được mọi người. Tôi bảo rằng lấy chồng xong thì phải đi học tiếp vì không học thì sẽ không biết phát triển kinh tế, đời sống sẽ rất khó khăn. Do vậy, năm trở lại đây chúng tôi đã vận động được rất nhiều chị em phụ nữ trong xã đến lớp nhưng vẫn còn nhiều người không chịu đi học vì mải làm. Thời gian tới, tôi sẽ quyết tâm vận động họ tới lớp”.
Bị ném đá vì dám bắt phá cây thuốc phiện
Ngoài việc xóa mù chữ cho chị em phụ nữ trong xã, Dông đã cùng với các Đảng viên trong Chi bộ Hội phụ nữ xã còn đẩy mạnh công tác xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, phòng chống buôn bán thuốc phiện, ăn ở vệ sinh xây dựng gia đình văn hóa mới, xóa bỏ các thủ tục lạc hậu như thách cưới, ma chay kéo dài.
Hảng Thị Dông nhớ lại, từ năm 2006 về trước, cả xã có khoảng 30 người nghiện ma túy và họ tự trồng cây thuốc phiện để hút. Dông đã đến tận nhà họ vận động không hút thuốc phiện nữa. Đến một lần không được, Dông kiên trì đến nhiều lần vì chỉ vận động những người nghiện đi cai thì sẽ bỏ được vườn thuốc phiện họ đang trồng.
Kỷ niệm nhớ nhất với Dông là trong một lần cùng đoàn trong xã đến bản Tả Xùa để vận động một gia đình phá cây thuốc phiện. Khi biết mọi người đến, gia đình đó đã trốn trên núi và ném đá vào đoàn người khiến họ suýt vỡ đầu. Không quản ngại nguy hiểm, Dông đã lấy hết can đảm, tìm gặp bằng được gia đình đó để khuyên giải người chồng đi cai nghiện, người vợ xóa bỏ trồng cây thuốc phiện và tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt. Sau một tuần thuyết phục, Dông đã thành công.
Dông vui mừng khoe: “Bây giờ xã tôi chỉ còn 6 người nghiện, chủ yếu là những người già không đủ sức để đi cai nghiện nên đành chịu thôi”.
Không chỉ có thế, Dông đã giúp xã bỏ được tục lệ thách cưới. Dông cho biết: “Trước đây, mỗi lần con gái trong xã đi lấy chồng thì gia đình nhà trai phải nộp khoảng 30 - 40 đồng bạc khoảng tương đương với 5kg bạc, bây giờ tục lệ này đã bỏ và thay vào quà thách cưới là 15 triệu đồng”.
Còn về đám ma, trước kia ở xã chị thường kéo dài đến 10 ngày thì mới đem chôn, Dông đã tuyên truyền, vận động mọi người hiểu được là để lâu như vậy trong nhà không tốt và thủ tục này hiện nay đã được xóa bỏ.
Với việc làm thiết thực này, Dông đã vinh dự được dự hội nghị điển hình tiến tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
“Nhiều người trong xã hỏi tôi rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ có khó lắm không? Tôi trả lời rằng không khó, bởi thực tế tôi học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Tôi nghĩ mình cứ là gương mẫu trong cuộc sống, trong công việc của mình thì vận động người khác làm theo cũng dễ dàng thôi” - Hảng Thị Dông cho hay.
Hồng Hạnh