"Người trong cuộc" muốn xem xét tính hiệu quả của hội đồng trường
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, hội đồng trường chưa phát huy được vai trò, thậm chí tăng thêm thủ tục, rườm rà trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Xem xét tính hiệu quả của hội đồng trường
Tại buổi thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) phát biểu tranh luận về vấn đề hội đồng trường với tâm thế của người trong cuộc khi đang là Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, thành viên trường đại học Thái Bình.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét lại tính hợp lý quy định về hội đồng trường hiện nay.
Đại biểu cho rằng, hội đồng trường chưa phát huy được vai trò trong đơn vị của mình, đôi khi còn tăng thêm thủ tục, tính rườm rà trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Hiện nay, hội đồng trường mới chỉ quy định trong các trường công, có tổ chức cơ sở Đảng. Theo đại biểu, các hoạt động của nhà trường cần Nghị quyết của Đảng ủy.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, trước đây khi chưa có Hội đồng trường, một số đề án, hoạt động trình thẳng cho UBND tỉnh cho ý kiến. Tuy nhiên, bây giờ các nội dung này phải qua hội đồng trường cho ý kiến.
Trong khi đó, phần lớn thành phần này lại trùng lắp với thành phần của Đảng ủy, của Hội đồng giáo dục và khoa học cũng như một số Hội đồng chuyên môn khác. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét lại tính hiệu quả của hội đồng trường hiện nay.
Đầu tư cho giáo dục đại học
Về giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phản ánh, nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học.
Đại biểu cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp.
Theo đại biểu, kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên ở các trường đại học còn quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.
Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh.